Hóa ra tội phạm ngày nay sử dụng Clash of Clans để rửa tiền, thu về cả triệu đô la mỗi năm

DS  - Theo Helino | 19/07/2018 08:35 PM

Quá trình rửa tiền này diễn ra khá dễ dàng với những tên tội phạm ăn cắp thẻ tin dụng, và dường như nhà phát hành game không mảy may đả động đến vấn đề này.

Tội phạm công nghệ cao càng lúc càng trở nên phổ biến trong kỷ nguyên số, đặc biệt là trong lĩnh vực rửa tiền. Nếu như trước đây, tiền được rửa thông qua nhiều kênh thương mại khác nhau, đủ mọi lĩnh vực thì giờ đây, tiền lại được rửa thông qua những tựa game mobile đình đám thu hút cả triệu người chơi mỗi năm như  Clash of Clans, Clash Royale hay Marvel Contest of Champions.

Hóa ra tội phạm ngày nay sử dụng Clash of Clans để rửa tiền, thu về cả triệu đô la mỗi năm - Ảnh 1.

Theo báo cáo của tổ chức an ninh mạng Kromtech, Đức, các tựa game free to play với việc mua vật phẩm bằng tiền thật đang là lựa chọn số 1 dành cho bọn tội phạm rửa tiền. Theo đó, game thủ sẽ thường bỏ tiền thật để đổi lấy đồ ảo trong game, hoặc là các món đồ nhằm gia tăng sức mạnh, lên cấp nhanh hơn so với không mua. Đấy chính là đối tượng khách hàng chính của những tên tội phạm công nghệ cao.

Với các tựa game như Clash of Clans hay Clash Royale, những hoạt động bán hàng trong game đúng là hái ra tiền khi đem lại cho nhà sản xuất đến cả trăm triệu USD mỗi năm, và chắc chắn một phần trong số tiền này đến từ giới tội phạm.

Hóa ra tội phạm ngày nay sử dụng Clash of Clans để rửa tiền, thu về cả triệu đô la mỗi năm - Ảnh 2.

Đã có khoảng 20 nghìn thẻ tín dụng bị đánh cắp để mua sắm các loại vật phẩm ảo trong các game mobile này. Sau đó, chúng sẽ bán lại những account game đó lại trên những trang web buôn bán tài khoản game như G2G hay iGameSupply, và nhận lại tiền sạch, không hề liên quan gì đến tiền ăn cắp từ thẻ tín dụng. 

Đại diện Kromtech, ông Bob Diachenko, chia sẻ rằng mình rất bất ngờ về việc rửa tiền qua game miễn phí dễ đến mức nào. Nó giúp cho những kẻ ăn cắp có thể rửa tiền chúng lấy được rất dễ dàng, và biến chúng trở thành tiền thực. Thậm chí, nó còn có thể trở thành một ngành kinh doanh buôn bán trong thế giới ngầm. Tuy nhiên, dường như các công ty game vẫn không biết hoặc cố tình làm lơ về việc này. Cả Supercell, công ty sản xuất dòng game Clash of Clans và Kabam, hãng phát hành Marvel Contest of Champions đều từ chối phản hồi khi được nhắc tới vấn đề này.