Google+ và những vấn đề cần giải quyết trong tương lai gần

Quang Khải   | 07/07/2012 12:00 PM

Những vấn đề nào mà mạng xã hội của gã khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến cần phải giải quyết ngay trong tương lai gần?

Đã hơn một năm trôi qua kể từ khi gã khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến Google cho ra mắt mạng xã hội của riêng mình – Google+. Thế nhưng, có vẻ như Google đang muốn cho mọi người biết rằng Google+ không phải là một mạng xã hội.


Điều này có thể gây nhầm lẫn cho khoảng 150 triệu người dùng tích cực mỗi tháng của mạng xã hội này. Họ kết nối với đồng nghiệp và bạn bè trên Google+ Circles. Họ trò chuyện với những thành viên trong gia đình qua dịch vụ Google+ Hangouts. Họ đăng tải lên những hình ảnh của mình. Họ xem video và chia sẻ chúng cho những người bạn khác.


Đó có phải là những việc mà bạn thường xuyên thực hiện mỗi khi “log in” vào một mạng xã hội? Bạn cũng nghĩ Google+ chẳng khác gì Facebook, Twitter hay thậm chí là Zing Me của Việt Nam? Thế nhưng, Google lại không đồng ý về điều này.




Trang tin Mashable đã có buổi trò chuyện cùng Vic Gundotra và Bradley Horowitz, hai phó chủ tịch cấp cao của Google tại Hội nghị dành cho các nhà phát triển Google I/O được hãng tổ chức vào hai ngày 27, 28/6 vừa qua. Họ rất hào hứng khi giới thiệu về tính năng mới được công bố của mạng xã hội Google+ là Google+ Even; nhưng sự hứng thú này của họ dần giảm đi khi xuất hiện một vài ý kiến cho rằng không nhiều người quan tâm tới việc gia nhập và thường xuyên sử dụng Google+; hay vấn đề muôn thưở - so sánh Google+ với mạng xã hội lớn nhất hành tinh – Facebook xuất hiện.


Gundotra cho hay “Google+ chỉ là một bản nâng cấp của Google. Có lẽ phải một thời gian dài nữa, người dùng mới có thể hiểu ra điều này. Tôi thấy rằng dường như người dùng luôn muốn so sánh, đặt chúng tôi “lên bàn cân” với những đối thủ cạnh tranh khác trong lĩnh vực mạng xã hội; và nhìn Google+ bằng góc nhìn của riêng họ thay vì trông thẳng vào thực tế những gì đang diễn ra: Google đang tạo ra những sản phẩm tuyệt vời, đầy kinh ngạc; và bằng việc tích hợp chúng vào trong một sản phẩm duy nhất – Google+ - Google sẽ tối ưu hóa được lợi ích của người dùng khi muốn sử dụng những sản phẩm, dịch vụ của hãng như Gmail, Google Search, Youtube…




Tăng tỉ lệ người dùng thường xuyên


Trước nhận xét của giới truyền thông cho rằng Google+ đang dần trở thành một “thị trấn ma”, Google đã công bố những số liệu thống kê mới nhất về mạng xã hội này của hãng: Lượng người dùng của Google+ hiện tại là 250 triệu người, trong đó có 150 triệu người dùng truy cập mỗi tháng, và hơn một nửa trong số này coi “Google+” như một phần tất yếu của đời sống mạng của mình. Liệu chúng ta có thể tin vào những con số này?

 

Tuy nhiên, với định nghĩa của Google+ rộng như vậy, cụm từ “hoạt động tích cực mỗi ngày” của hãng trở nên quá mơ hồ. Nếu người dùng đăng nhập vào Google+ và chỉ thực hiện một lệnh tìm kiếm đơn giản cho bài tập trên lớp của họ; hay tải lên Picasa một bức ảnh của họ và lấy link để chèn ảnh vào một diễn đàn khác, hoạt đông của họ có được hãng tính toán và đưa vào số liệu khổng lồ ở trên? Có thể, chẳng dại gì mà Google không "ăn gian" số liệu theo cách như vậy cả.


Một người dùng sử dụng những dịch vụ cơ bản như Search, Gmail, Youtube... của Google có thể sẽ chẳng bao giờ ghé thăm Stream, tính năng chính trên mạng xã hội Google+. Do vậy, để tính toán chính xác hơn, cần dựa vào thời gian người dùng Google hoạt động trên tính năng này. Tại hội nghị I/O, Gundotra đã tiết lộ rằng những người dùng tích cực dành trung binh 12 phút trên Stream của Google+, và con số này đã tăng 3 phút so với thời điểm 3 tháng trước đây. 



Tuy nhiên, đừng vội so sánh con số này với mạng xã hội hàng đầu hành tinh. Theo một tài liệu công bố trước đợt IPO, người dùng Facebook trên toàn cầu dành ra 10,5 tỉ phút để "sinh hoạt" trên mạng xã hội này mỗi ngày. Nếu bạn lấy con số "khủng" trên chia cho lượng người dùng - nên nhớ là những người dùng thường xuyên của Facebook - hơn 900 triệu người, chúng ta sẽ thấy thời gian trung bình mà người dùng dành cho tài khoản Facebook của họ lớn hơn con số 12 phút của Google+ rất nhiều. 


Như vậy, câu hỏi được đặt ra ở đây là làm thế nào để Google+ tăng tỉ lệ người dùng thường xuyên,cũng như tăng cường hoạt động tham gia của những Plus-ers vào chức năng Stream?


Gundotra cho biết "Tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể thúc đẩy sự tham gia của người dùng bằng việc cung cấp tới họ những dịch vụ giúp họ kết nối với những thứ mà họ quan tâm. Chúng tôi đặt nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của họ lên trên hết. Người dùng muốn chat video, họ có Google+ Hangouts; muốn tổ chức một party, họ sử dụng tính năng mới Google+ Event, ..."


Horowitz cho biết thêm "Nhiều người dùng lập một tài khoản Google+ chỉ với một mục đích duy nhất: để cho những Plusers khác biết mình là ai, hay vì tò mò. Chúng tôi sẽ khiến họ thấy rằng những dịch vụ của Google sẽ hữu ích và thú vị hơn với họ nếu được thực hiện trên Stream của Google+. Với người dùng, những người luôn muốn tối đa hóa lợi ích của mình khi sử dụng những dịch vụ của hãng; sẽ lựa chọn gì hẳn ai cũng đoán được


Con đường sinh tồn


Google là một doanh nghiệp; tất nhiên hãng sẽ chẳng bao giờ thực hiện một dự án có quy mô lớn như Google+ mà không xây dựng kế hoạch kiếm tiền từ đây cả. Thế nhưng, nếu là một người sử dụng Google+, bạn sẽ tự hỏi mình rằng không biết gã khổng lồ sẽ kiếm tiền từ đâu trên dự án này. Google không có những khu vực "sponsored stories" như Facebook hay "sponsored trends" như Twitter -  vốn là những cỗ máy "in tiền" cho các mạng xã hội này. Khi được hỏi về thời điểm chính xác Google+ triển khai những tính năng tương tự Facebook hay Twitter trên mạng xã hội của mình, Gundotra không nói. Ông cho biết Google có thể sẽ không đi theo những hình thức trên. 




"Mô hình kinh doanh giữa chúng tôi và những đối thủ cạnh tranh rất khác nhau. Một số đối thủ của chúng tôi có cách thức quảng cáo như tại một sân bóng chày. Nếu có 90.000 người trong sân và bạn đặt quảng cáo khắp mọi nơi; có thể coi như đây là một mô hình kinh doanh trọng tâm và có thể hiệu quả; nhưng khá phản cảm. Còn chúng tôi không làm như vậy. Chúng tôi sẽ quảng cáo theo nhu cầu của người dùng. Chúng tôi nghĩ rằng thời điểm thích hợp để hiển thị quảng cáo là khi bạn đang tìm kiếm chúng với mục đích thương mại - tức là khi muốn bán hay mua những sản phẩm nào đó. Chẳng hạn, khi tôi chuyển nhà, tôi muốn sắm một chiếc lò vi sóng mới. Chỉ khi nào tôi tìm kiếm trên Google+ với từ khóa là sản phẩm này, những quảng cáo mới hiện lên. Chúng tôi sẽ không khiến người dùng phải "ngộp thở" vì quảng cáo. Điều này hết sức ý nghĩa với họ -  khi mà những quảng cáo đã và đang ảnh hưởng rất nhiều tới thói quen sử dụng Internet của tất cả chúng ta"


Gundotra nhắc lại một thống kê được Google công bố trước đó - khi các doanh nghiệp sử dụng các tiện ích (extensions) của mạng xã hội Google+ trong quảng cáo của họ, tỉ lệ nhấp chuột (CTR) đã tăng từ 5 - 10%. Đây cũng là điều khiến nhiều doanh nghiệp coi Google+ là nơi "chọn mặt gửi vàng" của họ.


Kinh doanh trên Hangouts


Ngoài ra, việc kinh doanh trên Hangouts có thể cũng là một nguồn doanh thu tiềm năng của hãng. Một trong những lợi thế mà Google+ sở hữu là tính năng Hangouts - tán gẫu với bạn bè qua video. Với tính năng này, bạn có thể trò chuyện với nhiều người thông qua một thiết bị di động và tất nhiên - với một chi phí gần như bằng 0.



Kể từ khi ra mắt, tính năng Hangouts đã tạo ra sự khác biệt giữa Google+ so với những đối thủ khác. Cho đến thời điểm gần đây, hãng vẫn coi Hangout như một tính năng thân thiện với những người dùng bình thường chứ không hề là một công cụ để kinh doanh. Tuy nhiên, theo quảng cáo mới nhất của Google cho tính năng này (có bối cảnh là một nhóm nhân viên tổ chức họp qua Hangouts); rất nhiều doanh nghiệp (trong đó có cả Mashable) đã sử dụng Hangouts như một công cụ hữu ích đối với công việc của họ, nhất là khi vị trí địa lí không cho phép họ gặp mặt trực tiếp. Một câu hỏi được đặt ra ở đây: Tại sao Google+ lại  không khai thác nguồn doanh thu tiềm năng này từ khách hàng là những doanh nghiệp?


Horowitz cho biết: "Rất nhiều doanh nghiệp lớn cũng như các startup thực hiện việc kinh doanh của họ qua tính năng hữu ích này của Google+. Đơn giản, đó là bởi sự tiện lợi và gọn nhẹ. Một chiếc camera sẽ tốn nhiều thời gian để khởi động hơn là việc bạn bật laptop của mình lên, truy cập vào Internet và bắt đầu họp trực tuyến thông qua tính năng này của chúng tôi"


Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là tính năng dành cho người dùng là cá nhân. Vậy đến khi nào, hãng sẽ trình làng Hangouts cho các doanh nghiệp? Chắc chắn Google+ đã nhận ra và sẽ không bỏ lỡ cơ hội này trong tương lai; tuy nhiên hãng có lẽ cần thêm thời gian để Hangouts trở thành một sản phẩm hoàn hảo hơn trong mắt những người khó tính như ông chủ các doanh nghiệp. 



Cuộc chơi còn dài


Đối với nhiều người, Google+ đã thực hiện quá nhiều việc tình cờ trên bước đường phát triển của mình để rồi "bị" coi như một đối thủ cạnh tranh của Facebook. Gundotra và Horowitz phì cười về điều này bởi hai ông cho rằng Google+ đơn giản chỉ là cách để Google giúp người dùng sử dụng những dịch vụ của hãng một cách tiện lợi nhất theo kiểu "all in one" - Tìm kiếm, Bản đồ, Youtube... đều tích hợp trong một sản phẩm  - và quan trọng hơn cả là khiến cho những dịch vụ này phù hợp hơn thông qua việc kết hợp với dữ liệu cá nhân của người dùng. Trong bức tranh lớn về thế giới Internet ngày nay, mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Cả Facebook và Google đều muốn người dùng dành thời gian nhiều hơn cho "đứa con cưng" của họ. Facebook đi theo hướng "tương tác" và phát triển quy mô của những tính năng đi theo xu hướng này như Tin nhắn (Messaging)...Trong khi đó, Google+ đi theo cách đặc biệt hơn -  trình làng và phát triển những sản phẩm phổ biến và hữu ích với người dùng; sau đó tích hợp sâu rộng với những sản phẩm này.  


Tuy nhiên, xét về tương quan giữa lượng người dùng, Facebook vẫn vững vàng với vị trí "ngôi vương" trong hệ thống các mạng xã hội. Stream của Google+ chắc sẽ chẳng bao giờ "đánh bại" được News Feed của Facebook. Nhiều người vẫn coi Facebook là một gã "trọc phú" béo tròn; trong khi Google+ là một người đàn ông nghèo đói, rách rưới. Thật khó có thể hình dung thế giới mạng sẽ như thế nào khi Google+ "soán ngôi" của "Phây". Tuy nhiên, kể cả khi xét trong dài hạn, khả năng này cũng rất khó có thể xảy ra.


Thôi thì hãy cứ coi những thách thức này như những động lực để Google+ phấn đấu trong tương lai vậy....


Tham khảo: Mashable