Học tập các thanh niên Nhật, đại học tại Pakistan "phản đối" Valentine bằng cách đổi thành ngày "Tình chị em"

Mirikatoji  - Theo Helino | 14/02/2019 01:26 PM

Ngày Valentine (ngày 14/2) có lẽ đã trở thành "ác mộng" với một số thanh thiếu niên "ế lâu năm".

Ngày "Lễ tình nhân" là một ngày vô cùng đặc biệt và ngọt ngào cho những cặp yêu nhau, thế nhưng nó có thể là cả một "ác mộng" với những người đang ế. Thật là "nóng mặt" khi bản thân đang "cô đơn lẻ bóng" một mình thì khắp nơi mấy đứa có đôi có cặp lại cứ thể hiện tình cảm mặn nồng trước mắt mình.

Vì vậy mới xuất hiện nhưng phong trào, những cuộc biểu tình vô cùng "bi hài" phản đối ngày Valentine của các thanh niên ế lâu năm. Mấy ngày trước theo Sora News thì có một nhóm đàn ông ở khu Shibuya của Tokyo (Nhật Bản) đã cùng nhau tuần hành phản đối ngày Lễ tình nhân.

Học tập các thanh niên Nhật, đại học tại Pakistan phản đối Valentine bằng cách đổi thành ngày Tình chị em - Ảnh 1.

Họ gọi nhóm của mình là "Kakumei-teki himote doumei" có nghĩa "Liên minh cách mạng những người đàn ông ít hấp dẫn đối với phụ nữ", họ cùng đi xuống phố mang băng rôn, loa đài hô vang những khẩu hiệu như "Hủy diệt ngày Valentine", "Đánh tan chủ nghĩa lãng mạn", "Đừng để các công ty bánh kẹo thao túng bạn"...

Một điều khiến mọi người sốc nhất chính là cuộc diễu hành này đã được diễn ra 12 năm, và cứ đến hẹn lại lên các thanh niên thi nhau xuống phố hò hét.

Và mới đây một trường đại học Nông nghiệp Faisalabad tại Pakistan cũng đã hưởng ứng phong trào này bằng cách đổi ngày "Lễ tình nhân" thành ngày "Tình chị em". Nhằm khuyến khích sinh viên kỷ niệm Ngày chị em trường đại học trên cũng quyết định tặng khăn, áo cho các sinh viên nữ vào ngày 14/2.

Học tập các thanh niên Nhật, đại học tại Pakistan phản đối Valentine bằng cách đổi thành ngày Tình chị em - Ảnh 2.

"Trong văn hóa của chúng ta, phụ nữ có sức mạnh hơn và được người khác tôn trọng với vai trò là một người chị, người em, người mẹ, con gái và người vợ. Chúng ta đang dần quên lãng văn hóa của chính mình khi văn hóa phương Tây xâm nhập vào xã hội của chúng ta. Những quốc gia nào lãng quên giá trị văn hóa của chính họ sẽ bị xóa bỏ trên bản đồ thế giới. Gìn giữ nét đẹp văn hóa là việc làm cần thiết để duy trì bản sắc dân tộc", Zafar Iqbal Randhawa – Phó Hiệu trưởng của trường cho biết.

Thông báo của trường đại học đã tạo một cuộc tranh luận gay gắt trong dư luận Pakistan, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Nhiều người trong số họ lên mạng xã hội bày tỏ quan điểm. "Nếu Đại học Faisalabad muốn có một ‘Ngày chị em gái’, họ có 364 ngày khác để lựa chọn"- một sinh viên Pakistan đăng tải tweet. Còn một số khác thì lại khá đồng tình về việc này, họ mong muốn có một ngày để thắt chặt tình cảm của chị em "hội bạn dì" của mình.

Học tập các thanh niên Nhật, đại học tại Pakistan phản đối Valentine bằng cách đổi thành ngày Tình chị em - Ảnh 3.

Trước đó vào năm 2013 tại Pakistan cũng đã có một cuộc biểu tình chống ngày lễ tình nhân Valentine vì cho rằng đây là ngày chống lại Hồi giáo. Đa số người biểu tình là theo đảng tôn giáo chính của Pakistan mang tên Jamaat-e-Islami, họ gồm hàng trăm sinh viên đi dọc các con đường ở thành phố Peshawar, hô hào khẩu hiệu phản đối ngày Valentine.

Pakistan vẫn còn là một xã hội Hồi giáo truyền thống, nên nhiều người bảo thủ vẫn cho rằng Valentine là thứ văn hóa du nhập phương Tây "không đứng đắn". Họ cho rằng ngày lễ tình nhân chỉ càng thêm khuyến khích lối sống thử trước hôn nhân trong giới trẻ nên phong tục ở đất nước vẫn không muốn "dung hòa" ngày lễ này.

Học tập các thanh niên Nhật, đại học tại Pakistan phản đối Valentine bằng cách đổi thành ngày Tình chị em - Ảnh 4.

Tuy nhiên vài năm trở lại đây giới trẻ Pakistan cũng có nhiều người rất "háo hức" tổ chức ngày lễ tình nhân như các quốc gia khác trên thế giới. Ngày càng có nhiều bạn trẻ đánh dấu ngày lễ tình nhân bằng cách tặng thiệp, quà, và sô cô la cho người mình thương yêu vào ngày lễ đặc biệt này. Vì vậy khi trường đại học Faisalabad ra quyết định trên vẫn gặp rất nhiều những ý kiến trái chiều.

Còn bạn thì sao? Bạn thấy ngày lễ này như thế nào? Liệu bạn có muốn nó xuất hiện hay không? Hãy cho chúng tôi biết thêm ý kiến nhé.