Google Labs đóng cửa: Chiến lược nào cho gã khổng lồ?

Vi Dũng  | 24/07/2011 12:02 PM

Một ý tưởng bình thường có thể mất khoảng 3 năm để ra mắt cộng đồng internet, nhưng với Google Labs, thời gian phát triển sẽ được rút ngắn đi rất nhiều.

Đối với rất nhiều người, tin ông trùm tìm kiếm đóng cửa “phòng thí nghiệm” Google Labs hẳn sẽ là một kỷ niệm buồn, mặc cho thông báo gần đây của CEO Google, Larry Page, rằng chuyện này không hề bất ngờ một chút nào.
 
Thông qua bài viết của ông, mọi người đã có thể hình dung ra rõ ràng bước đi tiếp theo và mục tiêu tập trung của Google thời ‘Hậu Google Labs’. Đó là tập trung vào ít sản phẩm hơn, tránh đến mức tối đa những thất bại do chiến lược như Google Buzz hay Google Wave trong quá khứ, và kết hợp những kết quả nghiên cứu công nghệ vào một sản phẩm được chuẩn bị kỹ càng. Đến đây hẳn đọc giả cũng có thể thấy Google+ chính là một trong những sản phẩm đầu tiên được ra mắt theo chiến lược nghiên cứu mới của gã khổng lồ tìm kiếm.
 
Nơi tiếp nhận ý kiến của cộng đồng
 
Tuy nhiên đối với một số nhân viên Google, Labs lại là nơi để trưng cầu và ứng dụng ý kiến của cộng đồng người sử dụng vào khoàng 20% trong tổng số những sản phẩm của Google. Không chỉ có vậy, ý kiến khách hàng cũng cho họ biết liệu một dự án có đáng theo đuổi hay không.
 
Cách đây một năm, trang tin công nghệ TechRadar đã phỏng vấn người mà sau này là quản lý dự án của Google Labs, Aparna Chennapragada. Qua đó, những kỹ sư phát triển đã được giúp ích rất nhiều nhờ vào ý kiến của người sử dụng dịch vụ.
 
 
“Một ý tưởng bình thường có thể mất khoảng 3 năm để ra mắt cộng đồng internet, nhưng với Google Labs, thời gian phát triển sẽ được rút ngắn đi rất nhiều”, Chennapragada cho biết. “Và với việc ra mắt sản phẩm sớm, chúng tôi lại có thể thu thập những ý kiến khách quan để hoàn thiện sản phẩm của mình hơn nữa”.
 
“…20% sản phẩm”
 
“Sẽ là rất tuyệt nếu như bạn tìm ra một dự án thực sự đánh vào nhu cầu thị trường và làm tăng doanh thu của công ty mình, mặc dù chỉ có 1% sản phẩm đó thực sự xuất sắc”
 
Không phải công ty nào cũng sẵn sàng cho ra mắt đại chúng những sản phẩm vẫn còn đang trong quá trình phát triển của họ, tuy nhiên những số liệu gần đây lại cho thấy lợi ích bất ngờ của việc cho khách hàng sử dụng thử những bản “preview” của sản phẩm đang được phát triển. Lợi ích này không chỉ đến từ những ý kiến cá nhân giúp hoàn thiện sản phẩm, mà còn ở cách một dự án được biết đến một cách rộng rãi.
 
Có lẽ ví dụ điển hình nhất của cách phát triển sản phẩm như thế này chính là hệ điều hành Windows 7. Những bản Windows đang trong quá trình hoàn thiện được người sử dụng download miễn phí như một cách chứng minh “nội công thâm hậu” của Microsoft sau thất bại ê chề của Windows Vista vài năm về trước.
 
Quay trở lại chủ đề chính, việc Google Labs đóng cửa sẽ xoá sổ quy trình ra mắt sản phẩm sớm – hoàn thiện theo ý kiến khách hàng của Google, mà trái lại, một sản phẩm sẽ được phát triển và sử dụng trong một phạm vi hết sức hạn hẹp trước khi chúng (được cho là) hoàn thiện và được cho ra mắt hơn 1 tỉ người sử dụng dịch vụ của Google.
 
Vì vậy, như đã nói ở đầu bài viết, việc những “khoa học gia” tại Google Labs gác chiếc áo blouse trắng của mình sang một bên hẳn sẽ khiến cho rất nhiều người cảm thấy buồn, vì nhờ có họ, những ý tưởng điên rồ nhưng hết sức thực tiễn đã và đang thay đổi bộ mặt của thế giới internet muôn màu muôn vẻ.
 
Tham khảo Tech Radar