- Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 10/06/2014 02:14 PM
Nhà của cụ Quý nằm trong một con hẻm khá lớn trên đường Đinh Tiên Hoàng. Ngôi nhà không có địa chỉ của cụ lọt thỏm xung quanh những căn nhà tiện nghi, cao cấp. Cứ đến đầu hẻm, hỏi nhà cụ Quý nuôi mèo thì ai cũng biết. "Cụ ấy sống một mình mấy chục năm nay, không còn người thân thích nào nữa nhưng cứ lâu lâu lại thấy cụ đem vài chú chó mèo bị người ta vứt ngoài đường về nuôi. Ở đây ai cũng thương bà, có gạo, có tiền thì cũng cho cụ một ít. Nhìn cụ loay hoay với lũ chó mèo cả ngày, thương lắm!", một người dân cho biết.
Bà Quý sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, cụ lập gia đình từ năm 17 tuổi rồi cũng theo chồng vào TP.HCM sinh sống trong năm đó. Năm 18 tuổi, cụ sinh một người con gái. Cứ tưởng hạnh phúc gia đình thế là đủ đầy nhưng không lâu sau, hai vợ chồng ly hôn. Cuộc sống cơ cực của cụ bắt đầu từ đó. Cụ ở nhờ nhà ông cậu và phải đi bán rau, nước mắm kiếm cơm qua ngày.
Khi con gái lớn thì chị cũng theo chồng định cư luôn ở Mỹ. Bà con thân thích ở xa nên hiếm lắm mới ghé ngang thăm cụ một lần. 60 năm qua, cụ cứ sống lầm lũi một mình, may còn có những chú chó, mèo quấn quýt bên mình nên cụ mới còn còn động lực sống.
Mỗi khi có người đến thăm, cụ vui lắm, nhưng cụ chỉ dám tiếp chuyện với mọi người ở sân trước nhà vì: "Cụ ra chợ Đa Kao bán cháo từ 5 giờ sáng đến 2 giờ chiều mới về đến nhà. Lúc về đến thì nhà cửa lộn xộn, mùi hôi nồng nặc nên cụ không dám tiếp khách trong nhà, sợ người ta vào thấy rồi... bỏ đi luôn. Mỗi ngày đi chợ về là cụ bắt tay vào dọn dẹp, tắm rửa cho chó, mèo và nấu thức ăn cho chúng. Loay hoay đến gần 12 giờ đêm mới xong việc."
Sau một hồi thuyết phục, cuối cùng cụ cũng cho chúng tôi vào "tham quan" và chia sẻ: "Thông cảm cho cụ nha, chưa dọn dẹp xong nên nhà cửa... ghê lắm."
Khi hỏi cụ ngủ ở đâu, cụ bảo: "Cứ lót báo nằm giữa nhà thôi, buổi tối tụi nó cũng yên lặng chứ không chạy nhảy rồi sủa ầm ầm như buổi sáng đâu".
Từ hồi trẻ, cụ Quý đã bị ám ảnh bởi những tiếng kêu khóc của những chú chó, mèo bị bỏ rơi nên 60 năm qua cụ đã cưu mang cả trăm con vật hoang bị hắt hủi ngoài đường như thế.
Một ngày cụ nấu cho chúng ăn chừng 1 cân gạo với 30.000 đến 40.000 đồng cá.Cá thì cụ mua, còn gạo, thức ăn khác thì thường được người ta đem đến cho.
Hầu hết mèo cụ mang về đều chưa mở mắt. Nhiều con không ăn uống gì được, cụ phải mua núm vú, pha sữa cho từng đứa. Có lúc, cụ phải hướng dẫn chúng bú nhờ con mèo lớn trong đàn đang mang thai.
Hai chú mèo bị bỏ ở chợ Sài Gòn, một cô gái thấy cảnh hai chú mèo cứ lẽo đẽo đi theo người chủ và bị ruồng rẫy nên đã đem hai chú mèo về để cụ Quý nuôi dưỡng.
"Nhiều người lạ thiệt, lúc mèo con còn nhỏ thì cưng chiều, lúc nó già yếu, bệnh tật thì vứt ra đường. Cụ không từ chối bất kỳ con mèo nào cả", cụ nhìn chú mèo già yếu này rồi nói trong tiếng thở dài.
Sau khi kể về những chú mèo bên dưới, cụ dẫn chúng tôi lên căn gác nhỏ và nói: "Mấy con trên này quậy lắm, nhưng con nào cũng dễ thương."
Cụ hào hứng khoe của hai chú mèo này sắp được đi Mỹ. "Tháng 10 năm ngoái có một cô gái theo gia đình định cư, cô tính mang hai chú mèo này đi theo nhưng lúc ấy không biết sao không thể đem mèo lên máy bay. Cô ấy đã mua chuồng mèo, gửi tiền nhờ cụ nuôi giúp hai con mèo này. Tháng trước, cô ấy quay lại bảo sẽ đem hai chú mèo đi Mỹ trong thời gian sắp tới. Cụ vui lắm, nhưng cũng hơi buồn vì sắp xa tụi nó.", cụ nói.
Cụ Quý cho rằng chó, mèo rất trung thành với người nuôi dưỡng nó nên dù nó có chạy đến đâu cũng sẽ quay về, chỉ trừ trường hợp bị bắt mất.
Bạn đọc quan tâm giúp đỡ nhân vật trong bài có thể trực tiếp tìm đến hẻm 91 đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh, TP.HCM (hỏi nhà bà Quý).
Cụ rất ngại nhận tiền nên bạn đọc có thể mua gạo, cá, thức ăn cho chó, mèo để giúp đỡ cụ.
>> Những chàng trai “nghiện rên rỉ” trên mạng xã hội