Ai là người kiếm được nhiều tiền nhất từ thị trường nhạc online?

Vinh Đặng  | 25/04/2011 12:00 PM

Dù quy tụ được hàng triệu thành viên nhưng rất nhiều dịch vụ nhạc truyến lớn vẫn thông báo lỗ hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Đã từng có rất nhiều lời đồn đại về việc phân chia thị trường nhạc online, và bao giờ thắc mắc của mọi người cũng nhằm vào việc ai trong những nhà phát hành là người nắm được nhiều thị phần và kiếm được nhiều tiền nhất.

Nếu thường xuyên chú ý đến cụm từ “nhạc bản quyền”, chắc chắn bạn sẽ biết được những hãng phát hành nhạc online nổi tiếng trên thế giới. Không khó để chúng ta ước lượng được lượt truy cập vào trang web của những hãng này. Tuy nhiên, để duy trì được sức mạnh của mình, sự nổi tiếng không phải là yếu tố quyết định, mà là tiền. Vậy trong một thị trường còn khá mới mẻ, ai là những người giỏi kiếm tiền nhất?
 
 
Ví dụ điển hình nhất cho sự thành công không ai khác là iTunes. Mặc dù không phải là nguồn thu chính của Apple, nhưng cũng thật đáng ngưỡng mộ khi biết rằng chỉ tính riêng trong năm 2008, iTunes đã mang về cho “quả táo” con số ước lượng từ 160 đến 390 triệu USD. Ban đầu chỉ được lập ra để hỗ trợ cho những sản phẩm điện tử của Apple, nhưng giờ đây với vị thế thống trị của mình trong thị trường nhạc số bản quyền, iTunes đã dần trở thành một nguồn lợi mà ngay cả Apple cũng không ngờ đến.

Mặc dù không cùng đẳng cấp với iTunes, nhưng Amazon mp3 cũng đang rất ăn nên làm ra khi trở thành một nguồn thu lớn với Amazon. Hiện Amazon mp3 đang cung cấp dịch vụ lưu trữ nhạc sử dụng công nghệ điện toán đám mây nhằm cạnh tranh với iTunes và trong tương lai là đối thủ tiềm năng Google Music.
 
 
Với hai thế lực lớn mạnh đã kể trên, không khó để chúng ta có thể hiểu được tình cảnh của những nhà phát hành khác. Chẳng hạn như Rhapsody, sau một năm tách ra từ Real Network, đây là năm đầu tiên họ công bố có lãi. Hay Pandora với 50 triệu thành viên cũng phải chịu cảnh thua lỗ nhiều năm trước khi có được những đồng lời đầu tiên trong hai quý vừa qua.

Không có được niềm vui nhỏ bé đó, rất nhiều những nhà phát hành khác vẫn phải chịu cảnh trắng tay bất chấp mọi nỗ lực của họ. Như Spotify, trong năm 2010 họ không thể thay đổi được tình cảnh hẩm hiu dù có một số lượng lớn những thuê bao trả tiền và sự giúp sức từ những nhà đầu tư.
 
Có đến 10 triệu thành viên, nhưng Spotify vẫn phải công bố con số 16.4 triệu bảng thua lỗ. Và như thế những nghệ sĩ có tác phẩm cũng chỉ kiếm được rất ít từ tiền bản quyền thu âm. Tuy nhiên, việc bước chân vào thị trường Mĩ cũng mang đến những hy vọng trong tương lai gần cho Spotify.
 
Chịu cùng cảnh ngộ với Spotify, chúng ta còn thấy những gương mặt như Grooveshark, với 5 triệu người dùng, thế nhưng tiền kiếm được từ những thuê bao trả tiền và quảng cáo vẫn không đủ trả nợ, ngay cả việc bắt tay độc quyền với Android cũng không làm thay đổi tình hình.
 
 
Bandcamp, từ một trang web nhạc miễn phí cũng chuyển sang dịch vụ trả tiền và kết quả là vẫn chưa thể có lời mặc dù họ đã tìm cách giới hạn số lượng upload miễn phí từ các ban nhạc. Trong khi đó Last.fmMyspace là những bài học đau đớn về việc đầu tư không chính xác, trong khi CBS Interactive còn có chút hy vọng mong manh khi Last.fm có khoảng lỗ giảm từ 17 triệu xuống còn 2.8 triệu USD thì Myspace khiến Robert Murdoch phải “ôm hận” khi số tiền đầu tư 580 tiệu USD của ông giờ chỉ còn đáng giá khoảng 50 đến 200 triệu USD.

Lo sợ những thành công quá lớn của iTunes có thể khiến Apple đưa ra những đòi hỏi vô lý, vì thế việc Google bước chân vào lĩnh vực nhạc số online khiến rất nhiều hãng thu âm vui mừng. Đơn giản vì kinh nghiệm của họ trong lĩnh vực kiếm tiền online. Mặc dù không bao giờ công bố, nhưng nhiều người cũng có thể hình dung ra con số khổng lồ mà Google kiếm được từ chiến lược quảng cáo với YouTube.
 
Hơn nữa, khi đã có sự cạnh tranh, chắc chắn cả hai phải làm mọi cách nâng cao chất lượng dịch vụ của mình. Có thể sau cuộc chiến về hệ điều hành điện thoại, Google và Apple sẽ có thêm cuộc chiến ở lĩnh vực nhạc số vào năm sau?
 
Tham khảo Memeburrn