[Blog công nghệ] Đừng vội lạc quan về một thế giới Internet tự do!

Quang Khải   | 14/07/2012 0:00 AM

Liệu chúng ta có thể thở phào nhẹ nhõm khi những Đạo luật kiểm duyệt hà khắc Internet bị tạm ngừng thông qua trong thời gian qua?

Lạc quan


Sáu tháng sau khi hai dự luật đầy tranh cãi SOPA và PIPA bị “khai tử”, vào những ngày đầu tháng 7 vừa qua, các nhóm liên minh bao gồm những người phản đối gay gắt hai dự luật này đã tụ họp lại, cùng nhau thảo luận, đóng góp và cuối cùng đi đến đặt bút vào một thỏa thuận chung có tên “Tuyên ngôn về Tự do Internet”. Với việc đề xuất ra những nguyên tắc cơ bản cho Internet như Tự do, Dễ dàng tiếp cận, Cởi mở, Đổi mới và Bảo mật cao; bản tuyên ngôn này như lời kêu gọi cộng đồng, các doanh nghiệp và tất cả các quốc gia trên toàn cầu hãy đứng lên, cùng chung tay, góp sức để phần nào gây ảnh hưởng, quyết định tới tác động của các nhà làm luật. Ngay sau khi ra đời, rất nhiều tổ chức và công ty lớn đã cùng tham gia ký tên ủng hộ bản tuyên ngôn này, báo hiệu một tương lai tươi sáng cho thế giới Internet. 


Không lâu sau đó, vào ngày 4/7, sau nhiều tháng được đưa ra thảo luận, Hiệp định thương mại ngăn chặn hành vi xâm phạm bản quyền mạng ACTA – cơn ác mộng mới của người dùng Internet toàn cầu đã chính thức bị “khai tử”. Theo kết quả bỏ phiếu tại Nghị viện châu Âu, việc phê duyệt Hiệp định nhận được 478 phiếu chống, 165 phiếu trắng và chỉ vỏn vẹn 39 phiếu ủng hộ; chính kết quả này đã khép lại số phận của một Hiệp định nhiều tranh cãi và khiến người dùng mạng nơm nớp lo lắng như cái tên ACTA. Giờ đây, khi mối lo ngại ấy đã qua đi, người dùng đã có thể thở phào nhẹ nhõm.



Tin mừng liên tục đến. Một ngày sau, Hội đồng Nhân quyền – cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc theo dõi sự tiến bộ về quyền con người đã chính thức công nhận việc được tự do truy cập Internet và thể hiện suy nghĩ, quan điểm, nhận xét của người dùng mạng là một trong những quyền cơ bản của con người. 47 thành viên của Hội đồng Nhân quyền – bao gồm cả những quốc gia nổi tiếng trong vấn đề kiểm duyệt như Trung Quốc hay Cuba đều đặt bút kí tên vào bản Nghị quyết này. Với việc coi tự do truy cập Internet là một quyền cơ bản của nhân loại, hy vọng về một thế giới Internet mở, nơi không còn những bức “tường lửa” ngăn cách càng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.


Bên cạnh đó, những tín hiệu cho thấy trang mạng lưu trữ và chia sẻ dữ liệu Megaupload – nạn nhân của SOPA, PIPA - đang dần hồi sinh cùng những tin mừng đến từ việc xét xử ông trùm trang mạng Kim Dotcom càng khiến dân mạng thêm phần hoan hỉ.



Và bi quan?


Nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”. Khi người dùng Internet chưa kịp mỉm cười, chưa kịp chuyện trò với nhau đôi dăm ba câu chuyện về những thông tin này thì hàng loạt dự luật, đạo luật về kiểm duyệt Internet mới của những nước lớn ồ ạt ra đời; chúng khiến chúng ta thêm nghi ngại về khả năng xảy đến cái gọi là “ngày tàn của Internet tự do” mà từ khi SOPA, PIPA ra đời, nhiều người đã kịp nghĩ tới và mường tượng về viễn cảnh đen tối này. 


Trước hết, xin phép được quay lại việc Nghị viện Châu Âu quyết định bác bỏ “cơn ác mộng” mang tên ACTA của người dùng. Với số phiếu chống áp đảo, có thể tạm coi như ACTA đã bị “tiêu diệt”, đã “đi về cõi vĩnh hằng”. Tuy nhiên, niềm vui ấy của người dùng mạng vẫn chưa thể trọn vẹn bởi Uỷ ban Châu Âu - cánh tay điều hành của EU có thể can thiệp vào Hiệp định này nếu những ông lớn trong ngành công nghiệp giải trí (bằng một cách nào đó) có thể tác động tới quyết định của họ. Và điều gì sẽ xảy ra khi “cánh tay của EU” quyết định khôi phục và thực hiện nghiêm túc dự luật tệ hại này?


Rồi nói đến động thái ý nghĩa của Liên Hợp Quốc kể trên, nhiều người tự hỏi tại sao một quốc gia nổi tiếng trong vấn đề kiểm duyệt và chặn truy cập của người dùng tới nhiều nội dung mạng như Trung Quốc lại có thể dễ dàng gạt bỏ quan điểm quản lý mạng Internet mà mình đã kiên trì theo đuổi biết bao năm qua? Này, đừng có vội nghĩ rằng “anh bạn láng giềng” lại dễ dàng từ bỏ như vậy nhé! Thì đây, chính ông đại biểu của Trung Quốc trước khi đặt bút kí vào bản Nghị quyết này đã “giao hẹn” trước với Liên hợp quốc rằng tại nước này, Tự do thông tin và an toàn thông tin trên mạng Internet là hai vấn đề có quan hệ mật thiết và phụ thuộc vào nhau”. 

Nhưng ai mà biết được, Trung Quốc sẽ thực hiện cái gọi là “an ninh thông tin” ấy như thế nào? Chính cái việc không làm rõ vấn đề ở đây cho chúng ta thấy rằng quốc gia này vẫn chưa có ý định muốn phá bỏ cái gọi là “Great Firewall of China” – chính là thứ  đã “đá bay” Google, Facebook… khỏi quốc gia này và khiến cho người Trung Quốc phải “khổ sở” khi truy cập và tìm kiếm các nội dung mạng.



Rồi mới đây, vào ngày 11/7, Duma quốc gia Nga cũng chính thức thông qua “Đạo luật thông tin”, báo trước một “cơn bão kiểm duyệt” mới càn quét qua hệ thông Internet của quốc gia này. Mặc dù Wikipedia phiên bản Nga đã đóng cửa một thời gian và kêu gọi người dùng cùng đứng lên chống lại Đạo luật này; nhưng có vẻ như nỗ lực ý nghĩa ấy của họ không được các nhà làm luật quan tâm. Đạo luật vẫn được thông qua, Wikipedia tiếng Nga cũng đã trở về hoạt động bình thường nhưng theo những yêu cầu được đưa ra trong Đạo luật mới này, ngày Wikipedia hoàn toàn đóng cửa tại Nga không còn xa. Và cái ngày ấy, theo lời kêu gọi của trang mạng trong ngày “đình công”, thực sự là một “mối đe dọa đối với sự tiếp nhận tri thức miễn phí và cơ hội được mở rộng, nâng cao tầm hiểu biết của toàn nhân loại”.



Chưa dừng lại ở đây, cuối tháng 6 vừa qua, Nhật Bản – quê hương của chú “mèo máy” Doraemon cũng chính thức công bố Luật bản quyền sửa đổi; theo đó chính thức đưa việc sử dụng nội dung có bản quyền tải không phép từ Internet từ tội dân sự sang tội hình sự; người vi phạm có thể bị khởi tố và phạt tù (GenK sẽ gửi tới các bạn thông tin chi tiết hơn trong một bài viết sau). Xin được nói thêm rằng, mặc dù không được thông qua tại Châu Âu nhưng ACTA theo dự kiến vẫn được tiếp tục thực hiện tại Mỹ và Nhật Bản. Cộng thêm với việc thông qua Luật bản quyền và dự kiến thực hiện vào tháng 10 tới đây, phải chăng Nhật Bản – quốc gia có nền công nghệ phát triển nhất nhì thế giới lại đang muốn phá hủy thành quả, nền văn minh gây dựng của mình, đưa người dân quay trở về thời kì đồ đá? Và khi ấy, một em nhỏ dù chỉ coi bộ phim hoạt hình “Doraemon” trên mạng xã hội chia sẻ video Youtube liệu có bị coi là phạm pháp?


Khoa học đã chứng minh và khẳng định rằng 2012 không phải là năm tận thế của nhân loại, nhưng có ai dám coi đây không phải là thời điểm một thế giới Internet tự do bị "tận diệt" ? Với những thông tin kể trên, có nghĩ như vậy kể không phải là không có cơ sở!


Mong lắm một thế giới Internet tự do!

Xem thêm:

internet