10 nét văn hóa sử dụng Facebook có thể bạn không biết (Phần 1)

Hồng Phượng  | 28/04/2011 12:00 PM

Facebook từ lâu đã trở thành "món ăn tinh thần" không thể thiếu đối với cư dân mạng Việt Nam nhưng còn đó là những văn hóa sử dụng mà ít ai biết

Nhắn tin mật thay vì viết lên “tường”
 
Ngay cả khi là người hướng ngoại và muốn cho mọi người biết tất cả những bí mật thầm kín của mình trên Facebook, bạn cũng nên nhớ rằng những người khác có thể sẽ không làm điều tương tự. Chẳng hạn, sẽ không nhiều người cảm thấy thoải mái nếu bạn “bô bô” với người khác rằng hôm qua, bạn với họ đã làm những gì, ở đâu, mấy giờ; hoặc những vấn đề thuộc về riêng tư mà chỉ những người bạn thân mới chia sẻ cho nhau.
 
Ông cha thường nói “tai vách mạch rừng” và điều này đặc biệt đúng với “tường Facebook”. Và để tránh những rắc rối không đáng có, tốt hơn cả là bạn nên giữ những câu chuyện mang tính riêng tư đằng sau “cánh cửa được khóa kín” như hệ thống tin nhắn mật (Private Message) trên mạng xã hội đông dân nhất hành tinh này.
 
Cẩn trọng với những gì mình muốn truyền tải
 
Khi danh sách bạn bè của bạn có hàng trăm hay thậm chí hàng nghìn người, điều đó có nghĩa là họ đến từ nhiều nơi khác nhau, làm nhiều nghề nghiệp không giống nhau, đức tin, tính cách... Cập nhật status với một câu nói chung chung có thể chẳng ảnh hưởng gì tới bạn, nhưng đối với người khác, họ sẽ “tiếp nhận” điều đó ở các góc độ khác nhau.
 
 
Ví dụ bạn chia sẻ một bài hát của nhóm nhạc/ca sĩ nào đó và tỏ ý chê bai; những người khác trong danh sách bạn bè (vốn là fan hâm mộ của ca sĩ/nhóm nhạc đó) sẽ trông thấy. Ngay lập tức, họ sẽ cho rằng bạn đang “chĩa mũi dùi” vào thần tượng của họ. Những góp ý, tranh cãi về khái niêm hay – dở nổ ra là điều không thể tránh khỏi. Bạn hẳn là sẽ mất thời gian nếu tham gia đối đáp lại người bạn kia mà kết quả đúng – sai lại chẳng mang nhiều ý nghĩa.
 
Dĩ nhiên, việc sử dụng Facebook sẽ chẳng còn vui nữa nếu ta cứ phải xét nét từng câu chữ khi viết ra nhưng dù sao, chúng ta vẫn nên cẩn trọng với những gì mình muốn chia sẻ, tránh đụng chạm tới nhiều người.
 
Gọi điện thay vì đăng tải tin trên tường
 
Thêm một vấn đề khác về văn hóa sử dụng wall trên Facebook mà đa số nhiều người đều phạm phải. Nếu bạn muốn thông báo cho bạn bè hoặc người thân trong gia đình đang ở xa một vấn đề (chẳng hạn sự qua đời của ai đấy), bạn chớ nên đăng tải thông tin trên tường của mình.
 
Như tác giả từng chứng kiến một “vụ” dở khóc dở cười khi cậu bạn chia sẻ trên Facebook: “Ông ngoại đã mãi mãi ra đi”. Với những người tế nhị, họ sẽ để lại những lời an ủi, mong cậu bạn sẽ sớm vượt qua được nỗi buồn mất mát; nhưng cũng có người... ấn nút “Like”. Chuyện thật mà tưởng như đùa!
 
 
Có thể, độc giả sẽ vội trách những “người bạn” vô duyên kia nhưng trước khi nghĩ đến họ, hãy trách cậu bạn đã quá “vô tư” tiết lộ về cuộc sống của mình. Ở trường hợp này, văn hóa sử dụng wall trên Facebook cũng đôi chút liên quan mật thiết tới lời khuyên thứ 2 trong bài viết, các bạn độc giả hãy lưu ý.
 
Lí do khác để bạn dừng lại việc chia sẻ đời tư quá nhiều trên Facebook là đánh giá của người khác về phép lịch sự. Tương tự như việc không sử dụng tin nhắn, điện thoại, bạn không nên chia tay với người yêu của mình trên Facebook. Nhưng nếu vẫn muốn thay đổi tình trạng quan hệ của mình (relationship status), bạn nên xóa nó đi trước khi ai đó nhìn thấy. Tôn trọng đối phương có nghĩa là bạn đã tôn trọng chính mình.
 
Trả lời các bình luận, đặc biệt khi chúng là những câu hỏi
 
Khi bạn chia sẻ một status mới, những người bạn sẽ để lại bình luận và ấn nút “Like”. Và có lẽ, bạn nên làm điều gì đó để họ biết rằng bạn đã đọc những gì họ viết; đặc biệt là khi bạn bè đặt câu hỏi những vấn đề liên quan đến status mới. Dĩ nhiên, tác giả không khuyên bạn “phải” làm điều này, nhưng đưa ra phản ứng của mình về câu hỏi của họ, cho dù chỉ một vài lần là điều rất đáng ghi nhận.
 
Nếu bạn cứ lơ họ đi suốt, họ sẽ cảm thấy không thoải mái, như thể đang độc thoại trên tường nhà bạn vậy. Và thế là họ sẽ chẳng bao giờ ghé thăm Facebook của bạn nữa. Nhưng nếu bạn cho rằng điều này cũng chẳng ảnh hưởng gì tới mình thì có lẽ bạn nên “remove” họ khỏi danh sách bạn bè đi luôn còn hơn. Bạn bè có nghĩa là chia sẻ từ cả hai phía, đơn giản là vậy.
 
Tránh để lại bình luận ở tất cả các chia sẻ của người khác
 
Nếu bạn đang theo dõi bạn của mình thì hãy làm nó một cách âm thầm, chớ nên tạo ra thói quen bình luận mọi thứ họ chia sẻ; nếu không họ sẽ có nghi ngờ. Ngay cả khi bạn nói với tất cả tính chân thật rằng bạn không hề theo dõi họ những khó mà tránh được những hoài nghi khi bất cứ thông tin mới nào về họ, bạn đều có mặt và đưa ra ý kiến.
 
 
Có một bí mật rằng chúng ta cũng thường “kiểm tra” Facebook của bạn bè nhưng nếu cứ bình luận một cách hăng hái về mọi thứ thì nó có nghĩa là bạn liên tục theo dõi họ. Điều tệ hơn là những người khác cũng thấy hành động của bạn, giả như người yêu của cô bạn/cậu bạn đó. Từ vị trí bình thường, bạn sẽ sớm bị gán cho danh hiệu “kẻ phiền nhiễu”. Vậy nên hãy tìm cách giới hạn bình luận của mình ở một mức nào đó.
 
Chú ý bên lề: Hãy cẩn thận với giọng điệu của mình
 
Hầu hết các cách giao tiếp trực tuyến trên Facebook là trao đổi dạng chữ. Chúng ta không thể nghe được giọng nói hay "chứng kiến" ngôn ngữ hình thể của những người bạn lúc đó. Có nghĩa là mọi người rất dễ hiểu nhầm giọng điệu của bạn, cho rằng nó thật mỉa mai trong khi bạn không hề như thế, hay đánh giá sai lệch về tư cách cá nhân chỉ vì một vấn đề nào đó. Mỗi người đều có cho mình một ngữ điệu riêng để phức tạp hóa mọi thứ.
 
Một cách chúng ta có thể dùng để bù lại sự khó khăn khi diễn đạt ý tưởng là dùng các biểu tượng (emoticon). Tuy có đôi chút hạn chế nhưng kinh nghiệm cho thấy một mặt cười xuất hiện ở cuối câu có thể làm giảm bớt tính căng thẳng. Hãy mỉm cười và cả thế giới sẽ làm điều tương tự với bạn.
 
Còn tiếp - Tham khảo: Hongkiat