- Theo Helino | 08/03/2018 0:00 AM
Giống hệt như PUBG hay sau này là Fortnite Battle Royale, Hunt Showdown, tác phẩm của Crytek là một tựa game mới toanh khám phá một hướng gameplay multiplayer mới mẻ và lạ lẫm đối với bất kỳ game thủ nào vốn đã quen với game bắn súng cổ điển. Vẫn là bản đồ thế giới mở y hệt như PUBG, nhưng cách triển khai của Hunt Showdown lại có phần độc đáo rất riêng, chưa từng có một tựa game nào làm được trong quá khứ. Kết quả là, chúng ta có một game online vô cùng ấn tượng từ hình ảnh cho đến ý tưởng gameplay.
Cơ chế của Hunt Showdown rất đơn giản: Bạn, trong số 9 người chơi khác trên bản đồ, được chia thành 5 đội coop hoặc 10 người chơi solo, và được spawn ở những góc random của bản đồ game rất rộng, ước chừng bằng 1/4 cả map Erangel của PUBG. Mục tiêu của bạn rất đơn giản, dùng kinh nghiệm, vật phẩm và vũ khí để dò tìm con quái vật "trùm" của cả màn chơi, hạ gục nó, lấy "thủ cấp" (như ông anh của tôi hay mô tả một cách hài hước) và thoát khỏi bản đồ một cách an toàn.
Nghe thì dễ, nhưng cái gì viết ra bằng lời cũng đều dễ hết. Làm thì mới khó.
Cùng lúc, Hunt Showdown là một game PvP và PvE song song với nhau, thứ mà cả PUBG lẫn Fortnite Battle Royale đều không làm được. Vì bản đồ thì rộng nhưng cả map thì chỉ có 10 người, nên những cái xác không hồn nhưng khát máu xuất hiện đầy bản đồ. Và thế là đôi khi bạn không còn quan tâm hay lo lắng gì chuyện những người chơi khác "cướp" mất bounty nữa, bạn chỉ lo đến việc làm sao vượt qua hàng đàn quái vật ghê rợn một cách an toàn để yên phận hạ gục Butcher hoặc Spider, hai Bounty duy nhất có trong game ở thời điểm hiện tại.
Chỉ cần đứng quá gần, hay lỡ tay nổ súng, hoặc khiến một con zombie nổi điên, bạn sẽ có thể rơi vào trường hợp khóc dở mếu dở vì đạn đã ít quái thì vừa đông vừa hung hăng. Ấy là chưa kể đến những con Armored giáp dày như xe tăng bắn hết đạn chưa chắc đã gục nếu không biết cách tiêu diệt, hay The Hive với đàn côn trùng độc kể cả bạn có chạy thì cũng bị đuổi. Chưa có một tựa game sinh tồn hành động nào tạo ra được cảm giác sợ hãi và dạy cho người chơi biết sợ như Hunt Showdown cả.
Đến đây, có thể nói Hunt Showdown hấp dẫn hơn PUBG, đồ họa đẹp hơn và như một lẽ đương nhiên, giống như Thứ 6 Ngày 13, cảm giác kinh dị cũng khiến bạn như bị kéo vào tựa game này. Nhưng thay vì tập trung tạo ra một trải nghiệm gameplay ấn tượng, tiếc thay, sự cuốn hút của game không tồn tại được lâu khi cái kết của gameplay đến quá sớm, và lối chơi thì không có sáng tạo, đổi mới.
Bằng chứng là, nếu PUBG hay Fortnite có White Zone, vùng an toàn bắt người chơi phải di chuyển vào bên trong mới có thể sống sót chiến đấu tiếp, thì Hunt Showdown chỉ bắt bạn đi đến những điểm dò tìm bằng chứng để đánh dấu vị trí của boss, từ đó hạ gục nó và lấy bounty. Còn lại lựa chọn chơi ra sao, thoát ra như thế nào tùy thuộc vào bạn, vì bản đồ không thu hẹp dần như những tựa game khác.
Ấy là chưa kể nếu đủ may (hoặc cũng có thể là không may), bạn sẽ gặp luôn con trùm đang nấp trong một căn nhà chứa rơm hoặc chuồng ngựa nào đó mà không cần tìm kiếm manh mối như Monster Hunter World. Thay vào đó game bắt bạn tập trung vào vấn đề sinh tồn nhiều hơn khi rải rác khắp bản đồ là những hòm đạn hay first aid kit để hồi máu trước khi bước vào cuộc chiến với boss. Và thế là trong những tình huống như vậy bạn có thể sẽ cảm thấy hơi hụt hẫng vì game hơi dễ quá, hoặc giật mình nảy khỏi ghế vì đang yên lành từ trên trời rơi xuống đúng cái nhiệm vụ bạn phải hoàn thành.
Để tăng phần kịch tính, sau khi hạ gục Butcher hay Spider, bất luận bạn làm gì, sau khi nhận bounty để thoát khỏi màn chơi bằng cách đi bộ, 8 hoặc 9 đối thủ khác nếu còn sống đều biết chính xác bạn ở đâu trên bản đồ. Và game đến đây mới thực sự cuốn hút. Đối mặt với những đối thủ AI không bao giờ căng thẳng và cần nhiều chất xám như lúc hack não đối thủ là người thật, giống hệt như trong PUBG vậy. Việc bạn chọn thoát ra ở cửa nào của màn chơi, chọn hạ gục boss hay ngồi chực sẵn ở cửa ra để "cướp cạn" bounty của đối phương và nhận chiến công về cho mình cũng là điều vô cùng quan trọng.
Thậm chí, nếu để nhân vật trong game tử vong, mọi trang bị bạn đã mua sau khi thuê gã thợ săn trước đó sẽ biến mất hoàn toàn, chỉ còn lại rank của mỗi nhân vật mà thôi. Điều này có nghĩa là, bất luận bạn mắc sai lầm nào trong game, cả những người chơi khác lẫn quái vật do máy điều khiển đều sẽ trừng phạt bạn theo cách không thể nào sửa chữa được mà chỉ có cách thoát ra và chơi lại từ đầu.
Nói Hunt Showdown đẹp, nhưng bản thân sự đẹp đẽ đó lại chính là một lời nguyền của tựa game này. PUBG có thể nặng nề và không mượt mà như nhiều game online khác, nhưng chí ít trên cỗ PC với GTX 1050Ti hoặc GTX 1060, nó vẫn đủ số FPS để bạn thưởng thức game mà không bị giật lag. Đằng này, với Hunt Showdown, game load cực chậm chạp, và ngay cả khi test game bằng Core i7 8700K lẫn GTX 1080Ti ở thiết lập đồ họa High, game cũng chỉ trầy trật 48 đến 50 FPS. Đây hoàn toàn không phải là một tựa game cho "con nhà nghèo" như Fortnite Battle Royale, mà là một con quái vật ngốn cấu hình khủng.
Ấy là chưa kể, lỗi kết nối từ khi game ra mắt đã khiến cho hàng nghìn game thủ phải chán nản. Bạn chỉ tìm được trận đấu đơn hoặc coop random, hễ invite đồng đội là sẽ có nguy cơ gặp lỗi không tìm được trận đấu. Giật lag, đối thủ chạy có đà hoặc teleport khiến bạn không ngắm nổi xảy ra như cơm bữa. Và thậm chí những game thủ khôn ngoan còn nhận ra rằng, boss không được phép chạy ra khỏi khu vực đã định. Bạn có thể chạy ra xa một chút, bắn vài phát đạn mà không lo chúng tấn công, chờ con quái vật khổng lồ quay ngược lại chỗ nấp và bài cũ soạn lại, lùa boss ra góc và tiếp tục bón hành. Không hẳn là công bằng cho con quái vật thì phải (?)
Crytek, dù có ý tưởng rất ổn với Hunt Showdown, nhưng về mặt kỹ thuật, họ lại tung ra một tựa game đầy lỗi và chưa hoàn thiện một chút nào. Có thể bào chữa rằng Hunt Showdown đang trong thời kỳ Early Access, nhưng ngay cả ARK, PUBG hay H1Z1 khi mới ra mắt Early Access còn hoàn thiện hơn như thế này nhiều. Nhưng dù gì đi nữa, nếu muốn tìm một món ăn lạ đổi gió và không ngại những lỗi vặt vãnh, Hunt Showdown vẫn là một tựa game online đáng chơi trong tháng 03 này, chí ít là sau khi Crytek sửa hết những lỗi đầy khó chịu đó.