- Theo Thời Đại | 05/10/2016 04:09 PM
Kính thực tế ảo kể từ khi ra mắt đã có không ít những ứng dụng, từ chơi game, phim ảnh cho tới cả khoa học kỹ thuật, y tế, quân sự, v.v... Và thậm chí mới đây người Đức còn lấy kính thực tế ảo để... bắt tội phạm nữa. Nghe có vẻ kỳ lạ, thế nhưng nhà chức trách Đức đã sử dụng phần mềm tái tạo trại tập trung Auschwitz để đánh giá xem những người canh gác cũ tại trại tập trung được mô tả là cơn ác mộng của người Do thái này trong cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 có liên quan tới cái chết của những tù nhân xấu số tại đây hay không.
Cả khu trại tập trung đã được tái tạo, và thậm chí những nhà điều tra còn có thể "tham quan" bên trong kiến trúc của Auschwitz, và sử dụng lời khai của những bị can bị tình nghi là tội phạm chiến tranh để đưa ra kết luận. Nhờ lời khai thực tế và ứng dụng thế giới ảo, các chuyên gia và điều tra viên sẽ đánh giá những kẻ nào làm việc tại trại tập trung có trách nhiệm trực tiếp tới việc xử tử những tù nhân tại đây.
Jens Rommel, giám đốc văn phòng liên bang chuyên đảm nhiệm việc điều tra những tội phạm chiến tranh thời phát xít Đức cho biết: "Hầu hết thời gian những bị can được tra hỏi và cho biết họ làm việc ở trại Auschwitz nhưng không biết việc gì đang diễn ra tại đó. Và nhiệm vụ của chúng tôi là tìm ra sự thật liệu họ có biết việc đưa tù nhân do thái đến phòng khí ga hay bị xử bắn hay không. Mô hình thực tế ảo này rất tốt và rất hiện đại cho cuộc điều tra vì nó cho phép chúng tôi tìm ra sự thật."
Và chính ứng dụng thực tế ảo này đã giúp các nhà điều tra kết tội Reinhold Hanning, một lính gác tại Auschwitz đã có liên quan trực tiếp tới cái chết của hơn 170 nghìn người tại đây. Gã đã bị kết án 5 năm tù giam.
Rõ ràng, với ứng dụng như thế này, kính thực tế ảo đã không còn chỉ là thiết bị giải trí, cũng như nghiên cứu khoa học, nó còn là một công cụ hữu hiệu để tìm ra công lý.