Được sự bảo trợ của Bộ Thông tin – Truyền thông và sự tham gia của các công ty CNTT hàng đầu Cisco Systems Việt Nam đã tổ chức hội thảo Innovate với nội dung chính là thảo luận về các phương thức chuyển đổi và định hình doanh nghiệp trong tương lai. Khi lực lượng lao động và khả năng kết nối của con người có nhiều thay đổi.
Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Minh Hồng phát biểu khai mạc Hội thảo.
Hội thảo đã đưa ra những phương thức tiếp cận mới, giới thiệu các mô hình và giải pháp công nghệ đột phá cho doanh nghiệp, cũng như thảo luận về sự tất yếu của việc triển khai công nghệ vào môi trường kinh doanh hiện đại.
Cisco đã đưa ra bản Báo cáo Công nghệ Thế giới Kết nối (Cisco Connected World Technology Report) với dự đoán rằng, môi trường làm việc trong vài năm tới sẽ rất khác so với hiện nay. Khi lực lượng lao động mới với những nhu cầu ngày càng cao về kết nối cũng như cách thức, thời điểm và nơi mà họ muốn truy cập thông tin.
Sự phát triển hướng tới một thế giới có mức độ kết nối cao hơn này, được thúc đẩy bởi sự bùng nổ thông tin và sự phổ biến của các thiết bị số mới, đang làm gia tăng nhu cầu về các giải pháp và dịch vụ hoàn toàn mới nhằm đáp ứng yêu cầu của những người dùng có đòi hỏi về tính di động "mọi lúc, mọi nơi" trong việc truy cập thông tin và sử dụng thiết bị được họ lựa chọn.
Bà Manuela Mercandelli - Giám đốc về Giải pháp và đối tác về Mạng không biên giới, Cisco Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Nhật Bản đã mở đầu phần thảo luận với bài thuyết trình trong đó làm rõ về khả năng sẵn sàng của doanh nghiệp khi cho phép nhân viên sử dụng thiết bị riêng của họ. Trong bài phát biểu của mình, bà đã giải thích thuật ngữ BYOD (Việc cho phép nhân viên sử dụng thiết bị riêng của họ trong môi trường làm việc - Bring Your Own Device).
Theo bà xu hướng BYOD đã trở thành một trong những xu thế có ảnh hưởng lớn nhất, đã và sẽ tác động tới mọi bộ phận CNTT cũng như tạo ra những thay đổi triệt để về cách thức các trang thiết bị được sử dụng trong môi trường làm việc và từ đó nâng cao năng suất lao động và đặc tính di động. Cisco sẽ cung cấp một kiến trúc giải pháp BYOD toàn diện, kết hợp tất cả các cấu phần trên phạm vi toàn bộ mạng để hình thành nên một khuynh hướng hợp nhất về bảo vệ truy cập, thông tin và điều khiển chính sách của thiết bị.
Bàn về xu hướng điện toán đám mây, ông Rohan Cook, Trưởng nhóm giải pháp về Trung tâm dữ liệu, Cisco Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Nhật Bản cho rằng, việc sử dụng điện toán đám mây đang nhanh chóng chuyển đổi các doanh nghiệp và tổ chức ở mọi quy mô trong mọi ngành kinh tế khi họ đang sử dụng mô hình này để giải quyết những thách thức lớn nhất về kinh doanh và công nghệ.
Giải pháp cho những thách thức này đòi hỏi một khuynh hướng trong đó tích hợp toàn diện cả ba trụ cột của điện toán đám mây, đó là: Các ứng dụng và dịch vụ điện toán đám mây; Các trung tâm dữ liệu và Mạng. Kiến trúc mạng và giải pháp của Cisco hướng tới việc phát triển một “thế giới của nhiều môi trường điện toán đám mây” được kết nối giúp con người có thể truy cập vào các dịch vụ điện toán đám mây mọi lúc, mọi nơi, trên bất kỳ thiết bị nào.
Hội thảo được tiếp tục với các thảo luận chuyên đề về “Môi trường làm việc mới”, trong đó tập trung vào hai chuyên đề chính gồm “Mạng không biên giới và cộng tác” và “Trung tâm dữ liệu và ảo hóa”. Bàn về chuyên đề đầu tiên, các chuyên gia của Cisco cho rằng các tổ chức trên toàn thế giới hiện nay đang phụ thuộc nhiều hơn vào sức mạnh của mạng Internet.
Ông Roland Javinos Ong, Trưởng nhóm Chuyên gia tư vấn về Giải pháp Cộng tác, Cisco Châu Á - Thái Bình Dương đã phân tích về việc “Cộng tác trong kỷ nguyên hậu PC”. Ông cho rằng tốc độ và mức độ sử dụng các sản phẩm công nghệ, công cụ mạng xã hội và công nghệ ảo hóa đang thúc đẩy một cuộc cách mạng trong môi trường làm việc và tạo ra bài toán mới cho các nhà cung cấp trong việc tính toán để xây dựng trải nghiệm làm việc linh hoạt và an toàn.
Trong khi đó, ông Hariprasad B. S., Chuyên gia tư vấn Hệ thống, Bộ phận đường trục doanh nghiệp, Cisco Châu Á- Thái Bình Dương chỉ ra rằng để triển khai thành công những sáng kiến mới như là điện toán đám mây, video và di động, một tổ chức cần phải có một cơ sở hạ tầng mạng mạnh mẽ, vừa đáp ứng được nhu cầu hiện tại, vừa sẵn sàng hỗ trợ các yêu cầu tương lai. Những sáng tạo về kiến trúc chuyển mạch và cách thức mà các sản phẩm và công nghệ trong danh mục chuyển mạch Catalyst của Cisco được đưa ra như là một giải pháp phù hợp đáp ứng các yêu cầu này, từ đó đạt được các mục tiêu kinh doanh.
Ông Trần Phong Vũ, Chuyên gia tư vấn giải pháp, NetApp Việt Nam cho rằng, việc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi sang môi trường điện toán đám mây bằng giải pháp trung tâm dữ liệu FlexPod™ - kiến trúc đơn nhất tích hợp các cấu phần tính toán, lưu trữ và mạng, có thể giúp các tổ chức giảm thiểu rủi ro kinh doanh, nâng cao hiệu suất của các trung tâm dữ liệu, bảo vệ các trang thiết bị hiện tại trong khi vẫn có thể mở rộng để hỗ trợ sự phát triển trong tương lai.
Hội thảo Innovate là một hoạt động chuyên đề về CNTT được Cisco Systems triển khai tại nhiều nước ở khu vực Châu Á trong năm 2012 gồm Thái Lan, Singapore, Việt Nam, Malaysia, Philippines và Indonesia với sự có mặt của các diễn giả đến từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Việt Nam được chọn là nước thứ 3 tổ chức hoạt động này với hai hội thảo liên tiếp tại Hà Nội (03/04/2012) và Thành phố Hồ Chí Minh (05/04/2012)
T.V