- Theo Trí Thức Trẻ | 21/09/2016 10:56 PM
Với những tựa game hay, người chơi thường có nhiều ký ức về lần đầu phá đảo. Như với Half Life, Final Fantasy VI hay Far Cry 2, tất cả chúng đều để lại những ấn tượng khó phai ngay từ lần đầu chơi thử. Tuy nhiên, có thực tế mà ít người để ý đó là những tựa game này sẽ đem đến cho bạn cảm giác hấp dẫn hơn bội phần khi chơi lại lần thứ hai, ba, hoặc thậm chí là bốn…
Với bản thân tôi, tôi thích chơi lại các trò chơi mà mình đã từng phá đảo. Trên thực tế, việc trải nghiệm những game cũ đôi khi còn làm tôi thích thú hơn tìm hiểu những game mới. Hiện tại, tôi đang chơi lại Wolfenstein: The New Order và Deus Ex: Human Revolution. Trước đó là những cái tên quen thuộc khác như Persona 4 Golden, The Witcher 3 và Half Life 2, chúng đều rất tuyệt vời.
Hầu như mọi người đều có một kho game đã từng phá đảo. Việc này cũng giống như list những cuốn sách, truyện, âm nhạc, phim ảnh bạn đã từng thưởng thức trong cuộc sống. Việc trải nghiệm lại một tác phẩm trong những khoảng thời gian khác nhau đều mang lại những suy nghĩ và cảm nhận khác biệt.
Tất nhiên vẫn sẽ có một số ngoại lệ nên ý nghĩa của việc “chơi lại” gần như không được áp dụng. Nhiều trò chơi như Overwatch hay DOTA 2, hoặc một số trò chơi vô tận như Minecraft hay Ark: Survival Evolved, khái niệm “chơi lại” là hoàn toàn vô nghĩa với chúng.
Ai cũng vậy, với lần đầu tiên tham gia vào một trò chơi, chúng ta thường có xu hướng lần theo cốt truyện để giải quyết vấn đề một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, chính vì tâm lý này mà người chơi đã bỏ lỡ nhiều điều hấp dẫn và thú vị của game. Với lần chơi thứ hai, mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi. Người chơi sẽ có xu hướng khám phá nhiều hơn là cố gắng chơi để đạt mục đích phá đảo.
Tôi sẽ đưa cho các bạn một ví dụ về The Witcher 3. Trong lần đầu tiên, tôi đã hoàn thành trò chơi này trong khoảng 60 giờ. Sau đó, tôi đã chơi lại nó trên PC và mất hơn 100 giờ để phá đảo. Với lần chơi thứ hai, tôi chợt nhận ra rằng mình đã bỏ lỡ rất nhiều. Có cả một đống nhiệm vụ phụ tuyến vô cùng hấp dẫn mà tôi đã bỏ qua trong lần chơi đầu tiên. Một cảm giác thú vị, thư giãn và vô cùng thoải mái khi thực hiện chúng.
Cũng tương tự như vậy với Deus Ex: Manking Divided và thậm chí là cả No Man Sky (theo một cách nào đó, trò chơi nay cũng có thể được xếp vào đây). Với bạn bè của mình, tôi thường khuyên họ chơi chậm lại trong tất cả các trò chơi. Điều này có vẻ như khá khó trong lần chơi đầu tiên, khi mà người chơi nào cũng “tham lam” về việc phá đảo và chinh phục. Tuy nhiên nó lại được chấp nhận trong các lần chơi thứ ha, ba hay bốn. Lúc này, sự khám phá và tìm tòi lại được xem trọng hơn việc phá đảo.
Thêm một điểm thú vị khác trong những lần chơi lại đó là việc tôi có thể trải nghiệm tựa game yêu thích với một phần cứng mạnh hơn. Nhớ lại thời điểm cách đây vài năm, tôi đã phải vất vả khi sắm một chiếc máy tính đủ khỏe để chiến Crysis 3. Tuy nhiên cỗ máy tôi có được cũng chỉ đủ để đáp ứng ở mức trung bình.
Giờ đây, khi chơi lại tựa game này với một phần cứng mạnh hơn rất nhiều, tôi mới thực sự ngỡ ngàng và tiếc nuối những khoảnh khắc mà mình từng bỏ lỡ từ trước. Cùng một khung cảnh đó, cùng một màn chơi đó tuy nhiên cấu hình máy tính mạnh hơn lại mang đến cho tôi những cảm giác phấn khích hơn, sảng khoái hơn. Trên tất cả, nó thật sự thoải mái và vui vẻ. Đó chính là điểm cốt lõi của những tựa game offline.