Facebook là một đống rác?

Minh Anh  | 20/07/2012 0:00 AM

Bạn có nghĩ như vậy không?

Internet phát triển đã tạo ra nhiều bước đột phá cho cuộc sống loài người, còn Facebook ra đời đã tạo ra một trào lưu sống mới cho những người sử dụng Internet. “Mạng xã hội” chỉ đến khi Facebook xuất hiện cách đây gần chục năm mới được định nghĩa tròn trịa nhất, đó là nơi mà con người có thể kết nối với nhau một cách nhanh chóng, chia sẻ mọi thứ có thể trên một môi trường gắn kết bằng những thao tác cực kỳ đơn giản trên bàn phím.

 
Không thể phủ nhận những tiện ích của Facebook đem lại đối với cá nhân người dùng như tìm kiếm bạn bè, chia sẻ cảm xúc, thông tin, những cơ hội tạo ra các quan hệ thực như tình bạn, tình yêu…v.v Tuy nhiên, một xã hội càng đông người thì tính phức tạp của nó càng lớn và càng nảy sinh nhiều vấn đề rắc rối, Facebook cũng không ngoại lệ trong trường hợp này. Rất đông người sử dụng Internet không chọn Facebook làm mạng xã hội “ruột” của mình, bởi với họ Facebook đem lại nhiều rắc rối hơn là có lợi. Vậy những rắc rối khiến người ta nghĩ Facebook là một đống rác đó là những gì?



 
An toàn thông tin cá nhân

 
Sự chia sẻ khá dễ dàng của Facebook chính là mối hại khá lớn cho sự an toàn thông tin cá nhân. Chỉ với một vài cú click chuột, bạn đã có thể dễ dàng kết bạn với rất nhiều người không quen biết. Cũng chỉ với vài cú nhấp chuột như vậy, những điều bạn chia sẻ sẽ được lan ra để không chỉ để cho bạn bè của bạn được biết mà còn cả mạng lưới “bạn của bạn” đều có thể dễ dàng đọc được thông tin của bạn. Thậm chí, kể cả khi bạn chỉ chia sẻ thông tin với một vài người bạn tin tưởng thì việc lọt thông tin này ra ngoài là điều quá dễ dàng bởi sự hớ hênh của những người bạn đó.

 
Hãy nhìn vào một số vụ việc nổi đình nổi đám trên mạng xã hội Facebook thời gian qua để thấy rõ sự lỏng lẻo trong việc bảo mật thông tin cá nhân. Những người nổi tiếng trong giới showbiz Việt cũng không thoát khỏi việc những thông tin cá nhân của mình được cộng đồng đưa ra mổ xẻ, đánh giá, đồn đoán và có khi là quy chụp khiến cho họ phải dở khóc dở cười mà thán lên rằng: “ Đó là thông tin cá nhân được chia sẻ riêng tư trên trang cá nhân!”. Điển hình là câu chuyện của doanh nhân Lương Hoàng Anh – vợ cũ của diễn viên Huy Khánh đã có những lời lẽ không hay với nữ diễn viên Hồng Ánh. Nếu đơn thuần chỉ là chia sẻ những cảm xúc về một người không cụ thể thì câu chuyện đã không rắc rối đến vậy. Tuy nhiên, bản thân là người nổi tiếng, lại “nói xấu” về một người nổi tiếng khác, Lương Hoàng Anh đã chịu không ít búa rìu dư luận cho những phát ngôn thiếu tính toán của mình.

 
 Hình ảnh chụp từ trang Facebook của Lương Hoàng Anh.

 
Không ai đảm bảo cho bạn những gì bạn nói ra trên Facebook sẽ được giữ lại cho chỉ riêng những người bạn chia sẻ cả. Không ai chắc chắn rằng việc bạn nói xấu cấp trên của mình trong lúc nóng giận sẽ được “kín tiếng” và không lọt vào tai sếp cả. Dù được đóng mác “ thông tin cá nhân”, nhưng việc bảo mật “thông tin cá nhân” này trên một trang mạng xã hội như Facebook quả thực là điều không hề dễ dàng.

 
Một vấn đề bảo mật khác nghiêm trọng hơn nữa là bạn có thể đang bị theo dõi bởi một vài tổ chức bí mật nào đó, hoặc thông tin cá nhân trên trang Facebook đã bị rò rỉ thông qua những kết nối chia sẻ với một số trang web ứng dụng khác. Đã khá nhiều lần Facebook đã làm rò rỉ mật khẩu của người dùng thông qua các trang như LinkedIn hay Last.fm một cách nghiêm trọng.

 
Dù đã có những cải thiện trong chính sách bảo mật của mình thông qua việc tăng cường thông tin xác nhận thông qua số điện thoại hoặc nhiều email cùng một lúc nhưng giải quyết được việc này thì Facebook lại dính đến những rắc rối bảo mật khác. Hiện nay, người dùng cũng đang phải hết sức cảnh giác với những thông tin lừa đảo để tung ra các mã độc gửi đến các tài khoản email, điện thoại di động và tin nhắn trên Facebook thông qua việc xác minh bảo mật mới của trang mạng xã hội khổng lồ này.

 
“Rác thông tin” ở khắp nơi

 
Đây có lẽ là rắc rối phổ biến nhất mà gần như người dùng Facebook nào cũng gặp phải. Việc chia sẻ thông tin không có chủ đề nhất quán trên trang News Feed của Facebook khiến cho người sử dụng hàng ngày phải bực bội với những chuyện mình không thích.

 
Hiện nay, mọi chia sẻ của bạn bè đều được Facebook đẩy lên trang News Feed  của người dùng. Một người bạn của bạn ấn nút like một thông tin vu vơ nào đó, một người bạn khác bình luận vào một trang thông tin chia sẻ rộng rãi nhưng mà bạn không thích, những người bạn mới quen bạn vừa kết bạn trên Facebook liên tục gửi những yêu cầu sử dụng các ứng dụng không tiện ích với bạn. Tất cả đều hiện lên trang cá nhân của bạn, mọi hoạt động của bạn và bạn của bạn đều được hiển thị ra, khiến bạn khó chịu và cảm giác Facebook như là một đống hổ lốn thông tin không có chọn lọc, không tiện ích và rất phiền hà.
 

 
Tuy Facebook đã rất cố gắng để đưa ra cho người dùng một bộ lọc thông minh, nhóm những người quan tâm theo một chủ đề hoặc các tính năng ngăn chặn rác như khóa/phản ánh (Block/report) các tài khoản Facebook có hại thì nó vẫn chưa đủ thông minh để biết người dùng cần cái gì, không cần cái gì và giúp họ có một “bộ mặt Facebook” ít rác hơn, đẹp hơn và chỉ chứa những thông tin mà bạn quan tâm.

 
Những vấn đề mang tính xã hội

 
Tội phạm, các quan điểm xã hội, những vấn đề mang tính giáo dục có lẽ là những vấn đề xã hội luôn làm nóng thế giới ảo Facebook. Nhưng đó cũng là những câu chuyện dường như được thả tự do đi rông trên chính thế giới ảo đó.

 
Ở Facebook, người ta nói về những câu chuyện phạm tội một cách dễ dàng, người ta đưa những luận điểm mang tính định hướng xã hội rất dễ dãi, còn trẻ con thì tiếp xúc quá sớm với các vấn đề rất người lớn. Câu chuyện này một phần thuộc về ý thức người sử dụng, tuy nhiên, chính vì ý thức là thứ khó kiểm soát nhất nên người ta đang dần đổ tội cho công nghệ, cho sự dễ dãi trong các dịch vụ của Facebook.




Tại nước Anh, qua một điều tra xã hội, người ta dự tính có đến 1/5 vụ ly dị ở đây có liên quan đến việc tạo dựng các mối quan hệ ngoài vợ chồng trên mạng. Một cá nhân trên mạng xã hội có thể rất hoàn hảo một cách có tính toán, trò chuyện sống động, chia sẻ hình ảnh thân mật sẽ khiến cho các quan hệ tương tác hấp dẫn hơn đã tạo ra nhiều câu chuyện ghen tuông trong đời thực hơn trong cuộc sống vợ chồng.

 
Những chủ nhân của trang mạng khổng lồ này đã không ít lần phải đối mặt với những vụ kiện cáo liên quan đến việc xâm hại sự an toàn của trẻ em. Tuy chính sách của Facebook khá rõ ràng khi chỉ có trẻ em trên 13 tuổi mới được tạo tài khoản cá nhân. Nhưng lại không có ai giám sát việc liệu các bé nhi đồng có khai gian ngày sinh để tham gia vào Facebook mà không có sự giám sát của người lớn. Trong 3 tháng đầu năm 2012 tại Anh, Facebook đã phải nhận hơn 225 đơn kiện của các gia đình về vấn đề con cái của họ bị lạm dụng tình dục, bị đe dọa và hacker tấn công. Trung tâm Bảo vệ và Kiểm soát trẻ em (CEOP) của nước này đã phải làm việc với đại diện của Facebook để đề nghị tìm ra những giải pháp hiệu quả nhất cho vấn đề này.




 
Với những rắc rối từ bé đến lớn như vậy, nhiều người sử dụng cho rằng Facebook là “rác” cũng không hẳn là không đúng. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhìn thấy những vấn đề đó không chỉ riêng những người sử dụng Facebook gặp phải mà hầu hết ở tất cả các mạng xã hội đều có thể xảy ra, có chăng tầm quy mô không lớn đến như vậy. Mạng xã hội ảo hay một xã hội thực tựu chung lại đều là “xã hội”, là nơi mà mọi vấn đề của cuộc sống đều có thể vấp phải. Và để có thể tránh được “rác” từ xã hội mà chúng ta tham gia thì điều quan trọng không chỉ là việc cố đi tìm một chính sách bảo vệ từ những người cung cấp dịch vụ mà còn cần cả ý thức sử dụng dịch vụ trong mỗi cá nhân, ý thức xây dựng xã hội tốt hơn của cá nhân đối với xã hội đó.

 
Facebook vẫn là một trang mạng xã hội có nhiều lợi ích, điều đó đã được khẳng định qua sự thành công của nó với gần 1 tỷ thành viên tham gia. Và làm sao để biến Facebook trở thành một “xã hội” có ích với chính bản thân mình mà không phải là “rác rưởi” là tùy thuộc vào ý thức sử dụng của chính người sử dụng.