Các công nghệ nói chung và đặc biệt là internet phát triển đem đến rất nhiều lợi ích cho con người như giúp tiết kiệm thời gian, công sức, đem tới nhiều sự lựa chọn… Nhìn tốc độ phát triển chóng mặt của internet ngày nay chúng ta hoàn toàn có thể hiểu được những lợi ích đó. Nhưng công nghệ phát triển cũng đem tới không ít những ảnh hưởng tiêu cực tới con người. Và nếu không biết các kiểm soát thì không những nó không đem lại lợi ích mà còn gây hại cho cuộc sống của mỗi cá nhân nói riêng và xã hội nói chung. Bài viết này xin thảo luận về vài cách mà internet đang hủy hoại chúng ta.
1. Email có tính gây nghiện
Email hay còn gọi là thư điện tử là một công cụ hữu ích bậc nhất trên internet. Việc sử dụng email đã giúp chúng ta tiết kiệm hàng đống thời giờ trong việc truyền và nhận thông tin, tài liệu. Nếu như ngày xưa việc gửi thư tay sẽ làm chậm trễ tiến độ công việc thì giờ đây người ta chỉ cần 1 cú click chuột để gửi, đợi vài giây và nhận email. Vậy là mọi thứ đều được giải quyết. Tuy nhiên, nó cũng gây nghiện.
Có lẽ vì phương thức sử dụng cực kì đơn giản và với những chiếc điện thoại thông minh hiện tại nên người ta càng có nhiều cơ hội dùng công cụ này. Việc nghiện ở đây không chỉ hướng đến hành động gửi đi một email nào đó mà chỉ việc bạn thường xuyên vào hòm mail của mình một cách không cần thiết. Bạn có thể nôn nóng chờ đợi một thông tin nào đó và liên tục vào hòm thư điện tử kiểm tra. Bạn cứ vào rồi lại kích ra, việc đó dần dần trở thành như một thói quen khó bỏ. Việc “nghiện” này thực ra cũng có thể do áp lực công việc, áp lực từ lượng thông tin quá nhiều. Theo một thống kê của nước Mỹ thì phần lớn người sử dụng máy tính đều thường xuyên sử dụng email của mình như một thói quen khó bỏ
2. Facebook làm bạn dễ cảm thấy khổ sở
Facebook là một mạng xã hội có số lượng người dùng lớn bậc nhất hiện nay. Hàng ngày người ta chia sẻ hoạt động, ảnh, clip, tâm trạng, tình trạng quan hệ và đủ thứ cá nhân trên trang mạng xã hội này … Tuy nhiên đây cũng là nguồn gốc cho không ít các phiền phức trong cuộc sống.
Theo một nghiên cứu khoa học chung tay giữa Mỹ và Bỉ, các nhà nghiên cứu đã chứng minh được rằng facebook sẽ làm chỉ số tâm trạng của bạn trở nên tiêu cực hơn. Họ nhận thấy rằng các đối tượng thường xuyên sử dụng facebook có mức độ thỏa mãn với cuộc sống thấp hơn những người ít thường xuyên dùng facebook. Người ta thậm chí còn so sánh một cách hài hước rằng một lần lên mạng xã hội này tâm trạng cá nhân sẽ sụt giảm như khi nhìn thấy một con chó bị hành hạ trong vòng mấy tiếng (tất nhiên trong trường hợp bạn là người yêu chó). Một nghiên cứu riêng biệt khác ở Đức lại phát hiện ra rằng cảm xúc thường thấy nhất ở người độ tuổi trẻ, vị thành niên khi lên facebook là tâm trạng ghen tị, cáu giận, bức xúc … Và thường những điều được đưa lên facebook đều được thổi phồng lên, đặc biệt là những thành tựu và hạnh phúc. Điều này đã vô hình chung làm nơi này trở thành một chốn không đáng tin cậy.
3. Cơn thịnh nộ từ Twitter
Hãy ngồi lại và suy nghĩ xem cả một quá trình Twitter đã đem lại cảm xúc gì cho bạn ? Đó có thể là cảm giác thoải mái để thể hiện mọi cảm xúc, nỗi niềm … Nhưng có lẽ vì quá thoải mái để xả ra nên công cụ này góp phần làm cho những cơn tức giận của bạn dễ bột phát hơn. Dạo vòng quanh Twitter, cũng có phần tương đồng như facebook, đập vào mắt chúng ta là những than phiền về thời tiết, học sinh phẫn nộ với thầy cô giáo và trường học và nhiều thứ bực bội khác. Thực ra Twitter chỉ là một đại diện chung cho hầu hết các phương tiện truyền thông xã hội. Và những điều khó chịu tất nhiên là bình thường vẫn luôn xảy ra, nhưng điều không được ổn lắm ở đây đó chính là sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội sẽ dễ kích thích nỗi cáu giận trong bạn bùng lên hơn, hiệu ứng tiêu cực đến tâm trạng bạn.
Tại Trung Quốc, những nhà khoa học đã nghiên cứu hơn 70 triệu bài viết trên Sina Weibo (một phiên bản Twitter của Trung Quốc) để xem có bao nhiêu cảm xúc khác nhau lan truyền trên mạng. Và cảm xúc tức giận hoàn toàn áp đảo so với những nhiều vui. Rõ ràng nghiên cứu chỉ nói lên một khía cạnh ảnh hưởng đối với người Trung Quốc, tuy nhiên nhìn chung thì tại các quốc gia khác cũng không khác biệt cho lắm. Có thể trong ngắn hạn, các phương tiện truyền thông xã hội làm chúng ta hạnh phúc và ít giận dữ hơn, nhưng về dài hạn thì ngược lại.
4. Sự kì thị trên Facebook
Với lượng người dùng khổng lồ của mình, không thể phủ nhận được hiệu ứng đám đông trên facebook. Thậm chí chúng ta còn có những trào lưu xuất phát trên đó làm ảnh hưởng đến cả một cộng đồng.
Một nghiên cứu gần đây đã xem xét mối liên hệ giữa sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và phân biệt chủng tộc, kì thị một ai đó, thể hiện rằng mình không thích một sự kiện gì đó ... Nó cho thấy những người dành nhiều thời gian sử dụng facebook có xu hướng bị ảnh hưởng bởi thành kiến của đám đông. Bạn có thể thấy trên facebook việc lập một trang cộng đồng để ủng hộ hay bài trừ. Và nếu có một vấn đề nào không hay xảy ra thì internet và các phương tiện truyền trông xã hội chính là cách lan truyền nhanh nhất tới mọi người. Và tất nhiên những thông tin mọi người nhận được dưới một góc nhìn tiêu cực, thành kiến thì điều đó cũng làm ảnh hưởng tới ấn tượng của mọi người.
5. Làm cho bạn kém thông minh hơn
Không thể phủ nhận được rằng tốc độ tìm kiếm và lắp ghép các thông tin của chúng ta được cải thiện rất nhiều nhờ có internet, đặc biệt là với những công cụ tìm kiếm hiệu quả như Google. Nhưng không phải ai cũng đủ giỏi để chỉ sử dụng chúng như một thứ công cụ hỗ trợ làm việc. Hàng ngày vẫn có nhiều người khi cần bất cứ thứ gì cũng lập tức tìm tới internet để có mọi thứ. Với một số điều cơ bản thì điều này không sao hết, nhưng làm bất cứ gì cũng như vậy mà không chịu động não thì quả thực nó sẽ chỉ tạo thành một thói quen xấu. Hậu quả của thói quen này là chúng ta sẽ kém tưởng tượng hơn, lười động não, lười tư duy …. Nhìn chung là cuối cùng sẽ bị phụ thuộc và trở nên ngu ngốc hơn. Tạp chí Science đã tổng hợp các nghiên cứu về tác động của internet tới khả năng nhận thức của chúng ta, và rất tiếc là ngoài kỹ năng đọc hình ảnh thì mọi khả năng khác của chúng ta đều bị suy giảm.
6. Thay đổi cấu trúc não của chúng ta ???
Internet dường như đang thay đổi cách chúng ta suy nghĩ và làm việc. Trong năm 2011, có một nghiên cứu thực hiện với 125 sinh viên ở London. Các nhà nghiên cứu nhận thấy có một liên hệ giữa số lượng bạn bè trên facebook và lượng chất xám ở một số vùng trên não bộ của họ. Các khu vực này được cho là khu vực phụ trách về tương tác xã hội trong bộ não. Với mỗi người, vùng này lại có sự khác biệt và việc sử dụng internet trong thời gian dài có làm thay đổi một chút cấu trúc bộ não. Tất nhiên nghiên cứu này chỉ là một phần nhỏ nhưng bình thường cũng có khá nhiều bằng chứng về việc internet tác động đến cách mọi người suy nghĩ.
7. Phát tán những thông tin nguy hiểm
Internet là một thứ rất khó kiểm soát. Người ta có thể đưa lên đó mọi thông tin và không phải thông tin nào cũng bổ ích, an toàn. Có rất nhiều các tổ chức khủng bố, cực đoan, chống phá đã lợi dụng internet như một công cụ tuyên truyền nguy hiểm. Thậm chí tổ chức khủng bố Al- Qaeda còn có cả một tài khoản Twitter. Và đôi khi cả những nguồn tin chính thống cũng rất dễ bị mạo danh, lên facebook và bạn có thể thấy hàng tá các trang giả mạo … Theo như Viện nghiên cứu Simon Wiesenthal ước lượng, internet đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng khoảng 30% các nguồn tin khủng bố. Có lẽ đây không phải là một điều đáng tự hào gì.
(Theo GenK)