Không thể phủ nhận sự phát triển và sức ảnh hưởng cực lớn của mạng xã hội đối với con người trong thời đại số ngày nay. Tuy nhiên cái gì cũng có mặt trái của nó, chính sự phát triển rộng lớn của mạng xã hội đôi khi lại là con dao hai lưỡi đối với người sử dụng. Mạng xã hội là thế giới ảo nhưng đôi khi kết quả của nó lại là thật!
Một ví dụ cụ thể nhất trong thời gian gần đây chính là tin đồn về nước dùng hủ tiếu được nấu bằng thịt chuột cống. Một bài viết không rõ nguồn gốc với tựa đề "Hủ tiếu gõ được nấu bằng thịt chuột cống" xuất hiện trên một số diễn đàn, mạng xã hội. Nội dung kể về việc phát hiện 5 con chuột cống nằm trong thùng nước dùng của một hàng hủ tiếu gõ (bán hủ tiếu dạo) trên địa bàn TP.HCM.
Theo bài viết trên, người bán hủ tiếu gõ đã thừa nhận dùng chuột cống để ninh nước dùng cho ngọt. Mặt dù người viết thuật lại khá chi tiết và “rùng rợn” nhưng trong bài lại không hề đưa ra một chứng cứ xác thực nào để chứng minh như ảnh, clip...
Nội dung trong bài viết sau đó đã được cộng đồng mạng chia sẻ với tốc độ chóng mặt, dù chẳng cần rõ đúng sai, rất nhiều thành viên mạng xã hội đã bình luận ác ý và gay gắt đối với những bán hủ tiếu gõ, thậm chí họ còn kêu gọi tẩy chay món ăn này.
Có thể những bài viết, những lời bình luận ác ý về món hủ tiếu này chỉ tồn tại trên mạng xã hội - thế giới ảo, tuy nhiên hậu quả của nó lại là thật. Sau khi bài viết về hủ tiếu nấu bằng thịt chuột lan rộng, những người bán hủ tiếu gõ trên địa bàn TP.HCM đã phải điêu đứng vì vắng khách trong suốt thời gian qua.
"Bình thường mỗi ngày (từ 12h đến 2h sáng hôm sau) bán được chừng 15kg cả hủ tiếu cả mì. Nhưng mấy bữa nay ế quá. Tui bưng đồ cho khách quen ăn người ta hỏi chọc, có bỏ thịt chuột vô không đấy. Tui nghe mà tức quá”, ông Lương Tấn Túc - một người bán hủ tiếu trên đường Nguyễn Chí Thanh chia sẻ.
Và rất may, thông tin về nồi hủ tiếu được nấu bằng thịt chuột cống trong bài viết kia đã được cơ quan chức năng lên tiếng phủ nhận. Dù đã được thanh minh, nhưng những tin đồn thất thiệt về nồi hủ tiếu vẫn sẽ khiến rất nhiều người mang tâm lý ái ngại, e sợ với món ăn này...
Tin đồn "hủ tiếu nấu bằng thịt chuột cống" không phải là tin đồn thất thiệt duy nhất có sức lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội và trong cuộc sống. Nhìn lại phía sau ta có thể dễ dàng điểm tên những vụ ồn ào trong suốt một thời gian dài như: tin đồn sữa có đỉa, cú lừa ngoạn mục về thông tin smartphone miễn phí, thông tin về 3 cô gái bị rạch đùi nhiễm HIV tại Hà Nội.
Tin đồn về đỉa trong sữa gây hoang mang cho người dùng trong suốt một thời gian đã được chứng minh chỉ tin đồn ác ý vì đỉa không thể sống được trong môi trường sữa đã khử trùng lên tới 140 độ.
Vào đầu tháng 5/2013, trên một số trang facebook, diễn đàn, blog cá nhân xuất hiện thông tin 3 nữ sinh bị kẻ xấu dùng dao lam rạch đùi ngay trước cửa Nhà hát Lớn Hà Nội. Thông tin này cho rằng, cả 3 nữ sinh nói trên bị rạch đùi bằng dao lam có dính máu nhiễm HIV, hậu quả là cả 3 thiếu nữ bị chảy máu rất nhiều, bị nhiễm HIV…
Chủ facebook tung tin còn miêu tả các nạn nhân bị rạch đùi đã trình báo tới Phòng Cảnh sát hình sự - CATP Hà Nội và Đội trưởng Đội 8 (Phòng CSHS) cho biết, cơ quan công an đang tiến hành điều tra. Thông tin này ngay lập tức đã khiến rất nhiều người hoang mang, lo lắng…
Tuy nhiên, lãnh đạo Phòng Cảnh sát Hình sự, CATP Hà Nội khẳng định phòng CSHS, CATP Hà Nội không tiếp nhận một trường hợp nào đến trình báo về việc bị rạch đùi. Và vào ngày 9/5, Phòng CSHS, CATP Hà Nội đã phát hiện và bắt giữ đối tượng tung tin về 3 nữ sinh bị rạch đùi. Thông tin gây hoang mang này được xác nhận chỉ là tin đồn thất thiệt.
Mỗi ngày có hàng trăm thông tin được đăng tải và chia sẻ trên mạng xã hội, trước mỗi cú nhấp chuột, người dùng mạng xã hội phải hết sức cẩn trọng trước các thông tin. Hãy bình tĩnh và suy xét các vấn đề, sự vụ trước khi bình luận và chia sẻ thông tin cùng cộng đồng mạng để tránh lan truyền những tin đồn ác ý, ảnh hướng xấu tới dư luận.
(Theo Soha)