2011 hẳn là một năm quan trọng với Google, khi gã khổng lồ đang có những dự định tuyển dụng nhân sự số lượng lớn. Trang blog công nghệ nổi tiếng
Mashable đã có cuộc trò chuyện với Bryan Power, giám đốc quản lý nhân sự của Google để có được những kinh nghiệm hữu ích nhất khi nộp đơn
xin việc tại công ty danh tiếng này.
Bức tranh toàn cảnh về quá khứ
Power khuyên những người tìm việc ở Google hay bất cứ công ty nào khác, nên bắt đầu bằng việc giới thiệu một “bức tranh toàn cảnh” thể hiện những thứ họ đã làm được trong sự nghiệp của mình càng ngắn gọn, đầy đủ và chính xác càng tốt. Trong hồ sơ, không nên có những từ ngữ thừa, và mọi câu chữ trong đó đều nên được sửa chữa cẩn thận. Không chỉ có vậy, người tìm việc cũng nên biết cách phân biệt rõ ràng giữa trách nhiệm và thành quả đạt được.
Bryan Power đã rất nhiều lần nhận được những hồ sơ xin việc mà trong đó, người xin việc chỉ đề cập đến những chức vụ họ đã làm trước đây, mà tuyệt nhiên không nói gì đến những việc anh ta đã làm khi đảm nhiệm chức vụ ấy. Nói cách khác, nếu không có những thông tin cụ thể, một hồ sơ xin việc sẽ chẳng có gì nổi bật khi đặt cạnh 10.000 đơn xin việc khác với quá khứ làm việc tương tự. “Nếu bạn là một người làm việc ở vị trí quản lý bán hàng, đừng tự bó buộc mình khi chỉ đề cập đến việc bạn dẫn dắt đội ngũ bán hàng. Hãy thêm một chút thông tin về doanh thu bạn đem về cho công ty cũ”.
“Rất nhiều trường hợp, những người tìm việc không dám đưa những con số cụ thể vì họ lo sợ chúng quá thấp. Thế nhưng nếu không có những con số này, bạn sẽ giống y hệt những người khác. Từ đó cơ hội cho bạn cũng giảm đi phần nào” - Power giải thích thêm.
Ông còn đưa ra lời khuyên: “Kết nối những thành tựu trong sự nghiệp của bạn đôi khi cũng khá khó khăn. Tuy nhiên một bản lý lịch với những thành tựu quan trọng lúc nào cũng tỏ ra có ích hơn những cuốn “bách khoa toàn thư” kể về tiểu sử người đi xin việc”.
Hãy chứng tỏ bạn có tài năng thực sự, chứ không phải kỹ năng giải quyết vấn đề
Không giống như những công ty khác, Google luôn tập trung vào những người có tài năng, chứ không phải tập trung vào những kỹ năng cụ thể. “Google biết rằng thế giới đang thay đổi rất nhanh, và chúng tôi muốn nhân viên của mình có thể đối mặt với sự thay đổi này và chấp nhận những thử thách mới trong công việc”.
Như một điều tất yếu, những nhà tuyển dụng tại Google không chỉ nhìn vào những gì những ứng cử viên đã làm được trong sự nghiệp, mà họ còn nhìn vào thành tựu của những người này ở trường học và môi trường ngoài công việc. “Chúng tôi thực sự cần những người có thể tạo ra những thứ thú vị cũng như ấn tượng”.
Khi được hỏi về những ai sẽ không phù hợp cho công việc tại Google, Power nhấn mạnh vào những ứng cử viên quá chú ý đến chiếc ghế mà họ sẽ ngồi vào, cũng như số lượng người dưới quyền. Hiểu một cách ngắn gọn, đó là những người quan tâm đến những gì Google làm được cho họ, trong khi lẽ ra họ nên quan tâm đến việc mình có thể giúp gì cho sự phát triển của Google.
“Google là một công ty có tầm ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh doanh khác nhau, cũng như hợp tác với nhiều đối tác chiến lược. Việc quan tâm đến “vùng lãnh thổ” cũng như số lượng nhân viên mà một người sẽ cai quản là một tín hiệu rõ ràng cho thấy họ sẽ không phù hợp cho công việc tại đây. Chúng tôi muốn tìm những người có tâm huyết với những dự án dài hạn tại Google, chứ không phải những người đi tìm một nấc thang mới trong sự nghiệp” - Power cho biết.
Buổi phỏng vấn
Quá trình phỏng vấn của Google sẽ bắt đầu với một cuộc nói chuyện qua điện thoại, đôi khi còn là vài cuộc kéo dài qua nhiều ngày. Những ứng viên được chọn sau quá trình này sẽ được mời đến trụ sở Google để trả lời phỏng vấn với một nhóm 4 đến 5 người đang làm trong khu vực mà ứng viên này đã đăng ký xin việc.
Phong cách phỏng vấn của Google khác hoàn toàn với phần lớn những công ty khác, khi những ứng cử viên sẽ phải giải thích sâu hơn về lý lịch của họ. Power đưa ra một lời khuyên: Những người đi xin việc nên thêm một vài câu nói liên quan tới công ty và tương lai của nó, một số vấn đề và hướng giải quyết của chính họ.
Dĩ nhiên, không có bất kỳ một luật lệ về trang phục nào trong buổi phỏng vấn.“Tôi đã từng thấy một vài anh chàng vào phỏng vấn với quần lửng và áo thun, nhưng họ đã khiến chúng tôi phải dành sự quan tâm đặc biệt đến sự sáng tạo của họ, và cũng không thiếu những người mặc vest với cà vạt chỉnh tề nhưng lại hoàn toàn không chuẩn bị gì trước buổi phỏng vấn”. Nếu bạn được mời đến Google phỏng vấn, hãy tự chuẩn bị trước và ăn mặc bất cứ thứ gì bạn cho là thoải mái. Nếu chẳng may cuộc phỏng vấn kết thúc không thành công, Power khuyên những ứng viên thất bại nên tiếp tục thiết lập mối quan hệ với những nhà tuyển dụng.
“Đôi khi bạn có thể ở trong một cuộc phỏng vấn về một chức danh, và nó không đi theo quỹ đạo mà bạn muốn. Tuy nhiên đôi khi nó sẽ là một khoảng thời gian tốt cho cả 2 để bàn luận những vấn đề công việc.” Power cho biết.“Có thể vận may sẽ mỉm cười, khi 6 hay 12 tháng sau, bạn lại trở thành một người phù hợp cho công việc. Bạn sẽ ở trong một vị thế tốt hơn khi tiếp tục xây dựng mối quan hệ này giữa bạn và những nhà tuyển dụng, thay vì từ bỏ cơ hội”.