- Theo Trí Thức Trẻ | 21/11/2016 05:39 PM
Đối với chúng ta, những người mê game, để được là một "game thủ" cần một quá trình học hỏi, trau dồi, tìm hiểu rất lâu, từ kiến thức của các tựa game, kinh nghiệm chơi, cho tới thông tin về những cỗ máy được sử dụng để chơi những tựa game đó. Chẳng khác gì những môn thể thao khác, trong game, chuột và bàn phím là công cụ, trí óc và tốc độ phản xạ của game thủ là vũ khí để giành chiến thắng trong những trận đấu cân tài cân sức.
Thế nhưng dĩ nhiên, không phải ai cũng coi game và giải trí tương tác nói chung là một bộ môn giải trí như những môn thể thao hay phim ảnh âm nhạc.
Ở một chừng mực nhất định, những thứ được coi là “định kiến”, đáng buồn thay, lại xuất phát từ chính những tư duy chưa thỏa đáng, hay thậm chí là từ những câu chuyện các bậc phụ huynh truyền tai nhau về những tác hại của game. Ít ai để ý rằng, những tác hại hiển hiện đó lại xuất phát từ chính việc nơi lỏng quản lý con em mình.
Và chính cách nhìn có phần vẫn còn tương đối tiêu cực và phiến diện dành cho game như vậy, mà những game thủ chuyên nghiệp tại Việt Nam vẫn chưa có được môi trường phát triển xứng đáng. Một thị trường có doanh thu cực kỳ lớn, chẳng thua kém gì so với những ngành giải trí khác tại Việt Nam, nếu không muốn nói là hơn, vẫn đang chịu cái nhìn ghẻ lạnh của cộng đồng xã hội.
Cứ như vậy, đến cả cá nhân những game thủ chúng ta cũng ngại ngần khi nói về tình yêu game của bản thân, trừ khi được ngồi cùng những người có cùng đam mê sở thích. Và câu hỏi là, bạn có khi nào xấu hổ khi thừa nhận với người khác về tình yêu game của mình hay không, bạn có dám thừa nhận bản thân là một "game thủ" hay không? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn cho chúng tôi thông qua công cụ bình chọn ở cuối bài viết này nhé: