Đầu năm 2011, Facebook đã giới thiệu với toàn thế thế giới một bức bản đồ thế giới trong kỷ nguyên mạng xã hội. Nhiều người đã so sánh cái nhìn về nó đối với nhân loại như tấm bản đồ trái đất được chụp từ vũ trụ trong thập niên 60 của thế kỷ trước.
Trong tấm bản đồ của Facebook, sự kết nối giữa người sử dụng trên toàn thế giới, hiện ước tính 700 triệu người, được thể hiện bằng những vạch sáng. Những thành phố lớn rực sáng trên tấm bản đồ của Facebook như những ngôi sao, phần nào cũng thể hiện được sức hút của mạng xã hội lớn nhất hành tinh hiện nay.
Mặc dù chưa có ai tại tổng hành dinh của
Twitter thu thập thông tin và làm điều y hệt Facebook. Nhưng với con số thành viên ước tính khoảng hơn 300 triệu người, thì mức độ “toả sáng” của Twitter được hứa hẹn là sẽ không thua kém nhiều so với đại kình địch. Với tổng số tài khoản lên đến con số 1 tỉ, không một ai biết con số cụ thể của những mối nối trong tấm bản đồ mạng xã hội toàn cầu (một người trên Facebook được phép có tối đa 5000 người bạn, trong khi Twitter không giới hạn số lượng những người bạn “follow”).
Đến đây bạn có thể nghĩ tới một thế giới mà tất cả mọi người đều kết nối với nhau, và đều là bạn của nhau. Ý tưởng hiện đại đã trùng với cách nhìn viễn tưởng của con người những năm 60 của thế kỷ XX. Tuy nhiên một thế giới như vậy chưa thể hiện hữu nhanh như vậy được, vì một số nguyên nhân.
Một cuộc điều tra mới đây đã chỉ ra tính “bầy đàn” thời kỹ thuật số đã và đang hiện hữu trong kỷ nguyên mạng xã hội. Cụm từ “bầy đàn” này dĩ nhiên không được dùng để chỉ một quốc gia, một tập đoàn hay một đội vận động viên thể thao. “Bầy đàn” này tồn tại y hệt như những bộ lạc, những làng xã nhỏ trong cuộc sống thực cho tới đầu thế kỷ XX - khi quá trình Đô thị hoá đã tạo ra những thành phố với số lượng dân số tính theo hàng triệu. Và đến thời kỳ mạng toàn cầu ngự trị, những “bộ lạc” này lại có xu hướng quay trở lại trên nền thế giới ảo.
Những nhà khoa học tại trường đại học Indiana, Mỹ đã thu thập được tổng cộng 380 triệu mẩu đối thoại (dưới dạng
những đoạn Tweet) của 1,7 triệu người sử dụng Twitter trong vòng 6 tháng. Thứ họ muốn biết chính là số lượng người mà một người dùng Twitter thực sự kết nối. Bỏ qua tất cả những người bạn “follow” mà không bao giờ trò chuyện, không tính những đoạn retweet hay những đoạn tin nhắn với tag “@”, mà chỉ là những đoạn đối thoại thực sự giữa hai người với nhau. Những gì các nhà khoa học tìm ra cũng khá lý thú: Một người chỉ có thể kết bạn, làm quen và đối thoại với trung bình 150 người bạn trên Twitter.
Đối với những độc giả đã có cơ hội đọc cuốn sách ăn khách của Malcolm Gladwell với tựa đề “The Tipping Point” thì hẳn là sẽ nhớ ra vai trò quan trọng của con số 150. Đây chính là con số Dunbar, con số hiển thị quy mô của một bộ lạc nguyên thuỷ sao cho dễ quản lý và thoải mái nhất. Con số này được nhà nhân chủng học Dunbar đưa ra dựa trên kích thước não bộ con người, so sánh với kích thước não bộ của một vài loài động vật linh trưởng khác cũng như số lượng cá thể trong một tập hợp cố định của mỗi loài.
Hoá ra, số lượng người trong một nhóm mà chúng ta có thể kết thân tốt nhất là không quá 150 người, và con số này đúng kể từ thủa sơ khai của loài người hiện đại.
Mặc dù bạn có là một người thích kết bạn như thế nào đi chăng nữa, thì con số người lạ mà bạn cố tình dừng lại trước mặt họ và bắt chuyện với họ cũng không vượt quá “Con số Dunbar” kể trên. Còn trong kỷ nguyên internet, một vài người tự đưa ra cho mình câu hỏi: “Liệu có bao nhiêu người bạn trên Facebook thực sự xứng đáng làm một ‘người bạn’ theo đúng nghĩa?”.
Quay trở lại tham vọng của Facebook, Twitter và nhiều mạng xã hội khác, đó là kết nối tất cả mọi người trên thế giới lại với nhau. Điều này đồng nghĩa với việc trong tương lai, nếu những gã khổng lồ nói trên thực sự thành công, thì con người sẽ được sống trong một miền đất hứa đúng nghĩa, nơi công nghệ kết nối tất cả mọi người, và giữa họ là một tình bạn gắn kết. Nhưng thật không may, báo cáo của đại học Indiana lại chỉ ra rằng tương lai này chẳng có vẻ gì là sẽ diễn ra cả...
Những tác giả của công trình nghiên cứu này đã giải thích như sau: Những chiếc máy tính là công cụ tuyệt vời nhưng chúng không thể biến chúng ta thành những thiên tài toán học được. Facebook và Twitter cũng vậy - những mạng xã hội tuyệt vời, nhưng chúng cũng không làm cho não bộ của chúng ta phát triển lớn hơn được.
Tuy nhiên đây không hẳn là một điều tồi tệ. Thứ mà những mạng xã hội thực sự trao cho chúng ta đó là cơ hội để chọn ra nhóm 150 người của riêng bạn. Thay vì “chết cứng” trong “bộ lạc” mà chúng ta sinh ra và lớn lên, thì chúng ta có thể tạo ra một “bộ lạc” riêng và hoàn toàn phù hợp với mục đích sống của mình: Từ những thành viên gia đình, những người bạn cũ, những đồng nghiệp tốt và cả những người thầy của chúng ta. Giả sử một mạng xã hội giới hạn số bạn bè tối đa là 150 tồn tại, thì tấm bản đồ ánh sáng trên kia có thể có ý nghĩa hơn rất nhiều.