Hàn Quốc vẫn cần đến Faker để giành lại vinh quang cho khu vực LCK

Loris CarryUs  - Theo Helino | 09/11/2018 11:59 PM

Sau một mùa giải thất bại toàn tập kéo theo sự tiếc nuối mang tên "Faker", một phóng viên Esports có tên Nick Geracie đã đưa ra những nhận định về vấn đề hiện tại của LCK

Màn trình diễn của các đội tuyển Hàn Quốc tại CKTG 2018 có thể nói là tồi tệ nhất trong lịch sử của LMHT khu vực này. Lối chơi kiểm soát của người Hàn đã không còn tối ưu và phù hợp với thời cuộc. Những sự thay đổi về meta trong mùa giải vừa qua đã đẩy mạnh tầm ảnh hưởng của những người chơi có kỹ năng cao và khả năng duy trì lợi thế của họ.

Và để nói về việc theo kịp lối chơi này và giành lại những vinh quang đã mất, người Hàn chỉ có thể đặt niềm tin vào một cái tên duy nhất: Lee "Faker" Sang-hyeok.

Hàn Quốc vẫn cần đến Faker để giành lại vinh quang cho khu vực LCK - Ảnh 1.

SKT T1 và Faker đã không thể tham dự CKTG 2018 sau khi bị loại bởi Gen.G tại Vòng loại khu vực Hàn Quốc. Tuy nhiên chàng trai này vẫn được coi là một trong những tuyển thủ xuất sắc nhất của LMHT thế giới. Hàn Quốc không chỉ cần một đội tuyển tốt nhất để tìm lại chiến thắng, mà phải cần tới cả tuyển thủ tốt nhất của họ.

Ví dụ như Afreeca và Gen.G, họ luôn là 2 cái tên nằm ở top đầu của LCK trong suốt năm 2018, ở mỗi đội tuyển lại có một vài cái tên tài năng, và họ thắng rất nhiều trận đấu trong mùa giải. Điểm chung là lối chơi của họ luôn duy trì như một bản nhạc đã được viết sẵn - Dẫn dụ đối phương để kéo dài trận đấu và đánh bại họ bởi kinh nghiệm cùng sự già dơ. Nhìn chung, đó là một lối chơi thiên về tính tập thể, nhưng khi một nốt nhạc bị xáo trộn, chẳng có vị nhạc trưởng nào trong số họ đủ khả năng để cứu vớt một ca khúc lạc nhịp.

Hàn Quốc vẫn cần đến Faker để giành lại vinh quang cho khu vực LCK - Ảnh 2.

Ngay cả ngôi sao sáng nhất của Afreeca là Kiin cũng không thể hiện được nhiều bởi lối chơi quá thụ động của đội tuyển này tại CKTG 2018

Trong một bài phỏng vấn với Inven Global, Chae "Piglet" Gwang-jin - Xạ thủ từng là Cựu vô địch thế giới, đã đề cập đến việc các đội tuyển Hàn Quốc đang bỏ qua lối chơi thiên về cá nhân:

"Tại Hàn Quốc, chúng tôi luôn được huấn luyện rằng không được tấn công khi không có người Đi rừng team mình xuất hiện tại khu vực gần đó. Nhưng tôi thì nghĩ khác, ngay cả khi có sự xuất hiện của người Đi rừng đối phương, thì người đi đường vẫn có thể chơi chủ động và tìm kiếm lợi thế. Đó là cách chúng ta nhìn nhận về một tuyển thủ có khả năng đi đường tốt."

Piglet đã đúng ở một khía cạnh nào đó. Gen.G Esports - Đương kim vô địch, thảm bại với vị trí bét bảng, còn Afreeca thì hoàn toàn tan vỡ trước Cloud 9, chỉ vì họ không cho phép tồn tại sự chủ động và đột biến của bất kỳ một cá nhân nào.

Hàn Quốc vẫn cần đến Faker để giành lại vinh quang cho khu vực LCK - Ảnh 3.

Piglet cho rằng chính lối chơi kỷ luật và không đề cao cá nhân đang giết chết LCK

KT thì khá khẩm hơn một chút, họ sở hữu những tài năng xuất chúng ở mọi vị trí, giúp đội tuyển này có thể xây dựng một lối chơi chủ động và đàn áp đối thủ. Nhưng rốt cuộc thì họ cũng bị đánh bại bởi IG.

Hàn Quốc chưa bao giờ khan hiếm tài năng, vấn đề ở đây là khoảng cách giữa họ và các khu vực khác đã hoàn toàn bị khỏa lấp. Ở thời điểm hiện tại, khả năng Đi đường là yếu tố quan trọng quyết định thành bại của trận đấu, và không thiếu những tuyển thủ ngoài LCK có đủ kỹ năng để đối đầu với bất kỳ tuyển thủ Hàn Quốc nào.

Uzi hay Perkz, những người cũng đã chịu thất bại tại CKTG 2018, cũng luôn cho thấy họ đủ khả năng để đè bẹp người Hàn trong giai đoạn Đi đường. Nhưng với Faker thì khác.

Hàn Quốc vẫn cần đến Faker để giành lại vinh quang cho khu vực LCK - Ảnh 4.

Rookie - Nhà vô địch thế giới mới, và là một trong 2 tuyển thủ được đánh giá cao nhất về khả năng đi đường của LMHT thời điểm hiện tại (người còn lại chính là TheShy), sau khi lên ngôi vô địch CKTG 2018 và được truyền thông tung hô như một siêu sao, vẫn dành những lời có cánh khi nhắc tới Faker:

"Tôi rất biết ơn khi mọi người so sánh tôi với Faker, nhưng tôi nghĩ tôi vẫn còn một chặng đường dài để tiệm cận được đẳng cấp của anh ấy. Tôi thậm chí chưa bao giờ nghĩ rằng có thể chiến thắng Faker trong vai trò của một người chơi Đường giữa. Mặc dù tôi đã trở thành nhà vô địch thế giới, và người hâm mộ có thể nghĩ rằng tôi là Mid-lane số 1, nhưng tôi không cho là như vậy. Tôi muốn nói với Faker rằng tôi luôn dõi theo những trận đấu của anh ấy, và hy vọng rằng anh ấy sẽ tiếp tục thể hiện một phong độ tuyệt vời trong tương lai."

Hàn Quốc vẫn cần đến Faker để giành lại vinh quang cho khu vực LCK - Ảnh 5.

Dù đã vô địch thế giới, Rookie vẫn dành sự tôn trọng tuyệt đối cho Faker

Có thể đây chỉ là một câu trả lời khiêm tốn của Rookie, nhưng không phải ngẫu nhiên mà anh ta lại nhắc tới Faker nhiều đến như vậy. Hãy nhìn lại năm 2017, một năm thất bại của SKT khi họ bị đè bẹp tại trận Chung kết CKTG, nhưng nhiều người lại cho rằng, đó mới chính là quãng thời gian mà Faker bộc lộ tố chất ngôi sao của mình một cách rõ nét nhất, khi anh ta tỏ ra có thể thích ứng với mọi lối chơi và sự thay đổi về meta, kể cả việc sử dụng một vị tướng mang thiên hướng bị động như Galio.

LCK 2019 sẽ đón nhận một làn sóng cải tổ mạnh mẽ, những đội tuyển thất bại đau đớn như Gen.G hay SKT sẽ gấp rút bổ sung nhân sự, và những tân binh tiềm năng như Griffin chắc chắn cũng sẽ không để bị thụt lùi lại phía sau.

Nhưng trên thực tế, tất cả những vòng xoáy thay đổi đó sẽ xoay quanh hạt nhân chính là Faker. Trên hết, anh ta là người sẽ thúc đấy sự phát triển của LCK với tầm ảnh hưởng của mình. Và câu hỏi nghi vấn rằng liệu LCK có thực sự là khu vực mạnh nhất của LMHT, hay chỉ có SKT là sự khác biệt, sẽ sớm được giải đáp.

Xem thêm:

lmht

Faker

LCK

CKTG 2018