Chiến tranh mạng đang dần hình thành

Thành Luân  | 28/06/2011 0:00 AM

Những vụ tấn công vốn đã diễn ra từ lâu nhưng phải đến khi các công ty này để lộ vụ việc ra ngoài thì các phương tiện truyền thông mới bắt đầu chú ý.

Trong những tuần qua liên tục những thông tin về các hacker làm náo loạn thế giới Internet. Điều này có thể khiến nhiều người nghĩ hệ thống bảo mật của các trang web sắp sụp đổ. Tuy nhiên thực ra những vụ tấn công này vốn đã diễn ra từ lâu nhưng phải đến khi các công ty này để lộ vụ việc này ra ngoài thì các phương tiện truyền thông mới bắt đầu chú ý.
 
Ngày càng nhiều những thông tin cá nhân bị đánh cắp bởi rất nhiều công ty sở hữu những thông tin quý giá của người dùng. Một lượng lớn dữ liệu về tên, địa chỉ, thẻ tín dụng đang hàng ngày chạy trên các đường dây Internet. Đây chính là con mồi béo bở cho các hacker và động lực để họ bắt tay vào việc.
 

Vấn nạn hacker đang làm nhiều tổ chức đau đầu.
 
Chính quyền của nhiều quốc gia trên thế giới vẫn luôn đề cao cảnh giác với các vụ tấn công mạng, đồng thời chính họ cũng đang âm thầm phát triển phương pháp tấn công mới này.
 
Năm ngoái, Google cho rằng những vụ tấn công và hệ thống mạng của họ có liên quan đến quân đội Trung Quốc và chính phủ của nước này đã tìm cách hạn chế tốc độ truy cập các dịch vụ của Google. WikiLeaks cũng đã đăng tải nhiều thông tin tố cáo rằng chính phủ Trung Quốc đã giật dây nhiều vụ tấn công qua mạng, nhưng nước này bác bỏ mọi liên quan đến những vụ việc nói trên.
 
Những hacker của Trung Quốc, Nga và một vài nước khác đã tấn công hệ thống mạng của điện lực Mỹ vào năm 2009 để rồi các mật vụ của Mỹ đã phải mở vô số những cuộc điều tra danh tính của thủ phạm. Và cũng chỉ tháng trước thôi tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký dự thảo về giới hạn cho phép lực lượng quân đội của nước này được sử dụng để đáp trả hình thức tấn công mạng.
 
Và những cuộc tấn công trực tiếp làm tổn hại hàng triệu USD của các công ty cũng được chính phủ nước này quan tâm. FBI đang vào cuộc để giúp Sony điều tra thủ phạm của các vụ tấn công mà họ phải hứng chịu trong thời gian gần đây. Hệ thống mạng của Sony đang trở thành một trò chơi đối với các hacker, tính riêng 2 tháng vừa qua Sony đã bị tấn công đến 20 lần.
 

Vụ PlayStation Network bị tấn công là tâm điểm của dư luận trong thời gian qua.
 
Các hacker đã xâm phạm vào 177.000 email từ trang web Sony Pictures bằng tiếng Pháp. Hai tuần trước nhóm hacker Lulz Security đã chiếm được hơn 1 triệu địa chỉ e-mail, password và những thông tin cá nhân khác trên trang Sony Picture tại Mỹ.
 
Nhưng những con số trên chẳng so sánh nổi với hơn 100 triệu tài khoản, trong đó bao gồm cả thẻ ngân hàng mà PlayStation và Sony đã bị đánh cắp. Vụ hack PlayStation chính là tổn thất nặng nề nhất trong lịch sử kể từ khi các hãng Heartland Payment, T.J. Maxx bị hacker moi ra đến 130 triệu thẻ tín dụng.
 
Và còn nhiều vụ tấn công gây tổn thất nặng nề khác như thông tin cá nhân và thẻ an sinh xã hội của 26,5 triệu người Mỹ bị đánh cắp vào năm 2006. Một năm trước đó, CardSystems để lộ 40 triệu tài khoản lưu trữ trong máy tính của họ.
 
Các quan chức của Mỹ đang dần hết kiên nhẫn. Một cuộc họp được mở ra để tìm hiểu xem tại sao Sony lại phải mất tới 1 hoặc 2 tuần mới đưa ra được bản báo cáo chi tiết về những vụ trộm này. Jeff Carter, trưởng nhóm phát triển của hãng bảo mật Hoyos Group giải thích –“Ngay sau khi nhận ra rằng mình đã bị tấn công, các hãng thường im lặng và giải quyết hậu quả. Tuy nhiên vụ việc của Sony quá lớn đến nỗi không thể che giấu khỏi sự chú ý của dư luận”.
 
Sau khi vụ việc tại Sony vỡ lở, những chuyên gia bảo mật trong đó có Carter bắt đầu nhận được nhiều cuộc gọi từ các hãng đề nghị khóa chặt hệ thống mạng của họ. Ví dụ với Carter, nhóm của ông nhận được rất nhiều lời đề nghị giúp đỡ đến từ những hãng làm game và các tổ chức kinh tế.
 
Các nhóm hacker như LulzSec làm việc không vì lợi nhuận?
 
Ngân hàng và thẻ tín dụng là mục tiêu quen thuộc và béo bở nhất đối với các hacker. Nhưng hiện tại những công ty giải trí, thường không nắm nhiều thông tin cá nhân của người dùng cũng được đưa vào tầm ngắm của các nhóm hacker khét tiếng thế giới, chỉ để thỏa mãn thú tiêu khiển. Nhóm hacker LulzSec sau khi tấn công Sony đã đề nghị giúp điều tra vụ 1,3 triệu tài khoản của Sega bị tấn công. Theo phát ngôn viên của nhóm này –“Chúng tôi thích Dreamcast (hệ máy console nổi tiếng của Sega) và chúng tôi muốn giúp họ”.
 
Sony hé lộ rằng có thông tin điều tra cho thấy không chỉ LulzSec mà nhóm Anonymous cũng đứng sau cuộc tấn công này. Tuy nhiên Anonymous hoàn toàn bác bỏ và khẳng định rằng họ không liên quan.
 
 
Anonymous cũng là nhóm hacker có liên quan đến những tấn công gần đây.
 
Nếu sự việc không ngừng tiếp diễn thì thế giới trong những ngày tiếp theo sẽ còn chứng kiến nhiều cuộc tấn công còn táo tợn và gây ra những tổn thất nặng nề. Không những thế các quốc gia siêu cường trên thế giới cũng bắt đầu sử dụng phương pháp này và khiến chiến tranh công nghệ leo thang. Nhìn nhận lại những vụ việc trên thì chúng ta khó có thể tin tưởng vào độ bảo mật của các hệ thống an ninh mạng khi mà các hacker nghiên ngang bẻ khóa của các công ty khổng lồ trên thế giới và ngay cả hệ thống mạng của Mỹ cũng phải bất lực.
 
Tham khảo CNN
Xem thêm:

hacker

hack

Sony