Gran Turismo Sport cân bằng một cách hoàn hảo giữa lối chơi chân thực, đồ họa bắt mắt nhưng lại có bầu không khí khoáng đạt, trẻ trung
Gran Turismo Sport - Vũ điệu tốc độ của người Nhật Bản - Ảnh 1.

ăm 1997, thời điểm có thể nói là dấu mốc mang tính cách mạng đối với những fan cuồng của thể loại game đua xe mô phỏng. Sau 5 năm dài đằng đẵng từ 1992, Kazunori Yamauchi cùng nhóm phát triển chỉ vỏn vẹn 7 người đã hoàn thành phiên bản đầu tiên của Gran Turismo, tựa game đua xe mô phỏng ra mắt trên nền PlayStation. Kể từ đó đến nay đã 2 thập kỷ trôi qua, và Gran Turismo trở thành một trong những "chân vạc" hoàn hảo của làng game đua xe thế giới, bên cạnh những cái tên ra mắt sau này.

Gran Turismo Sport - Vũ điệu tốc độ của người Nhật Bản - Ảnh 3.

Gran Turismo (PS1 - 1997)

Năm 2017 cũng không vậy. Trong cùng một năm, chúng ta có Project Cars 2, Forza Motorsport 7, và mới nhất là Gran Turismo Sport, tạo ra thế "chân vạc" của làng game đua xe mô phỏng.

Tiếc thay, người Việt chúng ta dù yêu mến Sony PlayStation hết mực, nhưng lại có phần lờ đi một trong những tuyệt phẩm hay nhất trên nền tảng máy chơi game của người Nhật Bản. 

Chúng ta mê mẩn "Bóng đá Nhật" trên PS1, chăm chú theo dõi từng đoạn cắt cảnh của Final Fantasy X trên PS2, cuồng loạn với Kratos trong God Of War 3 trên PS3, và giờ đây là bỏ hàng giờ đồng hồ thống trị sân cỏ với PES 2018 trên PS4. Vậy là chúng ta quên đi mất, người Nhật Bản cũng có một tuyệt phẩm khác mà ít ai ở Việt Nam biết đến.

Gran Turismo Sport - Vũ điệu tốc độ của người Nhật Bản - Ảnh 4.

Gran Turismo 4 (PS2 - 2004)

Tròn hai mươi năm sau khi phiên bản Gran Turismo đầu tiên ra mắt, phiên bản mới nhất của series, Gran Turismo Sport (GTS) đã chính thức được phát hành vào ngày 17/10 vừa rồi, và nó thực sự là một cuộc lột xác ngoạn mục để đưa series GT đến với đông đảo cộng đồng game thủ hơn, thời thượng hơn. 

Gran Turismo Sport - Vũ điệu tốc độ của người Nhật Bản - Ảnh 5.

Gran Turismo Sport (PS4 - 2017)

Thế nhưng cùng lúc, cái hồn và cá tính riêng của Yamauchi cùng đồng nghiệp tại Polyphony Digital đưa vào game vẫn tồn tại như một giá trị độc đáo của làng game, thứ chưa từng có một ai, hay tựa game nào khác bắt chước thành công.

Gran Turismo Sport - Vũ điệu tốc độ của người Nhật Bản - Ảnh 6.

"Gran Turismo", cụm từ tiếng Ý có nghĩa "chuyến đi lớn". Kể từ khi con người phát minh ra động cơ đốt trong đầu thế kỷ XX, và ứng dụng chúng như một công cụ giúp sức cho nhân loại, một nhóm những kẻ mạo hiểm và có gu đã nghĩ đến việc tạo ra những chiếc xe hơi chạy đủ nhanh nhưng vẫn phải vô cùng thoải mái để chinh phục những cung đường hiểm trở nhưng đẹp đến ngất ngây khắp châu Âu, thưởng thức đồ ăn, âm nhạc ở những nơi họ dừng chân.

Gran Turismo Sport - Vũ điệu tốc độ của người Nhật Bản - Ảnh 7.

"The Grand Tour" ra đời, và chính bản thân nó đã trở thành nền móng cho bộ môn thể thao tốc độ như ngày hôm nay.

Từ việc chinh phục những cung đường, đua xe đã tiến hóa rất nhiều. Ngay sau Thế chiến thứ nhất, những cuộc đua Grand Prix được tổ chức trên đường đất, và nó chính là tiền đề của Công thức 1 ngày hôm nay. Để thử nghiệm sức bền bỉ của một chiếc xe, Le Mans 24h xuất hiện, đòi hỏi các đội đua phải có những chiếc xe tốt nhất, bền nhất và đương nhiên, nhanh nhất.

Gran Turismo Sport - Vũ điệu tốc độ của người Nhật Bản - Ảnh 8.

Những cung đường hiểm trở đầy đất đá lại là sân chơi của những tay đua Rally, những kẻ máu lạnh trong đầu không có sự sợ hãi, chỉ có những con số và phản xạ nhanh như điện.

Tất cả đều có trong Gran Turismo Sport. Bạn thích bộ môn tốc độ nào, miễn là 4 bánh, game cũng đem tới cho bạn một trải nghiệm khó lòng có thể hoàn hảo hơn.

Gran Turismo Sport - Vũ điệu tốc độ của người Nhật Bản - Ảnh 9.

Nếu có một danh từ để mô tả toàn bộ tựa game Gran Turismo Sport, đó chỉ có thể là cá tính. Đừng để đoạn phim cắt cảnh đầu game đánh lừa bạn với bản nhạc piano nhẹ nhàng tinh tế và đầy tính điện ảnh dưới đây. Người Nhật làm game hay đã đành, thế nhưng thứ khiến cho họ nổi tiếng lại là khả năng tạo ra cá tính riêng của một trò chơi. 

Gran Turismo Sport Opening Scene

Khi vào đến menu chính, những bản nhạc jazz fusion, funk hay lounge "đặc sản" không lẫn đi đâu được bắt đầu vang lên, tạo ra một bầu không khí tươi tắn, trẻ trung và khác biệt hoàn toàn so với những Project Cars 2 hay Forza, những tựa game cùng thể loại nhưng tối ưu hòa âm với dàn nhạc, khiến game thủ "sôi máu", đạp ga tốc độ gần 300 km/h trên đường cứ như đang đi giải cứu thế giới vậy.

Gran Turismo Sport - Vũ điệu tốc độ của người Nhật Bản - Ảnh 11.

Ngay cả khi đang ở trên đường đua, những bản Japan rock vẫn vang lên thay vì chỉ có tiếng động cơ và lốp chói tai, từ dó tạo ra sự cuốn hút riêng trong từng cuộc đua, từng khúc cua. GTS khác, rất khác so với đối thủ, và đó cũng là lý do khiến tôi không thể nào rời mắt khỏi tựa game này, bất chấp những tùy chọn đồ họa trên PS4 đã bị tinh giảm đi rất nhiều để khiến game mượt nhất có thể. Cái này chúng ta sẽ bàn đến ở đoạn sau của bài viết đánh giá.

Gran Turismo Sport - Vũ điệu tốc độ của người Nhật Bản - Ảnh 12.

Khởi đầu game, bạn được lựa chọn vài chiếc xe road car rất quen thuộc, Huyndai Genesis, Toyota 86, hay Volkswagen Scirocco. Ngoài đường phố Việt Nam, chúng xuất hiện nhan nhản, và cảm giác cầm lái những chiếc xe có thật ngoài đời, lao vun vút như cơn gió trong từng đường đua là một trải nghiệm lạ mà quen rất cuốn hút. 

Càng lên cao, đua nhiều, hoàn thành nhiều nhiệm vụ game đặt ra, bạn sẽ lên level để mở khóa những đường đua mới, đủ tiền sắm những chiếc xe mới để đối mặt với những thử thách khó khăn hơn.

Gran Turismo Sport - Vũ điệu tốc độ của người Nhật Bản - Ảnh 13.

Không như những phiên bản trước, GTS ném người chơi vào những cuộc đua online với hàng chục đối thủ ở khắp nơi trên thế giới, thay vì bắt bạn phải trải qua từng phần chơi campaign cơ bản với AI. 

Lý do là, sau khi ký được bản hợp tác với FIA, liên đoàn ô tô quốc tế, GTS sở hữu những giải đấu và hệ thống leaderboard với từng cấp bậc khác nhau, từ E cho đến S, và việc bạn có được "tấm bằng lái" cùng những thông tin được game đảm bảo cũng cho phép bạn lái những chiếc xe đua thật ở ngoài đời chứ không riêng gì trong game, đó là thứ không một game nào khác có được.

Gran Turismo Sport - Vũ điệu tốc độ của người Nhật Bản - Ảnh 14.

Tính chuyên nghiệp của game cũng được mô tả ngay ở phần Arcade. Bạn có thể chọn đường đua, đối thủ máy mạnh cỡ nào, đua bao nhiêu vòng,… Còn ở phần chơi mạng, với việc bắt tay với FIA, game thủ chơi GTS có thể thưởng thức từng cuộc đua theo từng cấp bậc của xe, từ N300 (thấp nhất) cho đến Group X, nơi những con quái vật tốc độ đúng nghĩa đen so tài.

Lời khuyên của chúng tôi là hãy bắt đầu với những chiếc xe chậm chạp, dễ lái để làm quen với từng cung đường xuất hiện trong game,  trước khi đặt tay vào vô lăng điều khiển những chiếc xe siêu nhanh như Bugatti Veyron, Audi R18 TDR LMP hay Aston Martin Vulcan. Trong những tựa game đua xe mô phỏng như thế này, luôn có thứ gọi là "learning curve", và mỗi khúc cua, mỗi cú phanh hay tăng tốc đều là những bài học dành cho bất kỳ game thủ nào thưởng thức GTS.

Gran Turismo Sport - Vũ điệu tốc độ của người Nhật Bản - Ảnh 15.

Gran Turismo Sport - Vũ điệu tốc độ của người Nhật Bản - Ảnh 16.

Đương nhiên trong GTS, bạn đừng nghĩ đến việc kéo chiếc xe lên cỡ 200km/h rồi nhấp phanh làm một cú drift thần sầu bốc khói qua những khúc cua tay áo của Suzuka hay Nordschleife. Điều đó chỉ khiến bạn lao vào vệ đường và làm mất vị trí của bản thân cho tay đua ngay phía sau mà thôi. Đây không phải Fast And Furious, và bạn sẽ phải thực hiện từng khúc cua, từng pha vượt giống hệt như những tay đua chuyên nghiệp: Phanh ở đoạn đường thẳng, rồi dần tăng tốc và đánh lái, cùng lúc phải giữ khoảng cách và không tạo ra kẽ hở để đối phương vượt lên.

Gran Turismo Sport - Vũ điệu tốc độ của người Nhật Bản - Ảnh 17.

May mắn thay, game cũng cho bạn một vài tính năng trợ giúp, ví dụ như trợ lực tay lái, phanh và ga. Nếu đã quen, bạn có thể nâng độ khó của game lên một mức mới bằng cách tự mình lái xe và chỉ sử dụng những tính năng như chỉ thị đường đua hoặc theo ý kiến riêng của chúng tôi, hay nhất là những vị trí game đánh dấu cho phép bạn biết được khi nào nên phanh và khi nào nên tăng tốc.

Gran Turismo Sport - Vũ điệu tốc độ của người Nhật Bản - Ảnh 18.

Thay vì sử dụng những đường hỗ trợ đổi màu, xanh tăng tốc, đỏ phanh lại, thì GTS lại từ chối "dắt tay" chúng ta, khiến game thủ toát mồ hôi hột với những chiếc nón đặt cạnh vệ đường. Những chiếc nón này chính là chỉ thị rõ ràng nhất thông báo cho bạn biết lúc nào cần phanh.

Lấy ví dụ khi lái xe tốc độ cao tới gần hai chiếc nón đặt cạnh nhau, ngoài việc nhả ga và nhấn chặt phanh để giảm tốc, bạn không có nhiều lựa chọn khác. 

Gran Turismo Sport - Vũ điệu tốc độ của người Nhật Bản - Ảnh 19.

Rally trên GTS được thể hiện quá xuất sắc.

Trong khi đó nếu chỉ có 1 chiếc nón ở vệ đường, bạn sẽ có thể tùy ý điều khiển chiếc xe theo ý muốn và kinh nghiệm của bản thân, có thể nhả ga để xe chậm lại, cua dễ hơn, hay tiếp tục dồn nhẹ chân ga để cua, giữ được tốc độ và khoảng cách với xe phía sau.

Phải khẳng định rằng, Gran Turismo Sport mô phỏng quá xuất sắc hiệu ứng lốp xe trên mặt đường nhựa, đường đất, và cả hệ thống giảm xóc nữa. Những điểm lồi lõm trên đường đều được tái hiện chân thực đến từng khung hình, thậm chí tác động lên cả tay lái của người chơi nếu bạn sử dụng những chiếc vô lăng cao cấp như Logitech G29 hay Thrustmaster T500RS. Những khúc cua sẽ khiến bạn toát mồ hôi hột giữ vô lăng cân bằng để xe không lao ra ngoài cung đường, chẳng khác gì những tay đua chuyên nghiệp.

Gran Turismo Sport - Vũ điệu tốc độ của người Nhật Bản - Ảnh 20.

Vẫn đầy đủ những chế độ hiển thị: Góc nhìn thứ 3, Cockpit View và Hood View.

Cùng với đó, pit stop, nơi game thủ ghé chân thay lốp và đổ xăng cũng được triển khai một cách xuất sắc, không phải ngoa ngôn. Bạn có thể chọn thay lốp xe dạng cứng hoặc mềm phụ thuộc vào chế độ đua ngay khi tiếp cận đường pit, và AI sẽ thay đổi ngay cho bạn trong tích tắc. Đội ngũ phát triển game không chỉ tạo ra trải nghiệm lái chân thực nhất có thể, mà cũng chuyên nghiệp nhất từ trước tới nay, không game đua xe mô phỏng nào sánh được bằng.

Khi đã quen với chiếc xe, bạn có thể "vọc" thoải mái để có được thành tích tốt nhất, ví dụ như thay đổi độ cứng của giảm xóc, trang bị lốp mềm hơn, từ đó khiến xe đạt tốc độ cao hơn, hoặc ngược lại tùy nhu cầu và độ dài chặng đua. Những tùy chỉnh này đều đầy đủ, phục vụ cho những "dân chuyên" nơi thành tích một phần nghìn giây cũng tạo nên khác biệt.

Gran Turismo Sport - Vũ điệu tốc độ của người Nhật Bản - Ảnh 21.

Cách điều khiển của game, trong trường hợp bạn không có vô lăng đắt tiền cũng là điểm cộng lớn. Hoặc bạn sẽ điều khiển xe lái sang hai bên bằng cần analog trái, nhưng tuyệt nhất là cơ chế điều khiển cảm biến chuyển động của tay cầm Dualshock 4. Lúc này, bạn sẽ phải cầm controller thẳng đứng, và "lái" tay cầm sang hai bên, y hệt như khi đánh lái vô lăng, vừa chính xác vừa chân thực.

Tuy nhiên không phải vì thế mà chúng ta có thể khẳng định Gran Turismo Sport là game đua xe chân thực nhất lịch sử. Vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại khiến những game thủ khó tính nhất phải lắc đầu ngán ngẩm. Đầu tiên là mô phỏng lốp xe đôi khi không chân thực, quá trơn, giống như khi bạn lái xe trên nền đá cẩm thạch bóng loáng thay vì đường nhựa, chỉ cần kéo ga quá đà một chút là xe sẽ quay mòng. Còn về hiệu ứng thời tiết, không có trời mưa, không có bão tuyết, cũng không có real time effect. Những thứ tạo ra thử thách tối cao cho mọi tay đua đều không xuất hiện trong game.

Gran Turismo Sport - Vũ điệu tốc độ của người Nhật Bản - Ảnh 22.

Không có hiệu ứng thời tiết xấu là điểm trừ rất lớn của Gran Turismo Sport.

Bản thân lốp xe, động cơ và mặt đường có nóng đến mấy cũng không vấn đề gì, còn trong Project Cars hay Forza 7, trong những cuộc đua endurance thử sức bền, bạn hoàn toàn có thể khiến động cơ nổ tung nếu đạp ga không cẩn thận. Đó là những điểm trừ lớn nếu game thủ là một tay đua sành sỏi, muốn mọi thứ phải hoàn hảo từng chi tiết.

Nhưng đối với Polyphony Digital, họ không cần phải làm như vậy, vì bản thân Gran Turismo Sport là một tựa game đua xe mô phỏng dành cho tất cả mọi người, ai cũng có thể tiếp cận và chơi được, không quá khó khăn khiến họ bỏ game. Điều này, đối với những game thủ Việt vốn mê Need For Speed, đó hoàn toàn là điều tốt, chứ chẳng tồi tệ chút nào.

Gran Turismo Sport - Vũ điệu tốc độ của người Nhật Bản - Ảnh 23.

Là một game đua xe độc quyền trên nền PS4, đương nhiên Gran Turismo Sport có lối đi riêng của mình. Trên nền PS4 Pro, tựa game đẹp xuất sắc, FPS ổn định ở độ phân giải 4K, trong khi đó trên PS4, dù game vẫn đẹp, nhưng khi nhìn gần sát màn hình, không thể nào tránh được những chi tiết đã được nhà làm game lược bỏ để trò chơi mượt mà nhất có thể.

Gran Turismo Sport - Vũ điệu tốc độ của người Nhật Bản - Ảnh 24.

Lấy ví dụ, bóng đổ trên bề mặt những chiếc xe bóng loáng vừa giật, vừa nhiều răng cưa. Hoặc khi nhìn trên bề mặt đường đua Nordschleife, hai bên đường cỏ mọc thưa thớt, chẳng hề um tùm được như ngoài đời thật. Đổi lại, chi tiết đường nhựa, những hình vẽ graffiti trên mặt đường hay những rặng núi trải dài vô tận của xứ Nurburg, nước Đức hiện ra đẹp đến nao lòng, nếu không phải tập trung ôm từng khúc cua, có lẽ khung cảnh tuyệt mỹ của GTS sẽ khiến bạn phải ngạc nhiên.

Gran Turismo Sport - Vũ điệu tốc độ của người Nhật Bản - Ảnh 25.

Đổi lại những chi tiết không mấy sống động so sánh với những tuyệt phẩm trên PC vì PS4 có sức mạnh phần cứng không mấy dư dả, là những mô hình xe đua chính xác đến từng chi tiết, và đường đua cũng hết sức ấn tượng. Khi nói về sự chi tiết, chúng ta có thể nói đến từng con ốc trên lốp xe, hay núm vặn điều chỉnh điều hòa nhiệt độ trong xe. Những tiểu tiết như thế này khiến từng cỗ xe trong game đều là những tác phẩm bạn có thể chiêm ngưỡng hàng giờ liền.

Gran Turismo Sport - Vũ điệu tốc độ của người Nhật Bản - Ảnh 26.

Là một nhà phát triển "con cưng" của Sony, việc GTS sở hữu hình ảnh ấn tượng là điều không hề khó tưởng tượng. Thế nhưng những chi tiết đồ họa tuyệt vời nhất của game lại không nằm ở gameplay, mà là ở cơ chế chọn màu xe real time và chức năng Landscape độc đáo nhất làng game. Khi chọn màu xe ở các game khác, bạn sẽ phải chờ game load texture của chiếc xe với màu sắc bạn chọn. Nhưng trong GTS, chỉ cần chọn màu, chiếc xe vẫn di chuyển nhưng màu sắc sẽ thay đổi hoàn toàn, rất hút mắt.

Đổi màu xe mượt như thế này, chỉ có GTS mới làm nổi.

Còn Landscape lại là một công cụ "tự sướng" cực chuẩn mực của game. Yamauchi cùng đồng nghiệp đã bỏ ra vài năm trời chụp lại những cảnh đẹp nhất trên thế giới, từ Nhật đến Đức, từ châu Á đến châu Mỹ và cho phép bạn… đặt chiếc xe của mình vào để chụp hình. 

Gran Turismo Sport - Vũ điệu tốc độ của người Nhật Bản - Ảnh 28.

Xe ảo nhưng thế giới thật, trải nghiệm độc đáo khiến bạn nghiền ngẫm game hàng giờ đồng hồ liền.

Gran Turismo Sport - Landscape Mode


Gran Turismo Sport - Vũ điệu tốc độ của người Nhật Bản - Ảnh 30.

So với hơn 1.200 chiếc xe của Gran Turismo 6 ra mắt năm 2013, thì con số 177 chiếc xe trong Gran Turismo Sport chỉ như muối bỏ bể. Cùng với đó, game cũng chỉ có gần 20 đường đua trên toàn thế giới, và đa phần trong số chúng đều nằm ở Nhật Bản như Suzuka hay Tokyo Circuit, hoặc những địa danh ít nổi bật trong làng tốc độ thế giới, ngoại trừ "The Green Hell" huyền thoại, Nurburgring Nordschleife. Điều này sẽ khiến các fan cuồng tốc độ hơi thất vọng một chút vì không được tranh tài tại những địa danh nổi tiếng khác như Monte Carlo Circuit hay Spa Francorchamps.

Gran Turismo Sport - Vũ điệu tốc độ của người Nhật Bản - Ảnh 31.

Trong tương lai, cha đẻ của game đã hứa hẹn sẽ tiếp tục cập nhật thêm sau khi sở hữu được bản quyền các đường đua, cả số lượng xe cũng sẽ tăng lên nữa. Ở thời điểm hiện tại, những cỗ máy tốc độ nhanh nhất thế giới đều quy tụ trong tựa game này, cho phép bạn tập lái, thử nghiệm và tranh tài với hàng vạn game thủ khác trong khu vực.

Ấy là chưa kể game đôi lúc khiến bạn ngồi hàng giờ trước màn hình TV đọc ngấu nghiến những trang lịch sử của các hãng xe lâu đời như McLaren hay Aston Martin, hoặc chọn ra khung cảnh hoàn hảo nhất để chụp chung với chiếc xế hộp bạn yêu mến.

Gran Turismo Sport - Vũ điệu tốc độ của người Nhật Bản - Ảnh 32.

Người chơi đến từ khắp nơi trong khu vực, nhưng không phải ai cũng "try hard" mà có những người chỉ muốn giao lưu kết bạn.

Nếu có nhu cầu thi đấu, chế độ chơi online đa dạng các lựa chọn từ Race For Fun, Cruising cho những người thích khám phá, Learning, Sharing Tip cho game thủ đang học hỏi, hay thậm chí là chế độ "try hard" Race For Real đều có đầy đủ để thỏa mãn cơn khát tốc độ của bạn.

So sánh với hai đối thủ trực tiếp ra mắt trong năm nay là Forza Motorsport 7 và Project Cars 2, Gran Turismo Sport không thể đồ sộ bằng, nhưng cách chơi dễ tiếp cận, dành cho tất cả mọi người, từ mới học chơi đến tay đua dày dạn kinh nghiệm lại là thứ khiến cho nó là một trong những cái tên đáng gờm nhất dịp cuối năm 2017 này.

Gran Turismo Sport - Vũ điệu tốc độ của người Nhật Bản - Ảnh 33.

Nó khác biệt hoàn toàn với đối thủ, khi đưa một làn gió mới vào thể loại game vốn rất kén người chơi. Nếu Project Cars 2 mang dáng dấp của một bom tấn chỉ dành cho giới hardcore, thì Gran Turismo Sport lại cân bằng một cách hoàn hảo giữa lối chơi chân thực, đồ họa bắt mắt nhưng lại có bầu không khí khoáng đạt, trẻ trung. 

Nó rất "dị", nhưng lại theo một cách mà khi bạn đã bắt đầu thì chẳng thể nào bỏ chiếc tay cầm xuống được.

Nút Chuối
Theo Trí Thức Trẻ24/10/2017