Chiến tranh lạnh giữa các trình duyệt web

PV  | 25/01/2012 0:00 AM

Ở thời điểm hiện tại, khi thị trường trình duyệt web đang ở thế cân bằng, một cuộc chiến mới lại nổ ra: Chiến tranh lạnh.

Kể từ tháng 1/2012, nếu như máy tính của bạn bật chức năng tự động tải các bản cập nhật của Windows, thì Microsoft sẽ “âm thầm” update trình duyệt Internet Explorer trong máy tính của bạn lên phiên bản mới nhất (IE 9). Điều này có nghĩa là một buổi sáng thức dậy, bạn sẽ không khỏi giật mình khi thầy trình duyệt cũ của mình không cánh mà bay, thay vào đó là IE 8 nếu bạn còn sử dụng Windows XP, và 9 nếu bạn đang dùng Windows 7.


Trên “giấy tờ” và trong những thông điệp quảng cáo, mục đích cho hành động này của gã không lồ xứ Redmond quả thật “cao quý”: Đem tới cho người sử dụng tiêu chuẩn mới của internet, an toàn hơn, đẹp hơn, riêng tư hơn! Tuy nhiên lý do thực sự cho hành động này lại rất đơn giản: Một nước cờ mới trong cuộc chiến tranh lạnh giữa các trình duyệt internet!


Cuộc chiến giữa các trình duyệt


Cuộc chiến các trình duyệt đầu tiên diễn ra trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến 2001. Đây là nói những trình duyệt của Microsoft (IE 4, 5 và 6) giành lại thị trường từ “ông vua” của thời điểm đó: Netscape. Sau 4 năm, “những chiến binh” của Microsoft đã giành được vị trí độc tôn bên cạnh sự ra đời của một trong những hệ điều hành thành công nhất lịch sử: Windows XP. Trận chiến kết thúc với sự khuất phục hoàn toàn của Netscape.


Chỉ chưa đầy 3 năm sau, cuộc chiến trình duyệt lần thứ 2 nổ ra. Vào năm 2004, Microsoft nhận ra rằng một thế lực mới đang hình thành và mạnh lên nhanh chóng. Đó chính là Firefox của Mozilla Corporation, phiên bản trình duyệt được coi là hậu duệ trực tiếp của Netscape thuở nào, trong khi đó, IE6 của gã khổng lồ đã bắt đầu có dấu hiệu “hụt hơi”. Bill Gates lúc này mới vội vàng đánh thức nhóm phát triển IE khỏi giấc ngủ vùi trong chiến thắng 3 năm về trước để cho ra lò Internet Explorer 7. Tuy nhiên, có vẻ như Microsoft đã quá chậm chạp khi những thay đổi trong IE7 không hề đủ khả năng để chống đỡ một Firefox với sức mạnh đã lên đến hàng “vô đối” trong số những trình duyệt web có mặt vào thời kỳ đó.

Thế rồi, khi Mozilla Firefox gần đạt đến con số 30% thị phần, thì ông trùm tìm kiếm cũng chính thức đặt chân vào cuộc chiến đang ngày một nóng bỏng này với sự ra đời của Chrome. Từ đó, con số phần trăm thị phần của IE gần như tuột dốc không phanh. Đến năm 2009, IE8 ra đời sau 2 năm Windows Vista có mặt trên thị trường, nhưng cục diện cuộc chiến cũng chẳng mấy thay đổi.

 
Vào năm 2010, cuộc chiến trình duyệt lần thứ 3 được châm ngòi bởi sự ra đời của công nghệ lập trình web hoàn toàn mới với cái tên HTML5. Cả 3 cái tên lớn nhất trong cuộc chiến đều trang bị cho “chiến binh” của họ những món vũ khí thời thượng nhất để hạ gục đối thủ như hỗ trợ các tiêu chuẩn mới, cũng như chạy JavaScript nhanh hơn. Cuối cùng, người được lợi nhiều nhất từ cuộc chiến này không ai khác chính là người sử dụng internet. Cả 3 trình duyệt (4 nếu tính thêm Safari) đều có những ưu điểm không thể chối cãi, và thị phần dành cho chúng gần như phụ thuộc hoàn toàn vào sở thích cá nhân cũng như thói quen của người sử dụng. Cũng trong trận chiến này, Microsoft đã chứng tỏ rằng họ không hề là một “cựu binh” già cỗi và lỗi mốt với IE9. Trình duyệt này được so sánh với IE4 năm xưa ở sức mạnh cạnh tranh, một trong những yếu tố giúp cân bằng thị phần của các trình duyệt internet trên thị trường vào thời điểm hiện tại.


Và ở thời điểm hiện tại, khi thị trường trình duyệt web đang ở thế cân bằng, một cuộc chiến mới lại nổ ra: Chiến tranh lạnh. Những trình duyệt ngày nay đều được các ông lớn “trang bị tận răng” với những tính năng độc đáo và riêng có. Và cách duy nhất để giành lấy thị phần (thật may là không một phe nào có “vũ khí hạt nhân” đủ mạnh để kết thúc hoàn toàn cuộc chiến) chỉ là những chiêu thức quảng cáo và nâng cấp, cũng như những phương pháp “đi đêm” giống như của Microsoft ở đầu bài viết.


“Một Berlin đầy rối loạn”


Phép so sánh với một thành phố bị chia cắt trong thời kỳ chiến tranh lạnh nửa cuối thế kỷ XX có vẻ như rất phù hợp với cuộc chiến giữa các trình duyệt internet.


Hãy thử lấy Google làm ví dụ. Ông trùm tìm kiếm đã và đang bỏ ra hàng triệu USD để biến Chrome trở thành trình duyệt nhanh nhất và được sử dụng nhiều nhất, mặc dù điều này cũng xảy ra với Mozilla và Microsoft. Điều này có thể dẫn đến những hậu quả tồi tệ như vụ kiện độc quyền xảy đến với Microsoft vào năm 2001, hay như việc Google lạm dụng quá mức công cụ tìm kiếm của họ để cổ súy cho Chrome là một ví dụ khác.


Sau đó, một nhóm nghiên cứu độc lập đã phát hiện ra Google Chrome “là trình duyệt an toàn nhất”. Thế nhưng thật mỉa mai, sau đó người ta phát hiện ra rằng “nhóm nghiên cứu độc lập” này lại được chính Google tài trợ mọi chi phí cũng như kiểm soát phương pháp nghiên cứu. Không những vậy, họ còn bắt “nhóm nghiên cứu” này phải lờ đi những tính năng bảo mật trên Firefox và IE9 để biến Chrome trở thành “người hùng” trong cuộc chiến không cân sức.


Về phần Mozilla, khi sức ép của khách hàng cũng như chi phí quảng cáo ngày một tăng cao, thì việc sử dụng đến những chiêu thức không mấy hay ho cũng được cân nhắc. Sự ra mắt của Firefox 5 vào tháng 6 năm ngoái là một ví dụ. Đó dường như là lần “tự sướng” quảng cáo lớn nhất của Mozilla với những công cụ truyền thông kể từ khi Firefox 1 ra mắt vào năm 2004. Và rồi Mozilla ũng quyết định biến mình thành một nhà phát triển trình duyệt Chrome thứ hai khi rút ngắn vòng đời ra mắt của các phiên bản trình duyệt của mình (Firefox 3.6 ra mắt vào tháng 1/2010. Kể từ đó, chỉ nội trong năm 2011 Mozilla đã cho ra mắt đến… 7 phiên bản Firefox mới, kể cả Firefox 10 Beta!). Bên cạnh đó là những lựa chọn nâng cấp tự động cho người sử dụng dịch vụ. Một nước cờ không tồi đối với Mozilla, nhất là khi mục tiêu lớn nhất (và cũng có thể là duy nhất) của họ là mở rộng thị phần càng nhiều càng tốt.


Và cuối cùng là Microsoft. Gã quái vật khổng lồ này đang cố tỏ ra với thế giới rằng mình là một ông lớn biết nhẫn nhịn, biết khai thác điểm yếu của đối thủ, cũng như ra tay vào đúng thời điểm hợp lý. Thế nhưng kỳ thực, bên trong gã khổng lồ đang hết sức rối loạn và lo sợ. Chỉ trong vòng 10 năm, thị phần trình duyệt web của IE đã giảm từ 95% xuống chỉ còn chưa đầy 30% ! Cái kết cục không một ai mong muốn đã xảy đến với gã khổng lồ công nghệ. Nếu như Microsoft không có một nước đi hợp lý, thì việc họ bị loại khỏi cuộc chơi sẽ chỉ là vấn đề thời gian.


Và đó chính là lý do cho hành động “update tự động” trình duyệt cho người sử dụng Windows, hệ điều hành chiếm 85% thị phần của Microsoft (số liệu tháng 12/2011 của NetMarketShare).


Tạm kết


Một tin vui cho người sử dụng internet, đó là kết quả của cuộc chiến tranh lạnh công nghệ này có ra sao, thì chúng ta vẫn “ngư ông đắc lợi”. Nhờ có những ‘phe’ như Google hay Mozilla mà trình duyệt web hiện đại ngày một nhanh, hỗ trợ những chuẩn mới như HTML5 cũng như bảo mật tốt hơn.

 
Về phần những nhà phát triển trình duyệt, nếu như họ vẫn muốn tham gia cuộc chơi thì lời khuyên hữu ích nhất là hãy cẩn thận trước những “chiêu bẩn” của đối thủ và tìm ra cách khắc chế chúng. Ví dụ đơn giản nhất là Microsoft, họ đang có cơ hội giành lại thị phần với IE10 Metro được tích hợp rất sâu vào Windows 8 sắp sửa ra mắt.

Tương tự, Google cũng sẽ cố gắng biến Chrome trở thành “sự lựa chọn số 1” cho người sử dụng Android, cũng như chuẩn bị cho sự trở lại của Chrome OS trong tương lai. Trong khi đó, Mozilla lại chẳng hề có những sự hậu thuẫn công nghệ như hai đối thủ, tuy nhiên Web API lại trở thành vị cứu tinh cho “Cáo lửa”. Và ở một mức độ nhất định, thật may vì Mozilla có chân trong cuộc chơi giữa các trình duyệt internet, vì nếu không, sẽ chẳng có gì ngăn cản nổi Microsoft và Google đi vào vết xe đổ của chính Microsoft trong cuộc khủng hoảng “Bong bóng Dot Com” xảy ra 12 năm về trước.
 
Tham khảo Extreme Tech
    betterchoice