Giờ đây nhà nhà, người người nói về HDR, và thực tế nếu bạn không quá quan tâm tới những tiểu tiết khi thiết lập những tùy chỉnh đồ họa trên game PC, có thể bạn sẽ phải thốt lên: "Cụm từ này quen thật đấy, nhưng nó có nghĩa gì nhỉ?" Thực ra HDR đã có mặt trong game và những loại hình giải trí khác từ rất lâu, nhưng không phải game nào cũng sở hữu HDR thực sự. Thời kỳ Half-Life 2, khi vào mục Option, bạn sẽ có thể tick vào một hộp có ghi chữ HDR, nhưng kỳ thực nó chỉ là mô phỏng hiệu ứng ánh sáng cho "có vẻ" giống HDR mà thôi.
Tương tự, tính năng HDR khi bạn lựa chọn trong quá trình chụp ảnh trên smartphone kỳ thực cũng không phải HDR thật sự.
Thế rốt cục, HDR là gì, và nó có tầm quan trọng ra sao khi chơi game? Câu hỏi đầu tiên thì rất dễ, chúng ta có thể search Google để tìm ra câu trả lời, nhưng tác dụng của nó trong việc chơi game, và phần cứng ra sao mới đủ để "chiều chuộng" tùy chọn đồ họa này mới là điều chúng ta cần quan tâm.
HDR là cái gì
HDR là viết tắt của High Dynamic Range. Ý tưởng của những hình ảnh HDR trong game, phim ảnh là khả năng tái tạo màu sắc, ánh sáng và độ tương phản vượt xa những gì hầu hết phần cứng hiện tại có trên thị trường. Nói một cách khác, HDR tạo ra chất lượng hình ảnh sống động hơn chứ không phải nét hơn. Bạn có thể nghĩ HDR chỉ phù hợp với màn hình full HD hoặc 2K, 4K,... nhưng kỳ thực không phải. Ở mật độ điểm ảnh trên 110 DPI trên Windows và người sử dụng máy tính ngồi cách xa màn hình ít nhất 60cm, thì độ nét của màn hình không còn là vấn đề nữa rồi.
Nếu màn hình quá to nhưng độ phân giải thấp, đồng nghĩa với việc mật độ điểm ảnh thấp, thì HDR hoàn toàn không có tác dụng. Nhưng ở tầm một màn hình 24 inch full HD, hoặc những màn hình 2K, 4K thì bạn nên quan tâm hơn tới độ sáng, tương phản, mức độ "rực" của màu sắc, nói chung là chất lượng hình ảnh chứ không phải độ nét nữa rồi. Đó cũng chính là những gì HDR được tạo ra để phục vụ người tiêu dùng.
Dĩ nhiên để sử dụng được tính năng HDR này, bạn cũng cần tới những phần cứng hỗ trợ. Không phải màn hình nào cũng đủ độ sáng và dải màu hiển thị để đáp ứng yêu cầu cơ bản của HDR. Thực tế công nghệ này được nhiều người quan tâm đơn giản vì nó có thể tái tạo chất lượng hình ảnh và màu sắc đẹp và ấn tượng gấp 3 lần so với những màn hình thông thường, màu sắc nhợt nhạt và thậm chí còn không chuẩn màu.
Mua card đồ họa nào để chiến game HDR?
Bỏ qua hai chuẩn HDR Dolby Vision 12 bit màu và chuẩn HDR-10 hiện tại, chúng ta chỉ cần quan tâm tới việc những card đồ họa và màn hình nào đủ sức để có thể "gánh" được tính năng này trong game. Kể từ series 900 của Nvidia, "đoàn quân xanh" đã bắt đầu hỗ trợ HDR, và đến dòng card đồ họa series 10, sử dụng GPU Pascal, tất cả các sản phẩm từ GTX 1060 tới GTX 1080 lẫn Titan X đều hỗ trợ hiển thị HDR cho game thủ.
Trong khi đó AMD với mẫu card đồ họa RX 480 hay 470 cũng đã bắt đầu hỗ trợ, tuy đi sau nhưng cũng đem lại cho game thủ trải nghiệm game ưng ý.
Chơi game với HDR sướng ra sao?
Thay vì những mảng màu nhợt nhạt thiếu sức sống, thì với những phần cứng đủ sức hỗ trợ, game thủ sẽ có thể trải nghiệm thế giới ảo ấn tượng và sống động hơn nhiều, từ đó cũng lôi cuốn và đã mắt hơn. Thế nhưng có một vấn đề vẫn còn tồn tại, đó là không phải nhà phát triển game nào cũng ứng dụng HDR. Mới chỉ có một số ít những game PC sử dụng công nghệ HDR đúng nghĩa thay vì chỉ mô phỏng và "đẩy gam màu" lên để cho giống HDR. Một trong số đó chính là Rise of the Tomb Raider.