- Theo Trí Thức Trẻ | 23/12/2016 0:00 AM
Trong nhiều năm trở lại đây, một vấn đề luôn luôn được nhắc tới là các game online cập bến Việt Nam đều là các webgame với lối chơi có phần công nghiệp, đơn giản với hệ thống tự động phổ biến, những tựa game client ngày một hiếm gặp hơn. Ngay cả các sản phẩm được đánh giá là có chất lượng cao, đáng chú ý cũng là những sản phẩm 3D trên trình duyệt, hay những game mobile với hình ảnh "khủng" so với nền tảng chiếc điện thoại nhỏ xíu vừa vặn trong lòng bàn tay của chúng ta...
Điều đáng nói là mặc dù bị chê bai rất nhiều song các nhà phát hành vẫn chỉ mang về các webgame và game mobile mà thôi. Xét trên điều kiện thực tế thì các game online client thuộc dạng nhập vai truyền thống mặc dù rất đình đám song vẫn chẳng thể thành công được như các game chạy trên trình duyệt.
Đơn cử như các game online client khủng từng rất đình đám khi mới về nước, song chỉ sau một thời gian ngắn đã không còn được game thủ bình luận sôi nổi như trước nữa, thậm chí số lượng người chơi cũng chẳng vượt qua được các webgame nhập vai...
Thời đại game "mỳ ăn liền" lên ngôi
Rõ ràng rằng các nhà phát hành Việt đang nhập game kiểu 'mỳ ăn liền' về để phục vụ chính nhu cầu của game thủ nước nhà, và được đón nhận hết sức nồng nhiệt, đem lại thành công trong việc kinh doanh dịch vụ trò chơi trực tuyến.
Vậy thì, tại sao các game thủ Việt Nam lại yêu thích những sản phẩm đơn giản, dễ chơi và không cần đầu tư nhiều công sức cày kéo như vậy, khác xa với sở thích trước kia với các huyền thoại như MU Online, Võ Lâm Truyền Kỳ...
Câu trả lời là do các gamer Việt yêu thích thể loại nhập vai hiện tại quá bận rộn! Những người yêu thích thể loại điều khiển nhân vật đi bôn tẩu giang hồ, làm bá chủ võ lâm như thời xưa cũ đều đã có tuổi, phải bận bịu lo cho công việc cũng như cuộc sống gia đình, chẳng thể chăm chút cày kéo tay như trước nữa. Các công cụ tự động thực sự quá tuyệt vời trong trường hợp này, nó giúp họ có thể phần nào thỏa mãn đam mê, lại không ảnh hưởng nhiều tới những công việc phải làm trong ngày...
Với lớp trẻ thì lại là một câu truyện khác, bên cạnh các game nhập vai nhàm chán thì họ có quá nhiều sự lựa chọn khác mang tính hành động hơn hẳn, đơn cử như tham gia một trận Liên Minh Huyền Thoại. Với một webgame, các game thủ này hoàn toàn có thể bỏ mặc nhân vật tự làm những thứ cần làm mà vẫn chơi được game khác với bạn bè mà không cần mảy may lo lắng.
Ngoài ra, nếu như chăm chú quá vào một tựa game, chúng ta cũng chẳng thể lướt web, Facebook... thỏa mãn những niềm đam mê khác của bản thân khi đang bận cày kéo. Cuộc sống hiện đại đem lại quá nhiều sự lựa chọn thú vị cho game thủ, với những người có tính cách hơi 'tham lam' một chút, vừa muốn chơi game này, vừa muốn chơi game kia, lại cộng thêm các loại mạng xã hội, chat chit thì rõ ràng một game mỳ ăn liền tốn ít công sức là sự lựa chọn khá hợp lý.
"Game đỉnh thì nên chơi ở nước ngoài"
Tất nhiên, vẫn còn đó nhiều gamer toàn tâm toàn ý, dành trọn niềm vui trong một game nhập vai duy nhất, nhưng số lượng những người 'bận rộn' với công việc, với các loại hình giải trí khác trên máy tính còn đông gấp bội, và đây chính là lý do để các webgame 'tự động' phát triển mạnh mẽ. Một lý do chính là, giờ đây khi game online nước ngoài đã dễ tiếp cận hơn bao giờ hết. Game mới mở cửa trên Steam thì tải về miễn phí, game thử nghiệm ở một số khu vực nhất định thì fake IP để vào game. Giờ đây chẳng có gì cản được game thủ Việt chúng ta đến với bất kỳ một game online nào trên thế giới cả.
Đã từng có những ý kiến cho rằng, đã chơi game online bom tấn thì nên ra nước ngoài, nơi ý thức người chơi tốt hơn hẳn so với người Việt. Bản thân nhiều người khác cũng cho rằng, giờ đây khi đã quá quen với game mobile hay các webgame thì những client đích thực từng lấy đi không ít sự quan tâm của cộng đồng game thủ cũng sẽ thoái trào, có mua về phát hành ở làng game Việt cũng chẳng thể nào đông người chơi được.
Điều này dẫn đến hai hệ quả. Một, rất nhiều game online server quốc tế có một lượng người chơi Việt đông đảo, với những game guild hay clan lớn và có tiếng nói trong cộng đồng tựa game đó. Dạo quanh những forum game Việt, bạn sẽ bắt gặp những box dành riêng cho những tựa game online nước ngoài, và ở nơi đó có rất nhiều những game thủ sẵn sàng chia sẻ với bạn những bí quyết trong tựa game họ đam mê.
Thứ hai là, chính vì việc người Việt rồng rắn đổ xô ra nước ngoài chơi game online, bản thân các nhà phát hành game Việt Nam cũng sẽ chùn tay, suy nghĩ ít nhất 2 đến 3 lần, liệu sản phẩm đó có thực sự xứng đáng với số tiền bỏ ra hay không. Nếu đưa game về chỉ vì game thủ thích, thì như trường hợp của nhiều cái tên giống như Võ Lâm Truyền Kỳ 3D chẳng hạn, lượng người chơi sẽ giảm rất nhanh, đơn giản vì người Việt "nói vậy mà không phải vậy". Họ thích là một chuyện, nhưng vào chơi hay không, có gắn bó với game như xưa nữa hay không lại là vấn đề hoàn toàn khác.
Một thế hệ "cày game" ngoài quán cafe
Không thể phủ nhận sự tiện lợi và gây nghiện của nhiều game mobile ở thời điểm hiện tại. Nó tiện lợi, dễ chơi, dễ rủ bạn bè cùng thưởng thức. Ai có điện thoại cũng đều chơi được, và giờ đây chính chiếc smartphone chạy iOS hay Android mới là món tài sản không thể không có với mọi người, chứ không phải cỗ máy tính. Laptop để làm việc là một chuyện, nhưng case máy tính đủ khỏe để chiến game đỉnh lại là chuyện khác.
Và cứ như vậy, cho dù là những game hướng tới cộng đồng những người ít thời gian chơi game, vẫn có rất nhiều game mobile tạo ra cả một thế hệ có thể ngồi lỳ ngoài quán cafe cả buổi chiều chỉ để cày game cùng nhau, một dạng quán net mới (!?)