Hướng dẫn toàn tập dành cho người mới muốn đến với Vũ trụ "Gundam" (P2)

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 27/08/2016 0:00 AM

Bỏ lại dòng thời gian của Vũ trụ Universal Century, tất cả những series “Gundam” khác đều mở ra một dòng thời gian cho riêng mình, đơn giản hơn khi thường chỉ kéo dài được từ 1 – 2 bộ anime là cùng.

Được lên sóng lần đầu ở năm 1979 và trở thành một hiện tượng ở Nhật Bản, “Mobile Suit Gundam” (tên gốc: “Kidou Senshi Gundam”) là một trong những thương hiệu anime dài hơi nổi tiếng nhất, quy mô nhất cho tới ngày hôm nay, với hơn tá series TV, phim dài, OVA và đủ thứ khác. Với rất nhiều cốt truyện chia rẽ thành nhiều cột mốc thời gian hay vũ trụ riêng biệt, mọi thứ đều sẽ trở thành một trở ngại không nhỏ để người mới khởi đầu theo dõi.

Do đó trong bài viết này, ta sẽ đến với một bảng hướng dẫn toàn tập để định hướng các bạn đang muốn đến với Vũ trụ “Gundam”, và cảm nhận từ cá nhân tác giả về mỗi series:

(Lưu ý rằng ý kiến trong bài là của cá nhân tác giả dành cho người mới, chứ thực tế là fan thì bất kỳ series nào, movie nào có chữ “Gundam” là cũng sẽ cố xem cho bằng hết ấy mà)

Bỏ lại dòng thời gian của Vũ trụ Universal Century, tất cả những series “Gundam” khác đều mở ra một dòng thời gian hay vũ trụ cho riêng mình, đơn giản hơn khi thường chỉ kéo dài được từ 1 – 2 bộ anime là cùng. Vì vậy, chúng đôi khi rất khác biệt về cách thức khai thác nội dung, khái niệm thế giới hay thuật ngữ so với những series trực thuộc UC và cũng thường có những nhóm fan ruột của riêng mình tùy thuộc theo giai đoạn được lên sóng. Về cơ bản, người mới có thể xem những series bên dưới đây mà không cần có kiến thức sẵn về “Gundam”:

Mobile Fighter G Gundam – Future Century (1994)

Sau khi “Victory Gundam” không nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt và cho thấy sự hụt hơi của Vũ trụ UC, hãng Sunrise đã tiến hành làm mới thương hiệu của mình, thử nghiệm ý tưởng hoàn toàn khác biệt. “Mobile Fighter G Gundam” chính là series TV đầu tiên được phát hành trong thời đại đổi mới, nó có thể coi là “hàng độc” so với mọi series khác khi không tập trung về chiến tranh diện rộng nữa mà tập trung chủ yếu vào những cuộc quyết đấu tay đôi, kết hợp nhiều yếu tố võ thuật và sức mạnh phi thường của người lái.

Người mới nên xem hay không? Có lẽ bởi vì nó hoàn toàn khác biệt với những series “Gundam” khác, hoặc bạn sẽ vô cùng thích nó hoặc bạn sẽ vô cùng ghét nó. Bản thân tác giả rất thích series này bởi vì độ “manly” và hóa thân “super saiyan” của dàn nhân vật chính.

After Colony

Vũ trụ After Colony bao gồm series truyền hình “Mobile Suit Gundam Wing” và 3 tập OVA nối tiếp của nó mang tên “Endless Waltz”. Ở kỷ nguyên này, các khu thuộc địa ngoài không gian đã bị chèn ép bởi chính quyền Trái Đất trong suốt quãng thời gian dài. Mệt mỏi vì bị đẩy qua đẩy lại, 5 nhà khoa học đã quyết định xây dựng ra 5 Gundam và gửi chúng về Trái Đất để đáp trả.

Mobile Suit Gundam Wing (1995)

“Mobile Suit Gundam Wing” là series truyền hình chính về thời đại After Colony với thiết kế khá hiện đại và bắt mắt. Trong khi series này chỉ thành công ở mức vừa vừa tại Nhật Bản, nó lại cực kỳ nổi tiếng ở Mỹ và giúp phổ biến thương hiệu “Gundam” sang đối tượng khán giả phương Tây. Đây có thể được coi là series truyền hình nổi tiếng nhất của thập niên 90’.

Người mới nên xem hay không? Không bởi thực tế là nó có cốt truyện và hệ thống nhân vật yếu, mặc cho thiết kế 5 mẫu Gundam chính tỏ ra hấp dẫn.

Mobile Suit Gundam Wing: Endless Waltz (1997)

Nối trực tiếp theo nội dung của “Gundam Wing” truyền hình, đưa ra một loạt mẫu Gundam mới và một cuộc xung đột mới, đồng thời hé lộ thêm chút thông tin về bối cảnh quá khứ của 5 nhân vật chính.

Người mới nên xem hay không? Không bởi bạn cần xem series truyền hình thì mới hiểu nội dung phần nối tiếp này.

After War Gundam X – After War (1996)

“After War Gundam X” mở ra một chủ đề mới cho thương hiệu “Gundam” nói chung là: hậu thảm họa Gundam. Cuộc chiến ở dòng thời gian này vốn đã đến và kết thúc, Trái Đất giờ đây giống như một vùng đất hoang, nhưng một đống vũ khí quân sự vẫn lưu lại để những cư dân sống sót tận dụng. Mặc dù có nội dung lạ, nhưng series này được khán giả Nhật Bản đánh giá rất kém, phải cắt ngắn so với dự kiến ban đầu vì tỷ lệ người xem thấp.

Người mới nên xem hay không? Có lẽ bởi series này có một vài nhân vật dễ mến, cộng thêm Gundam có vũ khí siêu mạnh, nhưng bỏ qua cũng không mất gì.

Turn A Gundam – Correct Century (1999)

“Turn A Gundam” là một dự án đặc biệt để kỷ niệm 20 thương hiệu của hãng Sunrise. Nội dung của nó kể về cuộc xung đột giữa con người trên Trái Đất và con người sống trên Mặt Trăng trong tương lai. Phe Mặt Trăng chiếm lợi thế vì sở hữu công nghệ quân sự mạnh hơn, cho tới khi một anh hùng bất đắc dĩ tìm ra một Gundam và trở thành tuyến phòng ngự mạnh nhất của Trái Đất.

Người mới nên xem hay không? Có bởi nó có phong cách hình ảnh và âm nhạc rất nghệ thuật, nội dung hay và đặc sắc, được nhiều người đánh giá là một trong những series xuất sắc nhất.

Cosmic Era

Thêm một Vũ trụ “Gundam” khác có dòng thời gian kéo dài ra hai series truyền hình chính bao gồm “Mobile Suit Gundam SEED” và “Mobile Suit Gundam SEED Destiny”. Dòng thời gian này vay mượn rất nhiều yếu tố từ dòng thời gian UC kinh điển, đồng thời sử dụng phong cách thiết kế hình ảnh hiện đại hơn hẳn, màu sắc tươi sáng kết hợp âm nhạc hay để lôi cuốn lượng khán giả thế hệ trẻ thế kỷ 21.

Mobile Suit Gundam SEED (2002)

“Mobile Suit Gundam SEED” là series mở đầu của dòng thời gian Cosmic Era, giới thiệu cho người xem hàng loạt khái niệm quan trọng của thời đại này cũng như dàn nhân vật chính xuyên suốt, và cả những thế lực quân sự chính tham gia vào cuộc xung đột. Nguồn gốc cho mọi vấn đề của thời đại này chính là sự phân chia nhân loại thành hai thành phần, một bên người thường “tự nhiên” và một bên con người được thay đổi gen ưu việt hơn gọi là “Coordinator”.

Người mới nên xem hay không? Có lẽ bởi đây là một trong những series “Gundam” nổi tiếng nhất Nhật Bản và là “tình yêu đầu” của không ít fan thế hệ mới.

Mobile Suit Gundam SEED Destiny (2004)

“SEED Destiny” có bối cảnh diễn ra 2 năm series “SEED”, đón chào sự trở lại của hàng loạt nhân vật cũ đồng thời giới thiệu ra hàng loạt nhân vật mới. Khán giả cần xem “SEED” để có thể hiểu được hoàn toàn nội dung của phần này, để rồi lại băn khoăn rằng đâu mới là nhân vật chính hẳn hay chứng kiến sức mạnh phi lí đến vô đối của họ.

Người mới nên xem hay không? Không bởi “SEED Destiny” là minh chứng điển hình của chuyện “cái gì thành công” thì ta cứ làm tiếp, cho dù bộ này cũng rất nối tiếng như người tiền nhiệm của nó.

Mobile Suit Gundam SEED C.E. 73: Stargazer (2006)

Một bộ OVA ngắn kéo dài 3 tập có nội dung tập trung vào một nhóm nhân vật phụ bên lề của cốt truyện “Gundam SEED Destiny”.

Người mới nên xem hay không? Không bởi nó hầu như không liên quan tới cốt truyện chính.

MSV: Astray (2006)

Hai tập ngắn 5 phút đính kèm với “Stargazer”.

Người mới nên xem hay không? Không bởi quá ngắn, chả có gì đã hết.

Mobile Suit Gundam 00 - Anno Domini (2007)

Dòng thời gian của Vũ trụ “Anno Domini” (viết tắt: AD) tương tự như bộ lịch của chúng ta ngoài đời, series chính ở đây là “Mobile Suit Gundam 00”. Đây là series đầu tiên được chia thành hai mùa tách biệt với một số điểm tương đồng “Gundam Wing” về cách xây dựng cốt truyện, hệ thống nhân vật chính. Mặc dù có khởi đầu rất hứa hẹn với cốt truyện li kỳ và thiết kế Gundam đẹp, nhưng series này càng về sau càng xuống dốc. Tuy nhiên nó vẫn đạt đủ thành công để cho ra đời thêm một tập phim dài có tên “Mobile Suit Gundam 00 The Movie: A Wakening of the Trailblazer” ở năm 2010.

Người mới nên xem hay không? Có lẽ nếu bạn muốn xem hành động tưng bừng với thiết kế Gundam rất ấn tượng, chứ thực ra cốt truyện của nó bị đi quá xa thực tế ban đầu.

Mobile Suit Gundam AGE – Advanced Generation (2011)

“Mobile Suit Gundam AGE” có cốt truyện được chia thành nhiều chương, kéo dài trong suốt phân nửa thế kỷ. Series này xoay quanh một cuộc chiến liên hành tinh diễn ra trong nhiều năm, với mỗi chương là một cốt truyện khác đến từ một thế hệ thành viên trong cùng một gia đình. Khi mới công bố, series này rất được fan chú ý bởi có sự tham gia của hãng game Level-5 trong khâu thiết kế nhân vật và cốt truyện. Tuy nhiên với cách xây dựng cốt truyện tách biệt thành nhiều chương và không thực liên kết, fan nhanh chóng có nhiều tranh luận trái chiều về mỗi giai đoạn.

Người mới nên xem hay không? Không bởi lẽ người mới sẽ cảm thấy rất rối khi bắt đầu một series cốt truyện trải dài kiểu này.

Gundam Reconguista in G - Regild Century (2014)

“Gundam Reconguista in G” là series để kỷ niệm 35 năm thương hiệu và có chia sẻ một vài yếu tố tương tự “Turn A Gundam”. Tuy nhiên bộ này không đạt được thành tựu tốt, bởi nó cốt truyện rất khó hiểu, có đôi chút dính dáng đến những series trước nên khiến người xem mới bị rối. Mặc dù có thiết kế hết sức đặc sắc và mang tới một diện mạo mới mẻ, nhưng dường như nó cố gắng làm quá nhiều thứ trong một thời lượng quá ngắn.

Người mới nên xem hay không? Không bởi người mới sẽ rất khó hấp thụ series này, fan lâu năm thì có thể chịu được.

Mobile Suit Gundam: Iron-Blooded Orphans – Post Disaster (2015)

Đây là series mới của thương hiệu “Gundam” (chưa kết thúc) và chuẩn bị tiếp tục mùa thứ 2 trong tháng 10 tới. “Iron-Blooded Orphans” quay trở lại với kiểu cốt truyện nghiêm túc, có không ít cảnh máu me bạo lực xảy ra ở bối cảnh con người đã “thuộc địa hóa” được Sao Hỏa, dẫn đến một thế hệ dân số mới được sinh ra và lớn lên trên hành tinh đỏ. Series này đang nhận được sự tán dương và đánh giá rất tích cực của cả fan hâm mộ lẫn giới phê bình bởi chủ đề tăm tối, động chạm tới nhiều vấn đề của xã hội thực như binh lính trẻ em, nô lệ, xung đột giành quyền độc lập.

Người mới nên xem hay không? Có bởi nó cốt truyện tốt và hấp dẫn, tuyến nhân vật dễ mến và hành động chân thực.

Dòng thời gian khác (Vũ trụ của khán giả)

Hiện nay có duy nhất một dòng thời gian “Gundam” là có bối cảnh diễn ra ở cùng vũ trụ “thực” với người xem, xê dịch một chút vào tương lai và kết hợp một số yếu tố viễn tưởng. Vốn có khởi điểm từ “Model Suit Gunpla Builders Beginning G” với mục đích kỷ niệm 30 ra đời của các món đồ chơi Gunpla, ý tưởng này đã được phát triển hẳn thành một series truyền hình có tên “Gundam Build Fighters” và rồi đạt được thành công bất ngờ, giúp các series sequel được ra đời.

Gundam Build Fighters (2013)

Khán giả có thể bắt đầu dòng thời gian này với "Gundam Build Fighters" để hiểu khái quát về thế giới quan và hệ thống nhân vật, lẫn cơ chế đấu Gunpla ở đây.

Người mới nên xem hay không? Có bởi nó mang nội dung nhẹ nhàng, gần gũi đời sống thực, mở mang kiến thức chơi Gunpla cho người xem. Tuy nhiên, ta cần có hiểu biết về những series “Gundam” thời xưa để cảm nhận tốt nhất.

Gundam Build Fighters Try (2014)

Có bối cảnh diễn ra ở thời điểm 7 năm sau của người tiền nhiệm, series này mang tới một loạt nhân vật mới cùng sự trở lại của một số nhân vật cũ, tập trung vào hình thức thi đấu 3vs3 thay vì 1vs1.

Người mới nên xem hay không? Có bởi nó duy trì được tinh thần của series trước cho dù không còn thực mới lạ nữa.

Gundam Build Fighters Try Island Wars (2016)

Tập đặc biệt nối trực tiếp theo "Try" vừa lên sóng ngày 21 tháng 8 năm 2016.

Người mới nên xem hay không? Có nếu đã xem "Try".

Hướng dẫn toàn tập dành cho người mới muốn đến với Vũ trụ "Gundam" (P1)