Đến chiều ngày 23/3, nhiều người dân sống trong hẻm 84 Trần Văn Quang, phường 10, quận Tân Bình TP.HCM, vẫn chưa hết bàn tán vụ vợ chồng chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (SN 1980, quê huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, ở trọ trong hẻm) mua ve chai “trúng” tiền Nhật. Sáng cùng ngày, Công an phường 10 tiếp tục mời chị Hồng cùng một số người liên quan tới trụ sở để lấy lời khai.
Bỗng dưng nhặt được số tiền lớn
Trong khi đi mua ve chai, chị Hồng có mua một chiếc thùng, dạng đài cassette kiêm loa phát công suất lớn đã cũ, mục nát từ trước Tết Nguyên đán nhưng không nhớ rõ mua ở đâu.
Khoảng15 giờ ngày 21/3, trong lúc rảnh rỗi, chị Hồng mang chiếc thùng này ra ngoài hẻm tháo để lấy kim loại bán phế liệu. Vừa mở ra, chị phát hiện một chiếc hộp gỗ dài khoảng 20cm, rộng khoảng 15cm và sâu khoảng 30cm.
Chị Huỳnh Thị Ánh Hồng cười tươi khi kể việc… trúng số hụt. Ảnh NLĐ
Tiếp tục mở chiếc hộp thì thấy bên trong toàn tiền giấy, gió thổi bay một vài tờ khiến nhiều người chứng kiến xôn xao, mỗi người xin một vài tờ. Do không biết đó là tiền Nhật có trị giá cao nên chị Hồng cũng chia cho mỗi người vài tờ.
Từ lúc mở chiếc hộp gỗ và có một vài người xin được tờ tiền, thông tin lan rộng ra tới khu hẻm, rồi sau là khu phố khiến cùng lúc càng đông người kéo tới. Nhiều thanh niên lạ mặt bắt đầu xuất hiện, đe dọa phải chia số tiền nhặt được, nếu không sẽ không để yên.
Sự việc trở nên phức tạp, nên sau đó nhiều người đã điện báo lên công an. Tối ngày 21/3 Công an P.10 đã cử cán bộ đến nắm tình hình và ổn định trật tự địa phương. Để đảm an toàn cho gia đình chị Hồng, phía cơ quan công an đã mời chị Hồng lên làm việc. Tại đây công an P.10, Q.Tân Bình (TP.HCM) đã tiếp nhận và tạm giữ hơn 520 tờ tiền mệnh giá 10.000 yen Nhật (hơn 5,2 triệu yen Nhật, tương đương hơn 1 tỉ đồng Việt Nam).
Theo LS Trịnh Anh Dũng, Đoàn luật sư TP. Hà Nội, việc chị Hồng nộp tài sản phát hiện cho cơ quan công an vừa đảm bảo an toàn cho mình, vừa đúng với quy định pháp luật.
Mong trả lại số tiền cho chủ cũ
Anh Trịnh Minh Vương (SN 1979, chồng chị Hồng) cho biết hiện vẫn còn trong trạng thái “lâng lâng” vì… trúng số hụt.
“Ngay trong tối 21/3, công an phường cũng lập biên bản việc tạm giữ số tiền nêu trên, do cả 2 vợ chồng tôi không biết chữ nên chỉ lăn tay”, anh Vương, cho biết.
Anh Vương cho biết từ năm 8 tuổi, anh đã phải rời xa quê hương vào TP.HCM, phụ người khác bán hủ tiếu gõ, bán vé số, làm phu hồ rồi chuyển sang nghề mua ve chai. Hơn 15 năm trước, anh gặp chị Hồng rồi hai người lấy nhau đến nay đã có 2 con. Căn nhà trọ, ngoài vợ chồng anh Vương được chủ vựa ve chai cho ở miễn phí, còn có hơn chục người khác cũng hành nghề mua ve chai ở chung.
Hai vợ chồng anh Vương chị Hồng kể lại câu chuyện với PV.
Nói về số tiền rất lớn tình cờ phát hiện, chị Hồng tâm sự: “15 năm trong nghề mua bán ve chai tôi mới gặp trường hợp này. Nếu mọi người không kéo tới thì tôi cũng đem ra công an giao nộp. Cái gì không phải của mình thì nên trả nó về chủ thật sự của nó”.
Căn nhà nơi vợ chồng anh Vương chị Hồng cùng nhiều người đi mua ve chai trú ngụ. Ảnh Dân trí
“Sau khi giao nộp hết số tiền cho công an, tôi thấy người nhẹ nhõm. Tôi chỉ mong đủ sức khỏe để làm ăn nuôi hai con ăn học khôn lớn để sau này bọn nó không khổ như tôi là được rồi”, chị Hồng tâm sự.
Số tiền Yên (Nhật) chị Hồng phát hiện sau khi mở chiếc Radio – Ampli cũ.
Cũng theo anh Vương, do 2 vợ chồng đều làm nghề mua ve chai, suốt ngày phải rong ruổi ngoài đường nên anh cho 2 con (con gái lớn 14 tuổi học lớp 8, con trai nhỏ 8 tuổi học lớp 2) về quê tự chăm sóc lẫn nhau, mỗi tháng vợ chồng anh chắt chiu gửi tiền về.
Tiền bỏ quên hay chứa đựng một bí ẩn
Chuyện nhặt được tiền hoặc vật có giá đối với những người đi thu mua ve chai không phải là chuyện hiếm. Nhưng nhặt được số tiền lớn và trong hoàn cảnh như chị Hồng thì là trường hợp đặc biệt.
Hiện tại cơ quan công an vẫn đang tiến hành xác minh để điều tra, làm rõ. Có nhiều khả năng xảy ra đằng sau số tiền “vô chủ” này. Hoặc là ai đó đã bỏ quên hoặc là có người đã cất giấu tiền trong đó và người bán loa không biết trong loa có tiền nên đem bán hoặc bỏ đi.
Thậm chí không loại trừ khả năng số tiền này liên quan đến một hành vi phạm tội mà người chủ sở hữu của nó đã lén lút để vào bên trong chiếc loa như một hành động cất giấu.
Hưởng 50% nếu không có người nhận
Tuy nhiên, ở đây “công đầu” trong phát hiện này chính là vợ chồng người bán ve chai. Và không ít người đang quan tâm đến quyền lợi mà vợ chồng bán ve chai được hưởng là như thế nào?
Trường hợp tài sản đó do phạm tội mà có thì cơ quan chức năng thực hiện niêm phong, tịch thu để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật.
Trường hợp tài sản đó có người nhận, chủ sở tài sản chứng minh được nguồn gốc tiền và chứng minh được tiền đó là của mình thì cơ quan công an sẽ giao lại cho chủ sở hữu tài sản. Chủ sở hữu tài sản có nghĩa vụ chi trả một phần chi phí cho người phát hiện, người quản lý tài sản của mình khi tài sản đó bị mất, thất lạc và đã tìm thấy.
Theo Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Đoàn Luật sư TP.HCM, số tiền trên được xác định là vật do người khác đánh rơi, bỏ quên. Vì vậy theo quy định của Bộ Luật Dân sự, trước thời điểm trả lại cho chủ sở hữu hoặc giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền, người nhặt được có quyền chiếm hữu vật đó, mọi hành vi đe dọa hay trực tiếp xâm hại quyền này là vi phạm pháp luật.
Còn theo quy định tại khoản 2, điều 241 Bộ Luật Dân sự, sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai về vật nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận, nếu vật có giá trị đến mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì vật đó thuộc sở hữu của người nhặt được; nếu vật có giá trị lớn hơn mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được hưởng giá trị bằng mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước.
(Theo BaoDatViet)