Facebook IPO: Mark Zuckerberg thách thức cả thế giới

PV  | 05/02/2012 0:00 AM

Mark Zuckerberg đang muốn thực hiện một kế hoạch cao cả, thậm chí là xa vời: thay đổi thế giớ hiện tại, biến thế giới trở nên cởi mở và kết nối hơn thay vì chịu sự chi phối của đồng tiền. Bằng việc đưa Facebook trở thành công ty đại chúng và lựa chọn tiêu chí, nhiệm vụ hoạt động riêng, Zuckerberg đang hiện thực hóa điều này rõ ràng hơn bao giờ hết.

Sau nhiều thông tin đồn thổi, cuối cùng Mark Zuckerberg cũng quyết định đưa Facebook đến với công chúng cùng với mục đích thương mại. Facebook đã chính thức phát hành chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng ( IPO ), điều này đồng nghĩa với việc bất cứ ai cũng có thể mua cổ phần của mạng xã hội lớn nhất thế giới trong một thị trường chứng khoán mở.

Đối với người dùng Facebook nói riêng và người sử dụng Inernet nói chung, không mấy ai quan tâm đến việc công ty này hay công ty nọ là hãng tư nhân, công ty cổ phần đang làm ăn thuận lợi hay lâm vào tình trạng bết bát.


Chúng ta cũng chẳng mấy ai để tâm đến việc Facebook IPO như thế nào, và thậm chí có không ít người biết đến khái niệm IPO ( Initial Public Offering - lần đầu phát hành cổ phiếu ra công chúng). Điều chúng ta thực sự quan tâm chỉ là con số khổng lồ 100 tỷ USD đập vào mắt và kích thích sự tò mò về số tiền khổng lồ đó mà thôi.

Sau đó, chúng ta lại tiếp tục vào Facebook đăng tải, cập nhật thông tin, trò chuyện với bạn bè, người thân và quên đi về sự việc IPO của một hãng nào đó, mọi chuyện lại trở về bình thường như nó vốn có hàng ngày.

Tuy nhiên, thực tế việc Facebook sắp sửa IPO ảnh hưởng không nhỏ và thậm chí là sâu sắc trực tiếp đến người sử dụng chúng ta bên cạnh giới đầu tư và công nghệ, và đằng sau nó là một mong ước lớn lao nhằm thay đổi cả thế giới.

Quý bạn đọc đã từng nghe tới con số 500 tỷ USD? Một con số khổng lồ thể hiện giá trị vốn hóa trên thị trường của công ty công nghệ Apple, đưa tên tuổi “Táo Khuyết” lên vị trí nhất nhì trong các công ty giá trị nhất thế giới. Với giá trị vốn hóa gần nửa nghìn tỷ USD, Apple chỉ thua kém Exxon Mobil - tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Mỹ, thậm chí mức chênh lệch là không đáng kể.

Chính thức IPO, Facebook cũng sẽ bước vào con đường cạnh tranh “đông đúc” giữa các doanh nghiệp này. Tuy nhiên, liệu Facebook có thể bước theo con đường mà Google đã đi vào năm 2004, khi “gã khổng lồ” trở thành công ty Internet thực hiện quá trình IPO lớn nhất tại Mỹ ở thời điểm đó.

Không giống như các doanh nghiệp lớn như Exxon Mobil hay Apple, vốn kinh doanh các sản phẩm hay dịch vụ hữu hình như dầu mỏ hay thiết bị điện tử, Facebook cùng với Google mang đến các sản phẩm phục vụ cho thế giới Internet. Điều này đã khiến chúng ta băn khoăn về tương lai xoay quanh mạng xã hội lớn nhất thế giới: người sử dụng, đối thủ cạnh tranh, doanh thu…

Thực tế xuất hiện không khó đoán trước, “cơn bão” trên Internet mà Facebook tạo ra sẽ ngày càng lớn mạnh hơn, đặc biệt đối với những người đã gắn bó cùng Mark Zuckerberg khi vị CEO trẻ tuổi này xây dựng nên Facebook từ ký túc xá đại học, hay rõ ràng hơn đối với những ai đã xem bộ phim “The Social Network” - Mạng xã hội.


Mạng xã hội - một hình thức mới của phương tiện truyền thông sẽ không chỉ thay đổi thế giới Internet, thay đổi mối quan hệ giữa con người, tạo ra phương thức marketing mới, thách thức “gã khồng lồ” Internet Google mà thậm chí còn “giải cứu” và thay đổi bản chất nền kinh tế.

Sự phổ biến và sở hữu gần 1 tỷ người sử dụng của mạng xã hội này sẽ góp phần đưa Facebook xâm nhập vào thị trường tài chính, tạo ra các cơ hội mới cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các cá nhân hay tập thể.

Cho đến thời điểm này, Facebook mới chỉ chính thức IPO trong thời gian ngắn, thị trường tài chính vẫn chưa ghi nhận một sự thống trị hay một sự đột phá nào đấy mà mạng xã hội này tạo ra. Từ trước đến nay, Facebook vẫn luôn hiện hữu trong vai trò hỗ trợ và phục vụ thị trường.

Apple từng thách thức Microsoft cho ngôi vị ông Vua phần mềm, giờ đây Facebook đang cạnh tranh với Google để giành lấy “ngai vàng” của thế giới Internet. Thế nhưng đứng đằng sau những hoạt động cạnh tranh mang tính công nghệ mà người sử dụng cảm thấy ngưỡng mộ khi nhìn vào này lại là một hệ thống nắm giữ quyền lực mạnh nhất: doanh nghiệp tư bản.

Nếu một doanh nghiệp phát triển đủ lớn mạnh trên thị trường đồng nghĩa với việc doanh nghiệp này phải sở hữu một lượng tiền không nhỏ nhất định, lúc đó, sớm hay muộn thì yếu tố “tiền” này cũng sẽ tác động đến các hoạt động còn lại của doanh nghiệp này.


Đối với trường hợp của Facebook, hãng sẽ phải đối mặt với hơn 500 nhà đầu tư tìm cách soi mói, tọc mạch vào những vấn đề nhỏ nhất của hãng để phục vụ cho mục đích duy nhất của họ: sinh lời cho số tiền đầu tư vào Facebook mà họ bỏ ra.

Mạng xã hội này cũng phải đối phó với việc có rất nhiều người đang thèm muốn được làm việc cho Facebook chứ không phải Apple, Google hay một công ty nào khác bởi họ mong muốn đạt được thành quả và giá trị lớn đang mở ra trước mắt. Chẳng hạn như một lời hứa cho phép lựa chọn cổ phiếu có giá trị hàng triệu USD sẽ giúp một coder hoàn thành cấp tốc công việc chỉ sau một đêm.

Điều này cũng xảy ra tương tự với những nhà đầu tư đã đặt niềm tin vào Facebook và Mark Zuckerberg trong khoảng thời gian 5 năm hoặc lâu hơn nữa trước đây.

Việc trở thành một công ty có giá trị hàng tỷ USD có thể dễ dàng thay đổi bản chất, mục tiêu và phương thức hoạt động của doanh nghiệp đó. Huyết mạch luân chuyển trong toàn bộ hệ thống sẽ không còn là phương châm hoạt động của doanh nghiệp nữa, thay vào đó là tiền, và nhiều tiền.

Càng sở hữu nhiều tiền, doanh nghiệp đó càng bị cuốn theo dòng xoáy do tính chất và nguyên tắc của đồng tiền tạo ra. Một ví dụ điển hình cho điều này là “gã khổng lồ” Google. Kể từ khi IPO, Google đã phải thể hiện và chứng minh sự tận tâm của mình đối với các cổ đông và nhà đầu tư vào hãng bằng cách hủy các dự án ưa thích, tập trung vào các dự án lớn hơn và đưa ra các chỉ số tăng trưởng về doanh thu…


Hơn ai hết, Mark Zuckerberg hiểu rất rõ điều này và CEO của mạng xã hội lớn nhất thế giới đã nhiều lần muốn trì hoãn thời điểm IPO của Facebook lâu hơn. Trở thành CEO của một công ty đại chúng thuộc quyền sở hữu của nhiều cổ đông và nhà đầu tư cùng lúc đồng nghĩa với việc sẽ mất đi những giá trị đong đếm bằng niềm vui, những điều khởi đầu của một thế giới Internet hay định nghĩa về từ “miễn phí” sẽ dần bị khỏa lấp.

Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng và ủng hộ vị CEO trẻ tuổi tài ba này, sau khi đọc bức thư Mark Zuckerberg gửi đến các nhà đầu tư trong quá trình IPO của Facebook. Zuckerberg muốn thay đổi thế giới, một thế giới cởi mở và kết nối hơn thay vì chịu sự chi phối của đồng tiền. Bằng việc đưa Facebook cùng với tầm ảnh hưởng của mạng xã hội lớn nhất thế giới trở thành công ty đại chúng và lựa chọn tiêu chí, nhiệm vụ hoạt động riêng, Mark Zuckerberg đang hiện thực hóa điều này rõ ràng hơn bao giờ hết.

Tham khảo: CNN