Từng tiêu tốn biết bao thời gian của cư dân mạng để trang trí, bày tỏ, viết entry, tưởng đâu blog sẽ luôn có một vị thế nhất định trong cộng đồng cư dân mạng. Thế nhưng, “bình minh” của những mạng xã hội mà đình đám nhất là Facebook và những miniblog như Twitter đã dần khiến cho blog trở nên “lép vế”.
Theo những công bố từ nghiên cứu thực tế của Pew Internet Research vào cuối năm ngoái, blog đang dần có dấu hiệu “suy thoái” khi nó không còn nằm trong top những hoạt động thường nhật của các cư dân “thế giới ảo” của độ tuổi từ 18 đến 33. Thực tế, những người trong độ tuổi này khi được hỏi, họ cho biết bản thân đã giảm khoản thời gian dành cho blog đến hơn một nửa so với năm 2006. Thậm chí khi mở rộng khảo sát ra mọi lứa tuổi, blog còn bị xếp xuống gần cuối danh sách.
“Trong khi những hoạt động dành cho blog đang dần dần giảm đi, người dùng internet đang chuyển qua dùng những chức năng dựa trên blog như viết những status về niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống, những trò đùa hay chia sẽ những đường link hay trên những mạng xã hội và những trang micro-blogging như Twitter chẳng hạn” – trích từ báo cáo của Pew.
Như thế không hẳn trào lưu blog đã hoàn toàn chấm dứt, mà chúng ta chỉ đang ở thời điểm chuyển giao giữa blog và mạng xã hội, bằng chứng là vẫn còn đó những trang blog được cộng đồng đánh giá cao như Gawker.com với một đội ngũ những thành viên và thậm chí có quỹ riêng, hay những blogger đình đám của thế giới như Heather Armstrong and Nicholas Carr khi trang blog của họ vẫn có rất nhiều view mỗi ngày.
Tất nhiên đây là những trường hợp đặc biệt vì những blog này đa phần nói về những vấn đề được nhiều người chú ý như công nghệ, nhiếp ảnh… nhưng cũng có rất nhiều trường hợp những trang web như Lifehacker có nguồn gốc là một trang blog nhưng dần trở thành những cổng thông tin. Thuật ngữ “bắt nguồn từ blog” được ra đời cho thấy blog đã phần nào mất đi vị thế của mình.
Hơn thế nữa, cho dù những số liệu điều tra cho thấy một sự thật là số lượng blog cá nhân có tăng lên qua mỗi năm, nhưng sự thật là rất nhiều người tạo ra blog với ý định update thông tin của mình mỗi ngày và rồi mau chóng… quên đi ý định đó. Rất nhiều blog chỉ còn là những “cái xác không hồn” đơn giản là vì chúng không hề có bất kỳ update nào trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
Vậy thì nguyên do nào khiến cho blog có những bước lùi rõ rệt đến như vậy? Chúng ta có thể thấy rõ hai nguyên nhân chủ yếu dẫn đến điều đó:
1. Đòi hỏi một sự chăm chỉ: theo lời của tiến sĩ Jim Anderson, cố vấn của Blue Elephant Consulting, một công ty chuyên tư vấn về vấn đề truyền thông thì “Tạo ra một trang blog thì dễ, nhưng duy trì được một trang blog lại là điều khó”. Ông còn cho rằng: “Tôi tin chắc rằng lý do khiến blog cá nhân bị “chết yểu” đơn giản là do thời lượng dành cho blog (đăng nhập, viết bài, chỉnh sửa giao diện…) là quá ít”.
Sự thật là những người trước đây dùng blog đã dần chuyển qua những công cụ khác, chẳng hạn như Twitter hoặc Facebook. John Hlinko, chủ trang LeftAction.com trước đây đã từng có rất nhiều blog, nhưng nay đã gom tất cả vào một fan page trên Facbook với hơn 450.000 fan. Nó giống như việc một cây lớn bị đốn ngã trong rừng, tiếng động từ đó gây ra thì rất lớn, nhưng nếu không ai nghe thấy thì liệu có còn lớn không?
Điều tương tự cũng xảy ra với blog, nếu bạn post một thứ gì đó lên nhưng chẳng ai đọc hay comment thì cho dù điều đó có hay đến thế nào đi nữa cũng chẳng ai quan tâm. Và một không đã chẳng ai quan tâm thì… post làm gì?
2. Không theo kịp thời đại: Có ý kiến cũng cho rằng, việc blog bị lu mờ như hiện nay là hậu quả do blog đã không có những thay đổi để thích ứng với những biến chuyển của thời đại. Ví dụ đơn giản là hiện nay là liệu có mấy blog có thể dễ dàng tích hợp với Twitter và Facebook (tất nhiên với những trang như Blogger.com thuộc sở hữu của Google thì lại càng khó).
Cuối cùng, lý do khiến blog dần biến mất là bởi càng ngày càng không thể định nghĩa thế nào là một blog thật sự. Bạn có thể có một fan page trên Facebook, post những
bài dài trên Tumblr.com… nhưng liệu chúng có phải là blog. Về bản chất, đó vẫn là những sự mở rộng từ blog, nhưng xem ra thuật ngữ blog sẽ càng ngày càng ít được dùng…