Không phải tự nhiên mà các trang web hàng đầu thế giới đã và đang đổ ra những số tiền không hề nhỏ để “trau chuốt” cho bề ngoài của mình. “Bề ngoài” mà chúng ta đang nhắc đến ở đây chính là giao diện đồ hoạ. Dĩ nhiên, việc can thiệp vào giao diện đồ hoạ của một trang web không chỉ là chọn font chữ hợp lý hay chỉnh sửa kích cỡ ảnh...
Đôi khi, lời khuyên để
tạo ra một trang web thân thiện với người sử dụng đó là thử tất cả những gì bạn cho là “sẽ làm trang web tốt hơn”. Quy trình “thử - sai” này cũng là một con dao hai lưỡi, với tỉ lệ thành công 5 ăn 5 thua. Thậm chí những công ty công nghệ thông tin lớn cũng đã từng thất bại với cách thiết kế trang web sai lầm. Ngay dưới đây sẽ là hai ví dụ của hai gã khổng lồ công nghệ và những bài học rút ra:
Bài học về thiết kế có chiến lược: Google Video
Từ trước đến nay, Google luôn nổi tiếng với việc giải quyết một vấn đề bằng cách bỏ hàng đống tiền vào bộ phận nghiên cứu và phát triển. Điều tương tự cũng đã từng xảy ra với dự án Google Video. Các chuyên gia đã phải đánh giá một khối lượng lớn dữ liệu người sử dụng để thiết kế giao diện hợp lý nhất cho dịch vụ chia sẻ video. Tuy nhiên có vẻ như đây là một bước đi sai lầm của Google, mà bằng chứng là việc ngừng cung cấp dịch vụ Google Video vào năm 2009. Hãy cùng điểm lại những lý do của sự thất bại này.
Khởi đầu, Google Video sở hữu giao diện tối giản (thứ đã tạo ra thành công cho Google Search).
Tuy nhiên giao diện này sớm bị thay đổi khi Google nhận ra giao diện hiển thị kết quả video hàng ngang của họ không được mọi người ưa thích. Vì vậy, những nhà thiết kế tại Google đã tạo ra một giao diện khác với mong muốn người sử dụng ưa thích dịch vụ này hơn. Tuy nhiên những gì họ làm hoá ra lại là ‘copy’ một trong những thứ mang lại thành công cho YouTube: Thanh hiển thị những video liên quan ở cạnh phải màn hình.
Đến đây thì sai lầm chết người của những nhà thiết kế đồ hoạ đã bị những nhân viên tại Google lặp lại: Copy hay vay mượn nững ý tưởng của những sản phẩm thành công khác. Với ý nghĩ “Nếu nó có thể giúp họ thành công, thì nó cũng sẽ giúp ta thành công”, Google đã từng bước đánh dấu cho sự thất bại thê thảm của Google Video. Tất nhiên việc copy của người khác cũng mang lại thành công, ví như trong hàng trăm bản sao của trang chia sẻ link Digg, chỉ có Reddit đạt được thành công. Điều này cũng đúng với YouTube, thế nhưng bản sao thành công của trang web này, thật không may lại không phải Google Video, mà là Vimeo.
Bài học rút ra là: cải tiến một cách cẩu thả còn nguy hiểm hơn không cải tiến một chút nào. Không chỉ có vậy, tối giản hoá một trang web không phải lúc nào cũng là cách tiếp cận thành công. Thật không may cho Google, khi danh sách những trang web thất bại của họ không chỉ dừng lại ở Google Video, mà còn có Buzz, Wave. Tất cả đều đã và đang đặt ra một vấn đề khá cấp bách cho đội ngũ thiết kế tại công ty này, cũng như là một bài học kinh nghiệm xương máu cho tất cả những nhàthiết kế trang web trên toàn thế giới.
Bài học về lạm dụng thiết kế: Yahoo
Với lưu lượng truy cập trên 90 triệu lượt mỗi tháng tại Mỹ, không thể phủ nhận mức độ phổ biến rộng rãi của Yahoo đến cư dân Mỹ, đặc biệt là những người nội trợ. Thế nhưng một lần nữa vấn đề lại xảy đến với Yahoo, và lý do cũng lại phát sinh từ thiết kế trang web.
Nếu như đã quen với trang chủ của Yahoo, hẳn bạn sẽ nhớ đến trang web toàn những tiêu đề tin tức xuất hiện với mức độ dày đặc trên màn hình máy tính. Dĩ nhiên Yahoo cho phép bạn tuỳ chỉnh những nguồn tin này để nó hiển thị những gì bạn quan tâm. “Bức tưởng toàn chữ” (wall of text) này phần nào đã khiến Yahoo trở thành một trong những trang thông tin được ưa chuộng bậc nhất, nhưng đồng thời cũng ngăn cản gã khổng lồ này thống trị thị trường trực tuyến.
Lý do những đối thủ của Yahoo thành công hơn? Rất đơn giản, vì họ chỉ chú trọng vào những dịch vụ cốt lõi mà công ty mình phục vụ người sử dụng. Mọi người thường nói rằng Yahoo hỗ trợ nhiều dịch vụ hơn bất kỳ đối thủ nào khác, từ thông tin thời tiết, tin tức cập nhật, phim ảnh, thậm chí là cả… cung hoàng đạo của mỗi người. Trong khi đó Google chỉ tập trung vào một và chỉ một khía cạnh duy nhất: Tìm kiếm. Có thể là phũ phàng, nhưng chính sự tập trung này đã biến Google trở thành ông trùm tìm kiếm trên mạng internet.
Dĩ nhiên mục tiêu của Google cũng giống như Yahoo, đó là theo đuổi nhiều dịch vụ nhằm kiếm ra càng nhiều nguồn lợi nhuận càng tốt. Tuy nhiên cái hơn người của Google ở đây là họ chẳng bao giờ “khoe” tất cả những dịch vụ này lên trang chủ. Điều này đã giúp ích cho người sử dụng, đặc biệt là những người mới sử dụng internet không hề cảm thấy phiền toái hay khó hiểu. Thành công của Google cũng được tạo ra từ đó.
Từ đó, bài học rút ra cho những nhà thiết kế trang web đó là: Mặc dù họ có rất nhiều thứ để cung cấp cho người sử dụng, hãy cố gắng chỉ giới thiệu cho họ những gì quan trọng và đáng lưu tâm nhất, bằng không, việc lạm dụng thiết kế sẽ chỉ khiến cho người sử dụng rời xa trang web của bạn hơn mà thôi.
Tạm kết
Dĩ nhiên những hậu quả về doanh thu của hai ví dụ trên đây không thể gói gọn trong khuôn khổ một bài viết, tuy nhiên những bài học được rút ra thì cũng đã rất rõ ràng. Những nhà thiết kế web theo phong cách cổ điển đã bị gắn chặt với kiểu thiết kế hình hộp, nghĩa là gói gọn nội dung trang web trong những khuôn hình chữ nhật cố định. Trong thời kỳ web 2.0 đang trỗi dậy, cũng như trong tương lai, việc kết hợp giữa thiết kế đơn giản và hiệu quả, cùng với sự sáng tạo riêng của mỗi nhà thiết kế sẽ giúp cho các thương hiệu trên mạng internet thêm thành công với những dịch vụ họ cung cấp cho người sử dụng.