Internet là một môi trường làm việc cũng như giải trí tuyệt vời nhất. Tuy nhiên cũng như một xã hội thực thụ, Internet cũng có những mặt tốt và mặt xấu đan xen. Chắc hẳn không ít người đã từng gặp phải những thứ phiền toái khi lướt web như trang web quá rối mắt, hay phải chờ “dài cổ” khi muốn tải một ca khúc từ một dịch vụ tải dữ liệu. Sau đây là 10 vấn đề thường gặp nhất khi lướt web, cùng với cách giải quyết những vấn đề nan giải này.
10. Quá nhiều quảng cáo
Quảng cáo là một khía cạnh
gây khó chịu bậc nhất trên Internet. Tất nhiên lý do gây khó chịu không phải do chúng là những mẩu quảng cáo, mà là do tần suất xuất hiện quá dày đặc, đến mức “quá tải”. Thật may mắn, việc ngăn chặn những mẩu quảng cáo này lại khá dễ dàng. Trên bất cứ nền tảng trình duyệt nào bạn cũng có thể tìm thấy một phiên bản add-on
Ad Blocker.
9. Những đoạn flash gây chậm máy
Cũng như quảng cáo, nếu như sử dụng một cách có chừng mực, thì những đoạn flash sẽ chẳng thể nào gây khó chịu cho người sử dụng internet. Tuy nhiên hiện nay, có quá nhiều người than phiền về việc hiệu ứng flash gây chậm, hay thậm chí làm treo trình duyệt.
Giải pháp cho vấn đề trên, bạn có thể chọn một số add-on Flash Block trên nhiều nền trình duyệt như Firefox, Opera, Chrome hay Safari. Còn nếu bạn là người dùng Mac OS X, việc cài đặt FlashFrozen cũng sẽ đem lại hiệu quả tương tự, khi những đoạn flash chỉ hoạt động khi bạn click vào chúng.
8. Những mẫu điền và đăng nhập gây khó chịu
Phần lớn các trình duyệt hiện nay đều lưu tên tài khoản và mật khẩu của bạn trên mỗi trang web để tiện lợi hơn trong quá trình đăng nhập. Tuy nhiên tính năng này chỉ hữu ích khi bạn chỉ dùng một trình duyệt web duy nhất. Tình trạng khó chịu khi đăng nhập vào một trang web thường xảy ra khi bạn đăng nhập bằng một thiết bị di động, hay khi bạn quyết định thay đổi trình duyệt web ưa thích của mình.
Vì vậy, một dịch vụ đồng bộ hóa các tài khoản internet, và chuyển chúng sang các thiết bị di động khác như điện thoại di động hay tablet là khá hữu dụng. Và một trong số các dịch vụ kể trên là LastPass.
7. Việc đăng ký tài khoản mới
Đôi khi bạn muốn thử dùng một dịch vụ mạng mới, ví dụ như tham gia một diễn đàn online, để rồi phát hiện ra bạn cần phải đăng ký một tài khoản mới nếu muốn tham gia. Thật may, trên Internet cũng không thiếu những cơ sở dữ liệu tài khoản và mật khẩu phục vụ cho việc đăng nhập vào những website kể trên. Bạn có thể dạo một vòng quanh
trang web của Bug Me Not để tìm ra những dữ liệu cần thiết.
6. Những trang web thiết kế tệ và “rối rắm”
Tất nhiên không phải trang web nào cũng sở hữu một giao diện đơn giản và thân thiện. Nếu bạn đang vướng phải một trang web quá rối rắm về mặt hình thức, hãy thử thay đổi giao diện của chúng bằng Userstyles. Chỉ bằng cách thay đổi mã CSS để làm cho trang web trông khác đi, bạn có thể lựa chọn thay đổi giao diện của những trang web như YouTube, Facebook, hay thậm chí là Gmail.
Và nếu như cảm thấy một trang web có giao diện chưa được ưng ý, cùng vốn kiến thức lập trình chắc tay, hãy tự thay đổi giao diện của trang web đó, sau đó tải lên và chia sẻ với cộng đồng sử dụng Userstyles đông đảo.
5. Mạng xã hội
Tất nhiên,
mạng xã hội không hề xấu. nhưng có vẻ như mọi người đang quá đề cao vai trò của những công cụ này. Với lợi thế là nguồn ứng dụng mạng vô tận, chúng lại vô tình gây khó dễ cho người sử dụng, khi phải ôm đồm và quản lý một lúc quá nhiều thứ. Lấy một ví dụ nho nhỏ về một anh bạn vừa chơi FarmVille trên Facebook, lại vừa đọc tweet trên Twitter. Rất may, thực tế không thiếu những dịch vụ giúp người dùng mạng xã hội có thể quản lý tất cả những thứ họ đang theo đuổi, ví dụ như
FellowUp, hay
Nutshell Mail.
4. Những kết quả tìm kiếm “vô dụng”
Có rất nhiều trang web đưa ra những kết quả tìm kiếm “chẳng liên quan” tới những thứ bạn đang cần. Thậm chí nhiều người trong số chúng ta cũng cảm thấy Google đang dần mất đi sự hiệu quả vốn có! Một chút thủ thuật sẽ giúp bạn có những kết quả tìm kiếm như ý. Hoặc nếu vẫn chưa hài lòng, hãy thử sử dụng một công cụ tìm kiếm khác.
3. Những bài review giả tạo
Khi tìm kiếm một món hàng trên mạng, nhiều người sẽ đi tìm những bài nhận xét về món hàng ấy từ những người đã mua và sử dụng chúng, để biết liệu họ có nên theo đuổi nó nữa hay không. Tuy nhiên không loại trừ trường hợp những bài nhận xét đó là của chính chủ cửa hàng ngụy tạo lên nhằm “hút khách”.
Cách phát hiện ra chúng rất đơn giản: Thông thường những bài review giả sẽ chỉ tập trung đến những chức năng một sản phẩm sở hữu, chứ truyệt nhiên không nói gì tới ưu nhược điểm của chúng. Việc phát hiện này có lẽ sẽ chẳng cần đến những add-on mạng phức tạp (và thực sự cũng không thể có), mà hãy dùng chính kinh nghiệm của chúng ta khi đọc những bài nhận xét.
2. Chờ đợi để tải file
Nếu bạn là một thành viên trung thành với những dịch vụ lưu trữ trực tuyến như MegaUpload hay RapidShare, hẳn bạn sẽ biết như thế nào là “dài cổ” khi muốn tải một file dữ liệu từ server của họ về máy tính của mình (nếu như bạn không sở hữu một tài khoản cao cấp).
Việc này không chỉ ảnh hưởng đến thời gian chờ, mà thông thường, tốc độ tải file của các tài khoản miễn phí cũng thường khá thấp. Nếu như bạn không thể can thiệp vào tốc độ tải, thì hãy cố loại bỏ khoảng thời gian chờ đợi trước khi download bằng những công cụ trên Firefox như SkipScreen. Một giải pháp khác đó là sử dụng những chương trình như RapidShare Download Helper.
1. Troll
Cư dân mạng luôn gọi vui
những kẻ thích phá đám và làm người khác chán nản là “Troll”. Mạng Internet có thể là một nơi tuyệt vời để bàn luận về một vấn đề, nhưng một khi “troll” hiện hữu, hắn sẽ “quậy tưng” và làm chính bạn phải phát điên vì những phát ngôn không văn hóa. Thực sự, đối phó với vấn đề này không đơn giản nhưng bạn hãy thử cài thêm add-on như
Buzz Troll Remover hay
TrollEyBuzz.