Chính phủ Mỹ "sờ gáy" Facebook vì vấn đề bảo mật

DT  | 12/11/2011 02:08 PM

Bảo mật thông tin trên Internet đã và đang là vần đề cấp thiết mà chính phủ Mỹ hết sức quan tâm.

Facebook đang phải tiến hành những cuộc đàm phán với chính phủ Mỹ về việc sử dụng thông tin cá nhân người dùng trên mạng xã nội này. Theo thông tin nội bộ, chính phủ yêu cầu Facebook phải nhận được sự đồng ý của người sử dụng trước khi hãng thay đổi những điều khoản quan trọng trong chính sách bảo mật. Điều đó có nghĩa việc người dùng cho phép chia sẻ thông tin của mình là một chuyện, việc Facebook sử dụng thông tin đó như thế nào lại là một chuyện khác.

Vấn đề này đang được Hội đồng Thương mại Liên bang Mỹ ( Federal Trade Commission – FTC) quyết định và phê duyệt. Hiện nay vấn đề bảo mật thông tin người dùng Internet đang rất bất cập. Có rất nhiều công ty và dịch vụ trực tuyến sử dụng thông tin người dùng để thu lợi nhuận và thực hiện các ý đồ cá nhân của mình. FTC đang đẩy mạnh chiến lược bảo vệ người sử dụng Internet mà trước hết là vấn đề bảo mật thông tin cá nhân.


Mạng xã hội lớn nhất thế giới với 800 triệu người sử dụng này đã nhiều lần bị chỉ trích với việc thay đổi chính sách bảo mật và tiết lộ thông tin cá nhân người sử dụng mà không hề báo trước. Theo thông tin từ cuộc đàm phán, Facebook sẽ phải chịu sự kiểm soát về vấn đề bảo mật thông tin người sử dụng trong vòng 20 năm.

Thông qua vấn đề nảy sinh với Facebook, chính phủ muốn thúc đẩy quá trình kêu gọi các công ty có trách nhiệm hơn trong việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân của người dùng Internet.

Vào tháng 3 vừa qua, “gã khổng lồ” tìm kiếm cũng buộc phải tham gia vào chương trình bảo mật toàn diện do FTC đề ra khi Google bị cáo buộc sử dụng thông tin cá nhân sai mục đích. FTC cáo buộc Google đã sử dụng thông tin cá nhân của người dùng Gmail để đưa vào dịch vụ mạng xã hội Buzz mặc dù trước đó, Google khẳng định các thông tin này chỉ sử dụng riêng cho email.

Mạng xã hội Twitter cũng đồng ý chịu sự kiểm soát từ chính phủ sau khi để tin tặc truy cập và đánh cắp các thông tin bảo mật quan trọng, trong số đó có cả tài khoản của Tổng thống Barack Obama.


Đối với các công ty quảng cáo, mà sau cùng mạng xã hội Facebook cũng đi theo con đường này, việc nắm giữ được càng nhiều thông tin người sử dụng càng giúp họ nắm giữ nhiều lợi thế hơn so với đối thủ. 

Thời gian gần đây Google vẫn luôn đau đầu tìm phương án đối chọi với việc Facebook sở hữu 800 triệu người sử dụng mà họ không thể “sờ” tới. Tuy nhiên, những biện pháp tích cực từ chính phủ nhằm bảo vệ người sử dụng Internet nói chung đã góp phần làm giảm đi sức mạnh của Facebook - đối thủ lớn của Google trong cuộc đua công nghệ.

Theo: Foxnews
Xem thêm:

facebook