Mỗi ngày qua, bạn nghe/ đọc báo đài nói về sự thâm nhập của Facebook và ảnh hưởng to lớn của nó đối với cuộc sống của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Nhiều người đặt câu hỏi, Facebook đã thâm nhập sau đến thế nào vào cuộc sống của chúng ta? Tôi, với những trải nghiệm và cảm nhận riêng của mình trong bài viết này, không muốn chỉ đề cập tới các con số, mà là những gì thực tế đang diễn ra quanh tôi và những người bạn của tôi. Có thể, với bạn, những trải nghiệm này không đúng. Nếu vậy, hãy cùng chia sẻ những sự khác biệt trong phần comment phía cuối bài viết
Facebook không còn được đề cập "là một mạng xã hội"
Nếu chú ý xem các chương trình thời sự cả trong nước lẫn nước ngoài hoặc đọc báo. Với những thông tin có liên quan đến Facebook, hầu như không có một đài/ báo nào giải thích: đây là một mạng xã hội nữa. Rõ ràng, cái tên Facebook đã trở nên quá quen thuộc và phổ biến. Thậm chí, một số kênh truyền hình còn "quên" rằng Facebook là một công ty/ dịch vụ đến mức mà chính phủ Đức còn phải quy định "cấm" nhắc đến Facebook trong các chương trình không phải quảng cáo vì cho rằng đây là một hình thức quảng cáo ẩn.
"Nó có người yêu mới đấy. Ai? Vào Facebook mà xem"
Một đoạn đối thoại mà tôi cá là nhiều người trong chúng ta đã từng nghe hoặc thậm chí là nhân vật trong đoạn đối thoại đó. Việc cập nhật những mối quan hệ yêu đương đã từ nhiệm vụ của những "hội buôn" chuyển qua cho Facebook. Việc cập nhật/ xem mặt/ tìm hiểu thông tin không còn quá khó khăn như trước. Relationship status thực sự là một phát minh vĩ đại của Facebook.
Nói chung, nếu như trước đây, ai ngại đối mặt với câu hỏi kiểu: dạo này yêu ai rồi hay vẫn độc thân? Bây giờ, số lượng câu hỏi này sẽ ít dần đi bởi những người bạn quan tâm thật sự có thể tìm trên Facebook, còn nếu vẫn hỏi, câu trả lời thường có là "lên Facebook mà xem".
"Ảnh đi chơi đâu? Lên Facebook mà xem, tao vừa up xong"
Thế hệ của chúng tôi, 9x, thời còn bé, việc chia sẻ những tấm ảnh sinh nhật, đi thăm quan, đi chơi thật sự là một cơn ác mộng. Chưa nhắc đến chi phí khổng lồ dành cho máy ảnh, phim (vốn là những chi phí quá sức với một gia đình không quá dư dả) công sức và tiền bạc bạn cần bỏ ra khi muốn chia sẻ những khoảnh khắc của mình là không nhỏ. Bạn cần đem phim đi rửa, chờ đợi, lấy ảnh, cho vào album rồi mất công vác đến cho từng người bạn xem một. Khi cần xem lại ảnh của bạn bè, hoặc bạn bắt nó mang đến lớp, hoặc mò đến nhà nó xem. Rất vất vả.
Rồi vài năm sau, một số dịch vụ chia sẻ ảnh ra đời, công việc của một người muốn chia sẻ ảnh trở nên đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, nó vẫn rất loằng ngoằng, phức tạp, quá nhiều dịch vụ. Bạn phải tự lưu link, tìm link rồi đăng ký dịch vụ (nếu người chia sẻ ở dịch vụ khác...) để xem được ảnh. Nhu cầu xem lại khi đó khá rắc rối.
Và bây giờ, mỗi khi có ảnh mới, việc duy nhất tôi cần làm là up lên Facebook. Khi cần xem lại ảnh của bạn bè hay bản thân, tôi cũng chỉ cần lên Facebook.
Còn hơn cả homepage
Hãy thử chọn ngẫu nhiên 10 người bạn (trẻ tuổi) bất kỳ của bạn, hỏi anh/ cô ta về 5 trang web anh/cô ấy truy cập thường xuyên. Gần như chắc chắn, cái tên Facebook sẽ xuất hiện. Khi tôi thực hiện thử nghiệm này với 10 người bạn của tôi, cả 10 người đều có đáp án Facebook, 9 người trong số họ truy cập hàng ngày và 7 người, Facebook ở trong 2 vị trí đầu.
Cá nhân tôi, trang đầu tiên tôi truy cập mỗi khi bật máy lên là Facebook, sau đó mới đến mail công việc. Không phải vì tôi ham chơi mà chỉ vì thói quen. Thật ra, việc check news feed của bạn bè rất có ích với công việc của tôi, nhất là trong việc tìm nguồn tin.
Tôi cập nhật thông tin của bạn bè, hầu hết, từ Facebook
Trước kia, để update tình hình của một, hay vài người bạn, cách duy nhất là hỏi thăm từng người một. Còn bây giờ, cách tôi cập nhật tình hình bạn bè là xem status Facebook của họ. Tất nhiên, đôi khi không chính xác nhưng cách này, thuận tiện, nhanh chóng hơn rất nhiều.
Thật ra, chỉ cần một chút khéo léo, thông qua những thông tin mà người khác chia sẻ trên Facebook của họ, bạn hoàn toàn có thể có những cái nhìn tổng quan, tương đối chính xác về con người và tính cách của họ.
"Like rồi đấy", "Thích thì Like đi", "Sao mày không like"
Nút like, có thể nói là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng trong thành công chung của Facebook hiện nay. Nút like, không chỉ thể hiện bạn thích bài viết/ tấm ảnh/ status đó mà nó còn đem lại những hiệu quả chia sẻ hết sức lớn cho các trang web. Hiện nay, rất rất nhiều các trang web (GenK là một trong số đó) đã tích hợp nút like vào bài viết nhằm tạo cho các bạn một công cụ đánh giá/ chia sẻ nhanh nhất có thể.
Với tôi, "Like", giống như Facebook đã không còn là một nút chức năng thông thường. Thi thoảng, ở trường, ở công ty hay ở rạp chiếu phim, tôi lại nghe những câu kiểu "Like rồi đấy", "thích thì ấn like đi"... Rõ ràng, nút like, đã trở thành thứ gì đó quá quen thuộc, ăn sâu vào đời sống của giới trẻ
800 triệu
Con số duy nhất tôi đề cập đến trong bài viết này. 800 triệu người sử dụng Facebook, tương đương khoảng hơn 1/3 lượng người sử dụng Internet trên toàn thế giới. Điều này có nghĩa là gần như toàn bộ giới trẻ (< 30 tuổi) đều đã và đang sử dụng Facebook - một độ phủ kinh hoàng. Hãy thử làm một cuộc khảo sát nhỏ xung quanh bạn, bao nhiêu người đang dùng Facebook, bao nhiêu người đăng nhập Facebook hàng ngày để từ đó, cảm nhận được rõ ràng mức độ lan tỏa của mạng xã hội này.
Nhân đây, tôi lại nhớ lại lời nhận xét của tạp chí Times khi bình chọn Mark Zuckerberg là nhân vật của năm 2010: "Họ cùng độ tuổi khi đứng đầu 1 đế chế 500 triệu người nhưng nữ hoàng thừa hưởng đế chế đó, còn anh ta, xây dựng ra nó". Hiện tại, "dân số" của Facebook đã hơn gấp rưỡi dân số của đế chế Anh thời đó, đế chế chiếm 1/4 diện tích toàn thế giới.