Là kẻ sinh sau đẻ muộn,
Google+ phải chịu nhiều rào cản và
áp lực từ Facebook. Trong đó có sự thách thức về ứng dụng chia sẻ ảnh đang ở vị thế số 1 của đối thủ. Đầu tiên và trên hết, Facebook đã khóa cứng khả năng chuyển các thông tin liên lạc cá nhân (contacts) và hình ảnh. Bởi vậy, cư dân của mạng buộc phải giữ nguyên hiện trạng tại đất này mà không thể copy nó sang đất khác, mà ở đây là Google+.
Từ đó khiến người dùng phải nghĩ lại. Việc gì phải up lại ảnh khi mà: Thứ nhất, không phải ai cũng đều có thể xem được ảnh bạn up vì một lý do gì đó, như không có tài khoản Google+ chẳng hạn? Thứ hai, toàn bộ các nội dung liên quan về ảnh ọt của bạn đã tồn tại sẵn trên Facebook rồi? Chưa kể đến tính năng cho phép tải lên và tải xuống hình ảnh định dạng cao của Facebook là một điểm cộng to đùng đối với hầu hết dân ghiền chụp ảnh.
Tuy vậy, Google+ vẫn có những biện pháp cạnh tranh khá là hay ho, có thể dụ được người ta quan tâm, nhằm tìm cách vượt qua mặc cảm của phận "trâu chậm uống nước đục".
+1 cho phần bình luận ảnh
Vị trí để bình phẩm đánh giá ảnh của Google+ được đặt nằm ở một bên màn hình, song song với ảnh. Trong khi Facebook Photos hiển thị chúng ở bên dưới ảnh. Tuy chỉ khác biệt một chút xíu, nhưng lại là điểm hay cho Google+ bởi người xem không cần phải kéo chuột xuống dưới – khiến cho ảnh bị nằm lại ở phía trên khuất tầm mắt. Sướng nhất là nếu tấm ảnh đó tràn hết ô hiển thị thì người xem sẽ có sẵn diện tích tầm 9-10 lời bình trước khi phải kéo chuột xuống dưới để xem tiếp.
+1 cho thông tin chi tiết của ảnh
Khi mạng xã hội trở thành điểm hẹn lý tưởng cho các nhiếp ảnh gia, thì thông tin chi tiết của ảnh cũng trở nên quan trọng hơn. Cho dù dân chụp ảnh nhà nghề không chọn Google+ làm nơi để giới thiệu các dự án hay album ảnh chuyên nghiệp của họ, thì các bức ảnh cá nhân cũng đủ để khiến họ có cảm hứng để chia sẻ tại đây.
Trong khi Facbook khiến họ phải loay hoay tìm hiểu các thông tin chi tiết quan trọng về ảnh như: loại máy chụp là gì, thiết lập ISO, độ phơi sáng, độ dài tiêu cự, độ mở ống kính được thiết lập như thế nào, thì toàn bộ thông tin này lại được thể hiện một cách đầy đủ ở Google+. Thậm chí đây nó còn là tiêu chí cần thiết hơn đối với những ai bắt đầu bước chân vào nghiệp nhiếp ảnh hay đơn giản là chỉ muốn tìm hiểu thêm về lĩnh vực này.
+1 cho trình biên tập ảnh
Ngoài điểm cộng về hiển thị thông tin chi tiết ảnh đáp ứng nhu cầu cho các “cặp mắt khó tính”, công cụ chỉnh sửa biên tập ảnh lại có giao diện thân thiện hơn với tay mơ. Dân nhiếp ảnh chuyên nghiệp tất nhiên là lúc nào cũng dùng phần mềm của riêng và chỉnh theo tay nghề của họ, và các công cụ tích hợp sẵn kiểu như Google+ thì khó lòng khiến họ đụng đến. Nhưng đối với đa phần người thông thường, đây lại là công cụ hoàn toàn miễn phí, sở hữu các tính năng cơ bản cần thiết cho việc chỉnh sửa và chia sẻ ảnh.
+1 cho giao diện trình bày ảnh
Đây có thể xem là một sự cải tiến đáng kể ở Google+ so với Facebook Photos, mặc dù cũng có thể khiến vài người dùng phải mất một ít thời gian để làm quen với nó. Kiểu thay đổi hiển thị và kích thước ảnh ở Google+ có thể nói là thú vị và trực quan hơn ở Facebook rất nhiều. Ngoài ra, tính năng kéo chuột cuộn trang sẽ cho phép người xem chuyển qua lại giữa các album, và tất cả album đều có thể nhìn thấy được hết dưới dạng thumbnail (ảnh thu nhỏ). Tuy nhiên, đây chưa phải điểm cộng mạnh lắm bởi đây cũng còn tùy sở thích mỗi người.