Hóa ra đây chính là lý do game ngày càng nặng, tin buồn là trong tương lai game sẽ còn tốn ổ hơn nhiều

Nút Chuối  - Theo Helino | 10/02/2018 05:56 PM

Rồi chẳng mấy chốc, sẽ ngày càng có nhiều game mới có dung lượng 80GB, 100GB…

Thời ông bà bố mẹ, đọc quảng cáo mấy bộ máy tính thời bấy giờ thực sự quá khập khiễng. Cái thời một cỗ máy tính để bàn to bằng nửa căn phòng ngủ có 48 KB RAM, CPU 450 MHz và 10MB ổ cứng được coi là một trong những siêu phẩm mà chỉ có các triệu phú mới dám mua về dùng thực chất đã qua được vài chục năm. Giờ đây ổ cứng ngày càng lớn, ngày càng khủng, dung lượng ngày càng cao, nhưng chúng ta vẫn cứ phàn nàn ổ cứng hết dung lượng, dù đã lắp hẳn một chiếc ổ… 4TB!

Hóa ra, lỗi lầm đều do game cả.

Năm 2017 vừa rồi là một năm nơi rất nhiều tựa game hay với dung lượng cực khủng xuất hiện. Càng ngày việc chơi game càng trở thành một gánh nặng cho những thiết bị lưu trữ máy tính. Không phải cấu hình yêu cầu, mà hóa ra chính dung lượng của game đang khiến ngày càng nhiều người không thể chơi được tựa game mà họ yêu thích. Thế rốt cuộc lý do vì đâu?

“Hàng rào” 50GB

Kỷ nguyên số là điều kỳ diệu nhất kể từ khi chúng ta có internet. Chuyển sang nền tảng Steam thay vì phải đi ra cửa hàng đĩa mua game đã khiến doanh thu game tăng lên đáng kể, và thậm chí những hãng game còn được hưởng lợi, đặc biệt là những nhà phát triển nhỏ không đủ vốn để chi trả cho chi phí in đĩa và quảng cáo.

Giờ đây nếu mọi game trong tài khoản Steam của tôi đều sử dụng đĩa, có lẽ tôi sẽ phải kiếm một căn phòng lớn hơn rất nhiều chỉ để cất những chiếc hộp cồng kềnh mà chỉ dùng một lần để cài vào máy tính.

Năm 2017 là thời điểm không ít game hay ra mắt, thế nhưng đồng nghĩa với đó là những game siêu nặng. Assassin's Creed Origins: 70GB nếu kèm đủ DLC. Wolfenstein 2: 50GB. Call of Duty: WWII cũng chẳng kém với yêu cầu khủng hoảng, 90GB ổ cứng trống.

Vậy tại sao game càng lúc càng nặng? Lý do chính là những mô hình vật thể ở độ nét cao, cùng âm thanh nguyên bản đi kèm bản game, không được convert về định dạng nhẹ hơn để giữ chất lượng tốt nhất khi chơi game.

Trước đây, những tựa game nặng nhất chỉ có dung lượng khoảng 30GB. Đến khi Titanfall phiên bản đầu tiên ra mắt hồi năm 2014, nó có dung lượng khủng khiếp: 50GB. Thậm chí Respawn Entertainment còn phải ra mặt giải thích vì sao tựa game đó lại chiếm chỗ trên ổ cứng nhiều đến như vậy.

Giờ đây 50GB chẳng phải là điều gì khó hiểu nữa, nhưng đồng nghĩa với việc chúng ta phải bỏ thêm tiền mua về những chiếc ổ cứng dung lượng cao hơn. HDD vài TB là chuyện bình thường, nhưng muốn game chạy mượt, load nhanh thì SSD là thứ phải có. Hầu hết game thủ giờ đây đều dùng ổ cứng thể rắn với dung lượng 250 hoặc cùng lắm là 500GB. Điều này nghĩa là bỏ qua những thứ như hệ điều hành và những phần mềm cần thiết, bạn sẽ chỉ còn chỗ cài nhiều nhất là 4 hoặc 5 tựa game mà thôi!

Lỗi ở chính chúng ta chứ còn ai vào đây được nữa. Chúng ta muốn game có đồ họa đẹp, thì đổi lại sẽ là những file texture với dung lượng khủng khiếp. Chính phần hình ảnh và âm thanh của một tựa game chiếm tuyệt đại đa số không gian của một bộ cài game.

Nó dẫn tới một thực tế khác. Không phải ai cũng có đường truyền internet tốt. Ngay cả ở nước Mỹ, một số người muốn tải game với dung lượng 50GB cũng phải mất cả ngày. Gói cước càng thấp thì tốc độ tải game cũng sẽ xuống theo, và việc download một game mất vài ngày cũng chẳng phải là chuyện chỉ riêng người Việt mới hiểu.

Ấy là chưa kể, trong mùa game hè và cuối năm, chỉ trong 1 tuần có thể có tới 4 tựa game mới ra mắt. Cứ vài ngày lại phải download 50GB dữ liệu từ trên internet về máy là một gánh nặng đúng nghĩa đen, ngay cả khi bạn có một cỗ máy tính khủng để chơi mượt mọi game trên đời.

Âm thanh và hình ảnh

Không chỉ texture hình ảnh là thứ khiến game thủ choáng váng khi nhìn vào dung lượng của mỗi tựa game mới ra mắt, mà các file âm thanh chất lượng cao, chia kênh 5.1 đầy đủ để người chơi có trải nghiệm tuyệt vời nhất cũng chính là thủ phạm. Lấy ví dụ, một file âm thanh 44 kHz chất lượng cao thoạt nhìn thì có vẻ không nặng, nhưng hãy nhân chúng lên 100 lần, vì trong game, không chỉ có 1 file âm thanh, mà bạn còn cần tiếng vũ khí, tiếng người nói chuyện, âm thanh của thế giới game, v.v...


Một bản đồ game như thế này có dung lượng vài GB là chuyện thường tình

Một bản đồ game như thế này có dung lượng vài GB là chuyện thường tình

Nhưng nói gì thì nói, những file âm thanh chất lượng cao chắc chắn không thể nào so sánh được với những file texture chất lượng 4K hay thậm chí là 8K trong mỗi bộ cài game. Giữa năm 2000, một tựa game có dung lượng khoảng gần 3GB, nhưng trong đó 1,4GB đã là texture vật thể trong mỗi màn chơi rồi. Bạn có thể tự đoán ra con số tương tự với những game siêu ngốn ổ cứng như Call of Duty: WWII hay Forza Motorsport 7 trên PC.

Tuy nhiên một điều không tệ là các nhà phát triển game luôn biết nén những file game của họ trước khi tung lên Steam hay Origins. Ví dụ Titanfall, sau khi tải game, bạn chỉ thấy một folder dung lượng 21GB. Thế nhưng sau khi cài đặt và giải nén, nó bung ra thành một folder game hoàn chỉnh với 48GB dung lượng. Điều này giúp thời gian tải game ngắn đi rất nhiều.

Khoảng dung lượng thừa thãi

Hãy nói đến chuyện chơi game crack, dù nó không phù hợp và liên quan cho lắm đến chủ đề chúng ta bàn bạc ngày hôm nay. Với game crack, bạn sẽ không chơi được mục multiplayer, với hầu hết game bản quyền. Thế nhưng những bản game crack vẫn đầy đủ nội dung và đồng nghĩa với đó là dung lượng vẫn chẳng kém cạnh gì game bản quyền bình thường. Vậy nghĩa là bạn download vài chục GB game về máy chỉ để chơi một nửa trong số đó đúng không nào?

Khi bạn chơi game với chiếc card đồ họa GTX 1060 trên màn hình full HD, bạn có thực sự cần tới gói texture dành cho màn hình 4K hay không? Hoặc nếu bạn chỉ chơi game bằng tiếng Anh, thì cài đặt vài GB ngôn ngữ khác để làm gì?

Trên máy tính, có không ít phần mềm cho phép bạn lựa chọn và bỏ không cài đặt những tính năng rườm rà thừa thãi. Thế nhưng buồn thay, game ở thời điểm hiện tại vẫn chưa có được những tính năng giúp chúng ta có thể giải phóng một phần rất lớn ổ cứng như thế này. Lấy ví dụ hiếm hoi, Shadow of Mordor cho phép bạn có thể không cài gói “HD content” để giữ game nhẹ hơn. Hay với Fallout 4, gói texture của tựa game này có dung lượng gần 60GB và hoàn toàn có thể cài hoặc không mà chơi game vẫn mượt mà như bình thường.

Trong khi đó, Call of Duty, kể từ thời Modern Warfare II đã tách đôi hai phiên bản chơi đơn và chơi mạng để bạn có thể cài tự do một trong hai phiên bản của mỗi tựa game với nhu cầu riêng. Thế nhưng làm như thế này lại khiến thư viện game Steam trở nên rườm rà và rắc rối trong khi tìm kiếm. Rồi chẳng mấy chốc, sẽ ngày càng có nhiều game mới có dung lượng 80GB, 100GB… và những nạn nhân duy nhất của sự phát triển như thế này sẽ chỉ là chiếc ổ cứng đáng thương và đường truyền internet của chúng ta mà thôi.