10 phát minh giúp con người tránh khỏi thảm họa diệt vong (Phần I)

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 24/02/2014 06:16 PM

Cùng tìm hiểu xem bằng cách nào con người đã sử dụng bộ não của mình để làm bá chủ Trái Đất.

Đây không phải là lần đầu tiên điều này được khẳng định, nhưng loài người là những sinh vật tuyệt diệu. Chúng ta đã tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau trong suốt hàng triệu năm, và không chỉ là “tồn tại”, giờ đây chúng ta đã phủ kín hành tinh này với hơn 7 tỷ dân. Chúng ta đã làm được điều đó, bất chấp việc chúng ta chỉ là những sinh vật mỏng manh yếu ớt, không đủ to lớn để dễ dàng kiếm ăn, cũng không đủ nhỏ bé để dễ dàng lẩn trốn. Chúng ta không có lớp da dày đặc để tự bảo vệ mình khỏi những bất lợi của thiên nhiên, chúng ta sẽ nhanh chóng lìa đời nếu bị cắt nguồn cung cấp nước sạch và thực phẩm, chúng ta rất dễ dàng bị phơi nhiễm với các mầm bệnh.

10 phát minh giúp con người tránh khỏi thảm họa diệt vong (Phần I) 1

Điều gì đã khiến chúng ta đạt được vị trí như ngày hôm nay? Thời điểm chúng ta không phải dành mỗi phút giây trong cuộc sống lo nghĩ về việc liệu chúng ta có còn sống được đến ngày mai? Đó chính là bộ não, thứ giúp con người có khả năng trải nghiệm, tưởng tượng và nảy ra những cách thức giúp giải quyết những vấn đề mang tính chất sinh mệnh với cả một chủng tộc. Danh sách những phát minh này có lẽ sẽ kéo dài đến vô tận, nhưng hãy cùng điểm qua những thứ mà nếu không có chúng, hẳn giờ đây loài người đã có một tương lai hoàn toàn khác, u ám hơn rất nhiều.

Bánh xe

Câu thành ngữ “No need to reinvent the wheel” – không cần tái phát minh ra bánh xe mang hàm nghĩa rằng giải pháp luôn tồn tại song hành cùng với rắc rối, nhưng nó cũng đồng thời đề cập đến vai trò của bánh xe. Liệu loài người có còn tồn tại được đến hôm nay, nếu không có phát minh này?

Những nhà khảo cổ học, cho đến nay vẫn tranh cãi về thời điểm bánh xe lần đầu tiên được chế tạo ra. Bằng chứng sớm nhất cho thấy sự có mặt của bánh xe trong lịch sử nhân loại xuất hiện vào khoảng năm 3500 trước công nguyên tại vùng đồng bằng Lưỡng Hà, nhưng nó lại cho thấy, tại thời điểm này, bánh xe được dùng vào việc chế tác đồ gốm chứ không phải là một công cụ phục vụ cho việc di chuyển. Phải mất đến 300 năm sau, người Lưỡng Hà mới nhận ra rằng nó cũng có thể giúp họ đi lại, vận chuyển nhanh hơn và tốn ít công sức hơn.

10 phát minh giúp con người tránh khỏi thảm họa diệt vong (Phần I) 2

Bánh xe phát triển qua khá nhiều giai đoạn, khởi đầu bằng việc sử dụng những khúc gỗ mới đốn hạ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển, cho đến việc thay các trục lăn bằng các bánh xe quay xung quanh trục xe. Đến năm 2000 trước công nguyên, khi cỗ xe ngựa lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử (người Ai Cập cổ đại), chỉ đến khi đó bánh xe mới được tinh chỉnh để trở nên bền và nhẹ hơn thủy tổ của nó rất nhiều.

Vai trò của bánh xe vẫn nguyên vẹn cho đến ngày nay. Những thiết bị hiện đại vẫn tiếp tục sử dụng phát minh này, theo nhiều cách khác nhau: xe đạp, xe máy, ô tô, đồ chơi, máy quay phim, đồng hồ đeo tay và nhiều hơn thế nữa.

Lưỡi dao

Rõ ràng, bánh xe là một phần không thể thiếu trong lịch sử nhân loại, nhưng bạn không thể dùng nó đi săn lợn rừng cùng với những người cổ đại. Dùng bánh xe để đánh tay đôi với sư tử là chuyện quá sức khó khăn, còn dùng nó để tiếp tục lột da, moi tim, xẻ thịt có lẽ là chuyện bất khả thi.

10 phát minh giúp con người tránh khỏi thảm họa diệt vong (Phần I) 3

Đó là lý do tại sao họ phát minh ra lưỡi dao – cùng những biến thể của nó như kiếm, rìu, lưỡi hái…Một phát minh thực sự đột phá, giúp loài người tồn tại qua những thời điểm khắc nghiệt nhất. Rất nhiều thứ bạn có thể làm với một lưỡi dao: săn bắn, xẻ thịt, lột da giúp sưởi ấm, đốn hạ cây rừng, bảo vệ bản thân khỏi thú dữ, và tất nhiên, cả những đồng loại của mình.

Thậm chí ngay từ trước khi phát minh ra lưỡi dao, những người cổ đại đã sử dụng những viên đá sắc nhọn nhằm mục đích tương tự. Những bằng chứng khảo cổ học gần đây tại Ehiopia cho phép khẳng định rằng, loài người đã sử dụng chúng từ khoảng 3.4 triệu năm trước đây.

Quần áo

Trải qua quá trình tiến hóa, loài người đã dần mất đi bộ lông bảo vệ bên ngoài. Rõ ràng, làn da trần trụi có lẽ sẽ hợp thời trang hơn so với một cơ thể đầy lông lá, nhưng đó không phải là nguyên nhân chính. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, sự thay đổi này diễn ra vào khoảng 1 triệu năm trước, và đó là cơ chế giúp thải nhiệt tốt hơn.

Đi cùng với đó là sự đe dọa lớn hơn đến từ môi trường bên ngoài, và đây cũng chính là lý do chúng ta phát minh ra quần áo. Rất khó xác định chính xác thời điểm loài người bắt đầu phủ lên mình thứ gì đó. Da động vật không phải là một gợi ý hay, vì chúng rất dễ phân hủy.

10 phát minh giúp con người tránh khỏi thảm họa diệt vong (Phần I) 4

Nghiên cứu gần đây thuộc đại học Florida cho thấy, quần áo đã bắt đầu xuất hiện vào khoảng 83.000 đến 170.000 năm về trước – trùng với kỷ băng hà. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta đã hoàn toàn trần như nhộng trong vài chục, thậm chí vài trăm nghìn năm. Nhưng dù sao phát minh này cũng đã xuất hiện đúng lúc (hoặc đó chính là khả năng thích nghi tuyệt với của loài người). Không có thứ gì để sưởi ấm, hẳn toàn bộ loài người đã chết dưới cái lạnh của kỷ băng hà.

Nhà ở

Giờ đã có trong tay bánh xe, dao kiếm và quần áo, bạn sẽ làm gì với tất cả những thứ đó? Thực ra là bạn sẽ chết trước khi kịp làm bất cứ điều gì. Bạn cần thêm một (hoặc một vài) đột phá khác để sống sót tại thời điểm này.

Đó chính là một chỗ trú ẩn. Thực tế, đây hoàn toàn không phải là một thứ gì mới mẻ. Nó cũng chẳng phải phát minh của loài người – chúng ta cũng như bất cứ loài động vật nào khác, để tồn tại, chúng ta bắt buộc phải có một chỗ trú ẩn. Với người tiền sử, đây là những lựa chọn hàng đầu: làm tổ trên cây, hoặc chui rúc vào những hang động.

10 phát minh giúp con người tránh khỏi thảm họa diệt vong (Phần I) 5

Cho đến khoảng 2.6 triệu năm trước, đã có những dấu vết cho thấy, loài người đã bắt đầu thu thập thức ăn và công cụ, tiến hành xây dựng nơi ẩn náu cạnh những nơi gần an toàn và gần nguồn nước. Khoảng 800.000 năm trước, chúng ta đã bắt đầu sử dụng lửa để dựng lên một “tổ ấm” đúng nghĩa. Nhưng bằng chứng xác thực về nơi trú ẩn thực sự được dựng lên bởi con người mới chỉ tồn tại cách đây khoảng 400.000 năm, chính xác là tại Terra Amata, Pháp. Bằng cách này, chúng ta đã có thể chống chọi với mọi mối đe dọa đến từ thú dữ và thời tiết ngày một trở nên khắc nghiệt.

Hệ thống xử lý chất thải

Phát minh này nằm gần thời kỳ của chúng ta hơn một chút so với những gì được đề cập ở đầu bài viết. Khi tờ tạp chí British Medical Journal đặt câu hỏi mở với một nhóm những chuyên gia và một số độc giả về việc, phát minh nào là vĩ đại nhất trong số những phát minh đã ra đời trong 150 năm qua, chính hệ thống xử lý rác thải đã vượt qua kháng sinh và kỹ thuật gây mê để vượt lên vị trí số 1.

10 phát minh giúp con người tránh khỏi thảm họa diệt vong (Phần I) 6

Việc cải tổ hệ thống xử lý chất thải diễn ra cách đây không lâu. Khi dòng sông Thames đã bị ních chặt phân, nước tiểu, và đường phố London ngập tràn những chất ô nhiễm chưa được xử lý, Edwin Chadwick, cựu luật sư và phóng viên đã quyết định xây dựng lên một hệ thống giúp giải quyết triệt để tình trạng trên. Phẩy khuẩn tả, rickettsia và cúm, những thứ bắt nguồn từ đống rác thải này cần phải được loại trừ triệt để.

Chadwick phác thảo ra một hệ thống lọc, xử lý các chất thải, cùng với các đường cống ngầm giúp chất thải được xử lý trước khi đổ ra ngoài. Cho đến tận ngày nay, hệ thống này vẫn chưa được áp dụng trên toàn cầu. Gần 1 tỷ người – 15% dân số thế giới vẫn dùng hệ thống cầu tiêu mở, và 2.4 tỷ người vẫn dùng các phương tiện vệ sinh chưa được cải tiến.

(Còn tiếp)