- Theo Trí Thức Trẻ | 18/12/2016 03:36 PM
Simulator Sickness (say tương tự như say tàu xe) là chứng bệnh dị ứng với những chuyển động trong những môi trường ảo, môi trường giả lập và game. Hiện tượng này có ảnh hưởng tới 20-50% dân số thế giới.
Thực tế mà nói, thì hầu hết những trường hợp "say game" đều là trong lúc chơi những tựa game góc nhìn người thứ nhất. Những màn bắn súng trong thế giới ảo, hoặc quá nhanh, hoặc góc nhìn quá ấn tượng, tới nỗi nhiều game thủ đã phải xây xẩm mặt mày, thậm chí là chóng mặt phải bỏ game. Bản thân tôi trong một số tựa game cũng phải trải nghiệm điều tương tự.
Tuy nhiên có hai lý do dẫn tới tình trạng này. Hoặc game tối ưu góc nhìn quá kém, hoặc bạn đúng là gặp phải tình trạng "say game" thật. Có thể lấy một ví dụ điển hình là Bioshock Infinite. Tôi đã gặp rất nhiều người phàn nàn rằng game diễn biến quá nhanh, gây chóng mặt trong lúc chơi. Và chính trong quá trình chơi game, bản thân tôi đã đúc kết được một số kinh nghiệm để làm giảm chóng mặt buồn nôn khi chơi game bắn súng hoặc những tựa game lấy góc nhìn người thứ nhất.
Tôi tin rằng bản thân mình không phải là người duy nhất cảm thấy nôn nao và chóng mặt sau khi chơi những game bắn súng không chất lượng. Tôi có thể ngồi hàng giờ đồng hồ liên tục để bắn CS:GO cùng bạn bè mà chẳng thấy có vấn đề gì xảy ra. Tôi đã từng cày cả đêm Fallout 4 và đứng dậy đi ăn sáng như bình thường. Thế nhưng chỉ cần chuyển sang một tựa game nhập vai góc nhìn người thứ nhất khác là Deus Ex: Human Revolution, góc nhìn và tốc độ ngắm bắn khiến tôi nôn nao ngay sau 30 phút ngồi trước màn hình máy tính.
Khi chơi game, bạn có thể tìm thấy rất nhiều lý do dẫn đến việc chóng mặt buồn nôn. Có thể lý do là Field of View quá gần, gây ra cảm giác không đồng nhất giữa mắt và não bộ trong quá trình điều khiển nhân vật chơi game. Field of View là yếu tố quyết định góc nhìn của game thủ trong trò chơi rộng hay hẹp. Nếu rộng quá thì mặc dù quan sát toàn cảnh tốt nhưng chi tiết lại khó phát hiện những di chuyển ở xa, còn nếu hẹp quá thì dễ quan sát tập trung hơn nhưng lại gây chóng mặt.
Chính vì thế, cách đơn giản nhất để giảm nguy cơ gây chóng mặt, nôn nao và những cảm giác chóng mặt giống như say xe lúc chơi game chính là tăng FOV lên từ 70 lên khoảng 90 hay 100 trong một số tựa game.
Tuy nhiên tôi muốn nói sâu hơn về việc một cỗ máy tính khi chạy game với tốc độ khung hình không ổn định ảnh hưởng lớn ra sao tới người chơi. Đã có quá nhiều lần khi chơi những game bắn súng không đủ mượt mà, tôi đã phải nằm bẹp ra giường đơn giản vì đầu óc quay mòng mòng và chóng mặt nôn nao đến phát sợ.
Hiểu một cách đơn giản, Frame Per Second hay còn được biết đến với cái tên tỷ lệ khung hình trong một giây, là một chỉ số quy định số ảnh mà trong 1 giây card đồ họa của bạn có thể vẽ ra. Điều đó có nghĩa là, nếu card đồ họa của bạn có khả năng vẽ càng nhiều ảnh trong một giây thì chất lượng hình ảnh khi hiển thị sẽ đẹp hơn, các chuyển động sẽ mượt mà hơn.
Có thể bạn không biết, nhưng một trong những lý do dẫn tới việc chóng mặt buồn nôn khi chơi game FPS chính là xuất phát từ tốc độ khung hình không ổn định. Hãy cố gắng đảm bảo cỗ máy chơi game của bạn có thể kéo tựa game mình đang thưởng thức ở tốc độ khung hình ổn định, ít nhất là 40 đến 50 FPS chứ chưa nói đến 60 FPS, để giảm thiểu tối đa khả năng gây ra motion sickness cho người chơi.
Hãy nhìn vào tấm ảnh gif dưới đây. Tốc độ khung hình càng thấp nhưng vật thể chạy càng nhanh, sẽ càng xuất hiện độ trễ lớn. Chính độ trễ này khiến não rơi vào tình trạng motion sickness, giống như khi đang di chuyển bằng ô tô nhưng lúc phanh gấp, lúc phóng nhanh vậy:
Bản thân rất nhiều game thủ đã đồng ý với nhau một điều rằng, chơi game trên máy tính, với tốc độ di chuyển góc nhìn lớn, khi kết hợp với tốc độ khung hình quá thấp sẽ dẫn đến hậu quả là nhân vật trong game quay mòng mòng cùng lúc với những khung hình "cà giật" hiện ra trước mắt của game thủ. Khi tay di chuyển chuột, não cũng mặc định coi mắt sẽ nhìn thấy những khung hình mượt mà ứng với tốc độ mà bạn đã vẩy chuột. Thế nhưng với cỗ máy tính quá yếu so với cấu hình yêu cầu của game, điều này không xảy ra, từ đó dẫn tới hậu quả là đầu óc bạn lâng lâng, ruột gan nôn nao, thậm chí là có cả những triệu chứng chẳng khác gì lúc bị say tàu xe cả. Thậm chí nhiều người còn bị nôn sau khi chơi game FPS.
Tình trạng này xuất hiện ở châu Á nhiều hơn hẳn so với châu Âu hay châu Mỹ.
Giải pháp cho tình trạng này? Câu trả lời cho bài toán học búa thật ra có rất nhiều. Lấy ví dụ, bạn có thể bật đèn trong lúc chơi game để cân bằng điều kiện ánh sáng cho mặt giữa thế giới ảo và thế giới thực, hoặc đơn giản hơn là hãy xoay chuột chậm rãi từ từ để nhân vật trong game thong thả nghe theo lệnh. Tuy nhiên trong những tình huống chiến đấu cần phản xạ nhanh, thì đây lại là giải pháp bất khả thi.
Vậy đâu là cách hiệu quả nhất để giảm chóng mặt trong lúc chơi game? Bất ngờ thay, đó chính là... nâng cấp máy tính. Như đã đề cập, một trong những lý do khiến game thủ chóng mặt là do FPS quá thấp, và để khắc phục tình trạng này, bạn cần nâng cấp máy chơi game sao cho game có thể chạy ở tốc độ hình ảnh đủ để mắt và não nhận định như thế là mượt mà.
Đó cũng là lý do, tôi tốn đến cả chục triệu để nâng cấp máy tính chơi game, vì bản thân chẳng muốn hạ cấu hình game một chút nào. Bạn thử nghĩ mà xem, một tựa game tuyệt hay lại được đem tới cho các bạn thông qua những hình ảnh xấu ỉn, chụp ở độ phân giải thấp, chất lượng đồ họa Low đến Medium, thì bạn có còn hứng thú chơi game đó nữa hay không?
Dù gì đi chăng nữa, một khi game đã mượt mà, thì chắc chắn tỷ lệ xảy ra hiện tượng chóng mặt nôn nao khi chơi game FPS sẽ được giảm đi đáng kể. Một điều nữa cần nhớ, hãy tự nhắc bản thân nghỉ game sau 30 phút đến 1 tiếng thưởng thức, ra cửa sổ nhìn ra xa, để đôi mắt của bạn được thư giãn nhé!