Phụ nữ số | 10/09/2024 03:44 PM
Trong "Tây Du Ký", một tác phẩm kinh điển của văn học Trung Quốc, có một phần kể về 4 thầy trò Đường Tăng khi họ đi thỉnh kinh và cần vượt qua sông Thông Thiên. Do không có phương tiện, họ đã nhờ đến sự giúp đỡ của một "cụ rùa" to lớn để chở qua sông. Lão Rùa đã đề nghị Đường Tăng hỏi Phật Tổ về việc mình tu hành một ngàn ba trăm năm mà chưa hóa được thành người. Tuy nhiên, khi Đường Tăng quay trở lại, ông đã quên mất điều này và không đáp ứng được yêu cầu của Lão Rùa. Sự việc này dẫn đến việc cả 4 thầy trò bị Lão Rùa hất xuống sông và kinh sách của họ bị ướt. Câu chuyện này là nạn thứ 81 mà họ phải vượt qua trong hành trình.
Mãi cho đến ngày nay, nhiều người vẫn tò mò về nguồn gốc của nhân vật cụ rùa, liệu đó có phải là yêu quái hay chỉ là một con vật bình thường. Ngô Thừa Ân, tác giả của "Tây Du Ký", được khen ngợi vì óc sáng tạo của mình khi đã tạo ra rất nhiều nhân vật đặc biệt, thú vị như Lão Rùa. Tuy nhiên, con rùa khổng lồ trong Tây Du Ký không phải là hư cấu và chỉ có trong trang sách. Loài rùa với kích thước khó tin này hoàn toàn tồn tại ngoài đời.
Qua nghiên cứu khoa học, loài rùa khổng lồ có thật đã từng tồn tại trên Trái đất, không phải chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Loài rùa này có tên khoa học là Stupendemys geographicus, có nghĩa là "rùa khổng lồ". Đó là một loài rùa cổ đại với hóa thạch được phát hiện ở phía bắc Nam Mỹ, tồn tại từ kỷ Miocene đến đầu Pliocene, khoảng 13 đến 5 triệu năm trước.
Hóa thạch cho thấy rùa Stupendemys geographicus có mai dài khoảng 4 mét, và tổng chiều dài cơ thể có thể đạt hơn 5 mét, với trọng lượng hơn 5 tấn. Kích thước này cho phép chúng có khả năng chở nhiều người cùng một lúc trên lưng. Một số hóa thạch của loài rùa này đã được tìm thấy ở nhiều nơi khác nhau ở Nam Mỹ, thường sống trong ao, hồ của rừng mưa nhiệt đới hay các dòng sông chảy chậm, và chúng chủ yếu ăn thực vật.
Một trong những khám phá đặc biệt là mẫu hóa thạch gần như hoàn chỉnh được nhóm cổ sinh vật học người Venezuela phát hiện, trong đó có các đặc điểm như mấu sừng dài ở các cá thể đực, phát triển ở phía trước của mai và hai bên cổ, giúp chúng tự vệ trước kẻ săn mồi. Loài rùa này chỉ có một kẻ thù tự nhiên là cá sấu Purussaurus, cũng là một loài đã tuyệt chủng từ thời Miocene.
Cho đến nay, hóa thạch của rùa Stupendemys geographicus được xem là loài rùa có kích thước lớn nhất từng được phát hiện. Họ hàng gần nhất của chúng trong thời hiện đại là loài Podocnemis expansa, sống ở các đầm lầy lớn ở Nam Mỹ, với chiều dài khoảng 1 mét và trọng lượng ước chừng 90 kg. Các mẫu hóa thạch còn tiết lộ mối liên hệ gen giữa Stupendemys geographicus và nhiều loài rùa sống ở khu vực Amazon ngày nay.
Nguồn: Sci News