Giống như bất kỳ công ty kinh doanh nào khác, Facebook được ra đời từ một con người có nhiều hoài bão và ý tưởng. Zuckerberg không phải là thiên tài số một thế giới, Facebook cũng không phải một ý tưởng mang tính cách mạng. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại mọi thứ đã thay đổi nhiều: Facebook trở thành một trong những website có giá nhất trên Internet còn Zuckerberg trở thành nhà tỉ phú trẻ nhất thế giới. Vậy tại sao thành công lại đến với Facebook chứ không phải là Myspace như những gì chúng ta đã thấy?
Thực tế, chẳng có phép màu nào làm được điều đó, bất kỳ ai trong chúng ta hẳn đã ở vào vị trí của Zuckerberg ít nhất một lần. Ai trên hành tinh này đều mang trong mình những khả năng tiềm tàng để đạt được thành công. Tuy nhiên trên thực tế không phải ai cũng biết biến những tiềm năng đó thành thành công.
Một số yếu tố đóng vai trò cốt yếu trong bất kỳ một thành công nào là: khả năng lãnh đạo, kinh nghiệm, thời gian, tiền bạc và khả năng thực thi. Tuy nhiên bên cạnh đó luôn luôn tồn tại những yếu tố làm nên sự khác biệt. Những yếu tố này lại chẳng bao giờ được dạy trong giáo trình của các trường kinh tế. Vậy bạn hãy tham khảo một số bài học dưới đây từ “ngôi trường kinh tế” của riêng Mark Zuckerberg.
Bài học 1: Đam mê những gì mình làm
Nếu bạn có ý tưởng để tạo ra bất kỳ sản phẩm nào khiến hàng trăm, hàng nghìn hay thậm chí hàng triệu người phải sử dụng nó hàng ngày thì bạn nên chắc chắn rằng mình cần làm tất cả điều đó bằng cả niềm đam mê và nhiệt huyết của bản thân.
Ý kiến trên không phải đúng với tất cả. Tuy nhiên, nếu bạn không thực sự mang trong mình đam mê về việc tạo ra một sản phẩm vượt trội thì liệu người dùng có đam mê với sản phẩm bạn tạo ra không? Câu trả lời là không. Đây là một bài học lớn không chỉ với những những doanh nhân trẻ mà còn đúng với cả những doanh nhân đã thành đạt.
Mark Zuckerberg là một trong những ví dụ điển hình nhất trong những năm gần đây về lòng đam mê với sản phẩm mình tạo ra. Không chỉ là người luôn theo sát dự án, Zuckerberg còn sẵn sàng từ chối hàng tỉ đô la để công ty có thể tiếp tục chuỗi phát triển thịnh vượng, dù biết rằng cơ hội sẽ không bao giờ đến lần thứ hai. Đó hẳn là những quyết định vô cùng khó khăn!
Bài học 2: Không ngừng đánh giá
Trong môi trường kinh doanh thường xuất hiện hai tuýp người: một là thích kinh doanh theo kiểu bản năng nhất thời, hai là những người cẩn thận phân tích chi tiết, so sánh giữa cái lợi và cái hại, được và mất để đưa ra quyết định ít gây tổn thất nhất. Mark Zuckerberg thuộc tuýp người thứ hai.
Zuckerberg luôn nhấn mạnh rằng nhân viên của mình chính là những biểu đồ phân tích đáng tin cậy nhất. Mục đích của họ khá đơn giản: cho phép Zuckerberg và các đồng nghiệp của mình đánh giá mức độ quan tâm của những tính năng mới ra mắt, từ đó đưa ra những đánh giá mang tính toàn cầu.
Trong khi nhiều công ty khác chỉ quan tâm đến việc nên quảng cáo như thế nào để thu về nhiều nhất thì Facebook lại có hướng đi khác. Công ty tập trung vào việc tối ưu hóa lợi ích của người dùng. Chính xác hơn, Zuckerberg muốn biết tính năng nào thực sự hiệu quả, tính năng nào không.
Làm bất cứ điều gì trong khả năng của bạn để tìm cách đo lường những thành công cũng như những thất bại. Nhưng đừng để bị thu hút vào những số liệu quá mà quên đi những ngẫu hứng sáng tạo.
Bài học 3: Sẵn sàng thử nghiệm
Ở thời kỳ phôi thai của Facebook, với mong muốn mang lại sự tiện dụng cao nhất cho người dùng, Zuckerberg đã thường xuyên nâng cấp website của mình mà không phải bận tâm nhiều, do lượng người dùng lúc đó chỉ vỏn vẹn có một vài nghìn.
Mọi chuyện đã thay đổi khi Facebook phát triển ở quy mô toàn cầu. Người dùng giờ đây phụ thuộc vào Facebook nhiều hơn bất kỳ website nào khác trên Internet (có lẽ là trừ Google). Ở góc độ này, bất kỳ một thất bại nào cũng là điều không thể chấp nhận.
Zuckerberg dù vậy vẫn theo đuổi phương pháp phát triển một cách có chuyên môn. Đó là lý do tại sao Facebook liên tục cho người dùng trải nghiệm những tính năng mới:
thay đổi bố cục trang web, tính năng chat, cho phép các hãng thứ ba phát triển ứng dụng trên Facebook.
Bài học rút ra là dù có những người
không thích sự thay đổi liên tục, đặc biệt là đối với tính riêng tư cá nhân và bố cục trang web, thì nếu bạn là một người có tầm nhìn hãy quyết tâm để thực hiện mục tiêu của mình đến cùng dù phải nỗ lực rất nhiều, thậm chí đôi lúc bạn phải chấp nhận mạo hiểm.
Bài học 4: Biết chớp thời cơ
Trước thời Facebook, một ứng dụng khác cũng rất nổi tiếng ở trường Harvard có tên CourseMatch cho phép các sinh viên của trường so sánh các khóa học mình chọn ở mỗi học kỳ. Zuckerberg nhận thấy các sinh viên thường rất muốn biết bạn họ đã chọn lớp nào, và anh coi đó chính là cơ hội cho mình.
Facemash cũng là một website của sinh viên trường Harvard cho phép sinh viên ít nhiều nhận thức được được họ đang đứng ở vị trí nào trong các mối quan hệ xã hội. Nó đã trở thành trang web này không thể không dùng với mỗi sinh viên. Và một lần nữa Zuckerberg nhận ra cơ hội từ những gì Facemash mang lại.
Những gì mà Zuckerberg làm được không phải là một điều kì diệu. Tuy nhiên nó đòi hỏi người thành công phải nhìn vấn đề từ một góc độ rất khác.
Cơ hội luôn hiện diện ở quanh ta, đặc biệt là trong môi trường Internet, nơi mà việc kiếm được hàng triệu đô la đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, cũng bởi có quá nhiều cơ hội nên chúng ta đôi khi đã trở nên “lãnh cảm” với những cơ hội rõ mồn một. Vì thế, khả năng phát hiện cơ hội là một kỹ năng vô giá mà không phải ai cũng có.
Bài học 5: Tạo ra những sản phẩm có ích
Facebook không đơn giản là một website thú vị mà người dùng thi thoảng mới ghé qua để xem. Facebook đã trở thành một công cụ cho phép hàng triệu người kết nối với nhau,
chi phối đáng kể thế giới Internet. Mọi người sử dụng Facebook để chia sẻ kinh nghiệm hay bổ sung những kiến thức mới. Quan trọng hơn cả, Facebook đã làm được điều mà những website khác không làm được hoặc làm chưa đến nơi đến chốn.
Facebook đã tạo ra một môi trường ảo để người dùng tương tác với những người bạn ngoài đời. Có lẽ con số 700 triệu người dùng là minh chứng rõ nhất cho mức độ thành công của mạng xã hội này.
Lời khuyên tốt nhất dành cho bạn khi muốn bắt đầu bước chân vào kinh doanh là: "Hãy tạo ra những sản phẩm có ích".
Lời giải thích cho câu hỏi sản phẩm hay dịch vụ nào hữu ích rất đơn giản: đó chính là thứ mà chúng ta cần sử dụng hàng ngày như một nhu cầu cơ bản. Hãy tạo ra những sản phẩm có ích mà con người cần sử dụng hàng ngày, đồng thời biến nó thành một sản phẩm độc đáo. Đó chính là chìa khóa cho cơ hội thành công của bạn.