Facebook và Google bị từ chối: Khi người trẻ là “mỏ vàng” của mạng xã hội

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 16/11/2013 05:00 PM

Snapchat đã gây cho cả thế giới công nghệ một bất ngờ lớn khi từ chối lời đề nghị trị giá 3 tỷ USD từ Facebook. Nhưng mọi người còn bất ngờ hơn khi biết Google sẵn lòng bỏ ra 4 tỷ USD để mua lại ứng dụng chat này.

Nhiều người cho rằng việc chat và sau đó nội dung sẽ biến mất trong vòng 10 giây của Snapchat là sẽ không kiếm được nhiều người dùng. Khi mới ra đời ứng dụng này bị chê là “điên rồ”. Nhưng có ai dám nghĩ những cái đầu lọc lõi ở Google và Facebook, hai công ty công nghệ hàng đầu, lại có thể điên?


Facebook và Google bị từ chối: Khi người trẻ là “mỏ vàng” của mạng xã hội 1
  

Ứng dụng chat kiểu “bốc hơi” như Snapchat thì có gì hay mà hai ông lớn phải quan tâm và chèo kéo? Bạn có biết rằng Snapchat chỉ mới có 8 triệu người dùng hoạt động hàng tháng (số liệu tháng 6/2013) và tới hơn 80% số người đó đang sống tại Mỹ và hiện chưa có doanh thu. Để so sánh, Instagram được mua lại với giá 1 tỷ USD khi có 30 triệu người dùng hoạt động trên toàn thế giới.


Điểm “ăn tiền” của Snapchat ở chỗ ứng dụng này đang là ngôi sao sáng nhất với giới trẻ Mỹ. Trong khi Facebook đang mất dần người dùng trẻ còn nỗ lực mạng xã hội của Google vẫn còn đang rất khó khăn.


Facebook đã mất 18 tỷ USD giá trị, khi giám đốc tài chính David Esbersman cho biết mạng xã hội lớn nhất thế giới đang chứng kiến sự sụt giảm người dùng trẻ. Facebook giờ đây không còn là ngôi sao nữa. Vị thế thống trị đem tới cho Facebook rất nhiều thứ, nhưng lại lấy đi một thứ quan trọng của hãng – sự tỏa sáng. Với những người trẻ ưa thích sự đổi mới, việc dùng một ứng dụng quá phổ biến khiến họ trở nên bình thường. Và trong những cái đầu trẻ, việc dùng Snapchat để “nháy” cho nhau những bức ảnh, hình vẽ “điên”, “nổi loạn” sẽ có giá trị hơn nhiều việc up lên Facebook. Nỗ lực sao chép Snapchat bằng ứng dụng Poke của Facebook đã không thành công. Đồng nghĩa với việc hãng buộc phải mua lại Snapchat.


Có lẽ những người trẻ còn mới biết đến Facebook và đang vật vã câu like để nổi tiếng trên Facebook ở Việt Nam sẽ rất khó hiểu được tại sao Snapchat lại được đón nhận như vậy: “Thật là dở hơi khi cố gắng tạo dáng mãi để chụp ảnh mà lại không up lên Facebook để câu like và đón nhận những lời khen tặng xuýt xoa”. Nhưng cho đến khi mà thảm họa từ mạng xã hội lan tới đời thực, họ mới biết quý trọng sự riêng tư của Snapchat. Ở những nước mới làm quen với Facebook, việc tải lên những hình ảnh quái quái, nổi loạn hay viết status gây khó chịu cho người khác chưa bị xử lý đúng mức. Trong khi ở Mỹ và châu Âu, rất nhiều người đã mất việc vì hớ hênh trên mạng xã hội. Mới đây nhất, một huấn luyện viên bóng rổ đã bị sa thải chỉ vì tải lên Facebook ảnh đang bị người đồng nghiệp “sờ ngực”.


Facebook và Google bị từ chối: Khi người trẻ là “mỏ vàng” của mạng xã hội 2
Nữ huấn luyện viên bóng rổ Laraine Cook đã bị sa thải chỉ vì đăng bức ảnh này lên Facebook.

Facebook quá nổi tiếng, đồng nghĩa với việc Facebook rất nguy hiểm. Và giới trẻ đã tìm thấy một điểm đến an toàn trên Snapchat.


Hãy nhớ lại khi bạn còn trẻ, bạn nói tiếng lóng để các bậc phụ huynh không biết những gì mà bạn chia sẻ với lũ bạn, bạn viết nhật ký bằng mã hóa riêng để không ai đọc trộm được, bạn trốn vào những góc bí mật để tập tành thuốc lá… Giới trẻ luôn có xu hướng trốn khỏi con mắt của bậc phụ huynh. Khi mà các ông bố bà mẹ bắt đầu lên Facebook rầm rộ, lũ trẻ phải trốn vào một góc với những hình thức hạn chế bố mẹ xem status Facebook. Nhưng chưa đủ. Bạn không thể cảm thấy an toàn để nghịch ngợm khi bố mẹ mình đang ở phòng bên. Vì thế trốn tới một nơi hoàn toàn khác sẽ là lựa chọn số 1 của bạn. Và Snapchat đáp ứng yêu cầu đó.


Facebook và Google bị từ chối: Khi người trẻ là “mỏ vàng” của mạng xã hội 3
Giới trẻ "trốn" tới Snapchat để chia sẻ với nhau những khoảnh khắc "nổi loạn".

Còn với Google, không gì tuyệt hơn là mua được Snapchat. Sở hữu ứng dụng này đồng nghĩa với việc Google có thể sở hữu những người trẻ đang chán bỏ Facebook. Hơn nữa, còn giúp gã khổng lồ tìm kiếm có thêm những người dùng trẻ và năng động, một nguồn “nhiên liệu” cực tốt để thúc đẩy con thuyền mạng xã hội Google+ đang còn khá buồn tẻ.


Thương vụ mua hụt Snapchat của Facebook và Google cho thấy rõ ràng rằng truyền thông xã hội đã thay đổi. Khi mà người trẻ càng ngày càng trở thành trọng tâm của mạng xã hội. Sản phẩm nào càng thu hút được nhiều người trẻ hơn, đồng nghĩa với sản phẩm ấy càng có giá trị cao hơn.


(Theo GenK)

    betterchoice