Sự ra đi của “huyền thoại”, đồng sáng lập và cũng là cựu giám đốc điều hành Apple, Steve Jobs, đã để lại một chỗ khuyết lớn trên bản đồ công nghệ thế giới nói chung cũng như nước Mỹ nói riêng. Người đàn ông 56 tuổi này không chỉ đơn thuần là một nhà sáng chế hay một thiên tài công nghệ. Ông còn là một nhà cách tân theo đúng nghĩa đen, người có công biến những hệ điều hành phức tạp nhất trở nên dễ dàng sử dụng đối với phần đông người sử dụng.
Một số người đã nói, sẽ chẳng thể có Steve Jobs thứ hai. Điều này có thể đúng. Tuy nhiên vẫn còn khá nhiều tên tuổi trên vũ đài công nghệ nước Mỹ, những người đã và đang tạo những dấu ấn riêng cho chính mình thông qua những sản phẩm họ tạo ra.
Peter Thiel, nhà sáng lập PayPal
Không chỉ có công gây dựng nên một trong những cổng thanh toán trực tuyến nổi tiếng nhất thế giới, Peter Thiel còn là một nhà đầu tư chiến lược, người nắm giữ cổ phần của nhiều công ty có tầm ảnh hưởng lớn đến thế giới internet. Với việc sáng lập PayPal vào năm 1998, Peter Thiel đã tạo ra một cuộc cách tân trong việc thanh toán, trước khi bán lại công ty của mình cho eBay với giá 1,5 tỉ USD. Sau đó, Thiel đã trở thành một trong những nhà đầu tư chiến lược của Facebook khi quyết định rót nửa tỉ USD vào mạng xã hội này vào năm 2004. Vào tháng 5/2011, Peter Thiel tiết lộ về vụ đầu tư mới nhất của ông, đó là “trả tiền cho một nhóm 20 thanh niên dưới 24 tuổi để họ phát triển một công ty công nghệ của tương lai thay vì để họ học đại học”.
Cũng giống như Jobs, Thiel đã và đang đầu tư vào những ý tưởng xuất sắc nhất và đem nó đến cho tất cả mọi người trên toàn thế giới. Mới đây nhất, nền tảng thanh toán trực tuyến này cũng đã đặt một chân vào thị trường Việt Nam.
Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Facebook
Một điểm chung giữa huyền thoại quá cố Steve Jobs và chàng trai trẻ Zuckerberg, đó là cả hai cùng có khả năng tạo ra những công nghệ đáng giá những lại dễ sử dụng. Cách Facebook thâm nhập thị trường cũng giống như cái cách iPhone hay iPad tìm được chỗ đứng trong giới trẻ (phần lớn là những người dưới 30 tuổi).
Khởi đầu với ý tưởng tạo ra một môi trường kết nối những sinh viên đại học, trải qua 7 năm hoạt động, Facebook đã trở thành nơi tất cả mọi người có thể tán gẫu, cùng chơi game hay thận chí là tìm lại những ký ức xưa với
giao diện Timeline chuẩn bị được ra mắt.
Không chỉ có vậy, mạng xã hội lớn nhất thế giới cũng là một trong những nền tảng được những nhà phát triển ứng dụng hết sức quan tâm.
Sergey Brin và Larry Page, đồng sáng lập Google
Google cũng là một công ty có xuất phát điểm từ một garage để xe giống như Apple, và cũng đã trở thành một gã khổng lồ tại thung lũng Silicon. Ban đầu, những nhà sáng lập Google chỉ có một công việc duy nhất: phát triển công cụ tìm kiếm trên internet. Đến ngày hôm nay, khi nói về Google, chúng ta nghĩ đến trình duyệt web, dịch vụ thư điện tử, và thậm chí là cả HĐH cho các thiết bị di động.
Nhằm mục đích khuyến khích những ý tưởng sáng tạo, công ty này còn tổ chức Triển lãm Khoa học Toàn cầu hàng năm, nơi những ý tưởng độc đáo có cơ hội nhận được sự hỗ trợ từ chính Google cũng như nhiều ông lớn khác.
Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon.com
Trước khi tạo ra
trang bán hàng qua mạng lớn nhất thế giới, Jeff Bezos đã từng là một anh chàng bán sách. Có lẽ chính quá khứ đã truyền cảm hứng cho Bezos để ông cho ra mắt sản phẩm gây ấn tượng khá mạnh đối với công chúng: sách điện tử Amazon Kindle. Không chỉ tạo ra một thiết bị lưu trữ và đọc sách điện tử dễ sử dụng, Jeff Bezos còn tạo ra cả một cửa hàng trực tuyến khổng lồ với số lượng đầu sách lên đến hàng triệu.
Bên cạnh đó, Amazon.com cũng đã trải qua quá trình phát triển từ một trang web bán lẻ trở thành nơi mọi người có thể mua hầu hết tất cả những tựa sách, DVD hay CD nhạc. Không chỉ có vậy, dịch vụ điện toán đám mây được công ty này giới thiệu cũng cính là nền tảng phát triển thiết bị mới nhất của họ, chiếc máy tính bảng Kindle Fire.
Jack Dorsey, nhà sáng lập Twitter và Square
Quả thật, cách người sử dụng internet nhìn vào một mạng xã hội đã thay đổi hoàn toàn khi Jack Dorsey tạo ra Twitter. Tuy nhiên gần như ngay sau đó, Dorsey đã tập trung vào một dự án hoàn toàn khác. Dự án ấy ngày hôm nay được người sử dụng internet biết đến với cái tên Square, một dịch vụ thanh toán qua các thiết bị di động như iPhone, iPad hay những điện thoại sử dụng HĐH Android.