- Theo Trí Thức Trẻ | 21/04/2016 07:30 PM
Một câu hỏi khá hài hước, nhưng cũng rất được quan tâm trong xã hội ngày nay khi tất cả mọi người đều muốn biết rằng tại sao việc chơi game, xem phim hay các chương trình giải trí khác lại gây 'nghiện', cuốn hút mọi người một cách thái quá. Trong khi đó những công việc hữu ích hơn rất nhiều như học hành, đọc sách lại chẳng khiến cho mấy ai 'nghiện' được cả.
Đã có khá nhiều nhà khoa học đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: "Tại sao ai cũng chỉ nghiện chơi game chứ không nghiện học?". Và những bộ óc vĩ đại này đã đưa ra lời giải thích vô cùng hợp lý như sau:
Thực tế, việc học hành cũng như đọc sách tạo ra cảm giác vô cùng nhàm chán. Việc phải tiếp nhận những thông tin mới mà bạn chưa biết qua phương pháp này là hết sức khó khăn bởi quá trình ghi nhận thông tin kéo dài qua nhiều bước mới có thể thực hiện được.
Học hành với các loại sách vở chưa bao giờ 'vui' cả.
Đầu tiên bạn phải đọc chữ, tiếp đến là từ những chữ đó dựng thành một hình ảnh trong não, rồi từ hình ảnh đó bạn sẽ phải 'đào' trong kho kinh nghiệm của mình xem có gì đó liên quan hay không để ghép vào, như vậy là tốn tới 2 bước thực hiện. Đặc biệt là giai đoạn 'dựng hình từ chữ' tốn rất nhiều công sức, bạn sẽ cảm thấy hết sức tù túng, tốn công và mệt mỏi.
Ngược lại, đối với việc chơi game hay xem TV thì các hình ảnh đã được hiển thị sẵn rồi, bạn chẳng cần phải mất công 'vẽ' lại nó làm gì nữa, vì thế mới có câu "một lần nhìn thấy bằng ngàn vạn lời nói". Những thứ bạn cần làm tiếp theo khi có hình ảnh rồi là nghe lời nói và nắm bắt chuyển động để thu thập thêm thông tin, đối chiếu và ghép vào các phần kinh nghiệm có sẵn. Như vậy là tiết kiệm được hẳn một công đoạn khó khăn và tất nhiên là não bộ thảnh thơi hơn nhiều, dẫn tới việc chúng ta cảm thấy thích thú hơn.
Chơi game luôn đem lại cảm giác thích thú hơn hẳn so với đọc sách và học hành.
Thêm vào đó, tất cả những cuốn sách dùng trong việc học tập hay các ngành khoa học đều được viết ra bởi người khác, họ ghi lại những trải nghiệm cá nhân họ vào trong đó để chúng ta tưởng tượng ra giống họ. Còn các loại hình ảnh hiển thị sẵn sẽ giúp mọi người tự có đánh giá của bản thân mình.
Một chi tiết quan trọng khác là việc nhìn bằng mắt, trực tiếp cảm nhận hình dạng, chuyển động, áp lực... đem đến sức hấp dẫn lớn hơn là tưởng tượng.
Bộ não của chúng ta xử lý thông tin phần lớn dựa trên 5 giác quan là nghe, nhìn, ngửi, tiếp xúc và nếm, việc phải tưởng tượng theo lời kể trên sách vở rõ ràng là không thể hấp dẫn bằng các trải nghiệm mang tính trực tiếp hơn hẳn trong game và xem TV. Do đó, rõ ràng mọi người sẽ thích thứ vừa hấp dẫn lại vừa dễ nhận biết hơn rồi!
Tuy nhiên, khi quá lạm dụng việc tiếp nhận thông tin qua hình ảnh với các tựa game hay phim ảnh, tức là rơi vào cảnh 'nghiện' chúng thì bạn đang 'rèn luyện' bộ não của mình trở nên lười biếng trong việc xử lý các thông tin mới.
Điều này rõ ràng không tốt chút nào, và bên cạnh các chương trình giải trí bằng hình ảnh thì chúng ta cũng nên bỏ thời gian ra ngồi đọc sách, nghiên cứu và tưởng tượng để giúp cho bộ não vận hành tốt hơn!