Việc tìm kiếm trên Google, cũng như mạng internet nói chung đã và đang thay đổi cách con người ghi nhớ những dữ kiện. Tuy nhiên một điều mà gần như ai cũng tán thành đó là những sự thay đổi ấy không phải lúc nào cũng mang ý nghĩa tích cực.
Mới đây, các nhà khoa học đã tiến hành hai cuộc nghiên cứu song song để kiểm tra năng lực ghi nhớ những sự kiện hoặc những mệnh đề khác nhau của các tình nguyện viên tham gia dự án. Kết quả của chúng sau đó đã được tổng hợp lại và đăng tải trên bài viết thuộc tạp chí Science Magazine.
Trong cuộc thử nghiệm, những sinh viên đại học được yêu cầu gõ những mẩu dữ kiện lên máy vi tính, ví dụ như “Mắt của đà điểu to hơn não của nó. Sau đó những tình nguyện viên này được cho biết những file chưa dữ kiện nói trên đã được di chuyển về một tệp tin khác trong máy tính, hoặc đã bị xoá đi.
Những nhà nghiên cứu phát hiện điều khá bất ngờ: Đối với những sinh viên có file lưu trữ được di chuyển sang một thư mục khác, thì thứ họ ghi nhớ hoàn toàn không phải là nội dung của dữ kiện họ đã đánh máy, mà là đường dẫn mới đến file lưu trữ của họ. Còn đối với những sinh viên có file lưu trữ bị xoá, thì việc nhớ lại chính xác những gì họ đã đánh máy lại chẳng có gì khó khăn!
Kết quả này chỉ ra rằng internet có lẽ đã và đang thay đổi một cách căn bản cách chúng ta tương tác với
thông tin hàng ngày. Thứ quan trọng hơn đối với chúng ta là địa chỉ lưu trữ những thông tin, chứ không phải là nội dung cụ thể của chúng. Thay vì ghi nhớ tên một bài hát, tên của một người bạn cùng lớp cấp 3, thậm chí là số điện thoại của một người hết sức quan trọng với bạn, thì với một chiếc smartphone được kết nối mạng internet, tất cả sẽ hiện diện trước mắt chúng ta. Hiện tại, các nhà khoa học gọi đây là
“Hiệu ứng Google”.