Theo Trí Thức Trẻ | 22/03/2019 01:23 PM
Hôm đầu tuần, Google ra mắt dịch vụ cho phép người dùng chơi game trực tiếp trên nền tảng đám mây chỉ với kết nối Internet, có tên Stadia. Họ công bố tên tuổi và logo dự án, trình diễn Doom Eternal trên sân khấu và cung cấp một danh sách dài những game có thể chơi trên Stadia; không còn thông tin đáng chú ý nào khác, nên buổi trình diễn của Google khiến ta thắc mắc quá nhiều thứ.
Nhưng câu hỏi dấy lên là tại sao Google phải bươn chải vào ngành game khó khuất phục để làm gì? Chẳng phải họ nắm giữ phần lớn thị trường tìm kiếm trên mạng, quảng cáo online, trình duyệt web, hệ điều hành smartphone hay sao? Hà cớ gì Google phải nai lưng ra bắt tay với một loạt hãng game lớn?
Sau khi đọc bài viết này của The Verge, tôi đã bị thuyết phục: Google không đánh vào một thị trường mới, mà đang dựng lên lớp lá chắn cho một khía cạnh họ cũng đang thống trị, đó là xem video trực tuyến.
Nếu bạn muốn xem video trên mạng, từ bật lên đầu tiên của bạn sẽ là YouTube. Đây là nơi sản sinh ra những nội dung, những cộng đồng sáng tạo vô cùng, là nền tảng kiếm tiền của hàng loạt ngôi sao mới nổi, và dĩ nhiên, là nơi đến của đa số video liên quan tới game. Cá nhân nắm giữ lượng đăng ký nhiều nhất (và sắp là nhiều nhì) YouTube là PewDiePie, một anh chàng nổi tiếng nhờ đam mê stream game lên YouTube.
Ngành game phát triển, YouTube là nơi đến đầu tiên của các trailer game, các bài review dài cả tiếng, các video nội dung liên quan như phỏng vấn, tìm hiểu về quá trình phát triển, v.v…
Khi ngành thể thao điện tử nở rộ, hầu hết các video liên quan tới các giải đấu đều sẽ xuất hiện trên YouTube, bên cạnh nền tảng stream khác là Twitch.
Dù đúng là Twitch của Amazon thống lĩnh mảng xem trực tuyến game, nhưng tất cả những kênh Twitch lớn đều có tài khoản YouTube chính thức, các video "hot" nhất đều sẽ lên YouTube. Đủ cơ sở để an toàn khẳng định: YouTube chiếm thế độc tôn mảng lưu trữ và phân phối video tới người dùng.
Còn về dự án Stadia của Google, nó được truyền lửa từ mục đích chiếm hữu thị trường lưu trữ video liên quan tới game. Ngay tại thời điểm này, Google sở hữu tới 200 triệu tài khoản đăng nhập hàng ngày để xem nội dung liên quan đến game. Năm 2018, số giờ xem nội dung liên quan tới game đạt con số 50 tỷ, tức trung bình 136 triệu giờ xem/ngày.
Ryan Wyatt, giám đốc mảng game của YouTube nhận định: "Game đã luôn là xương sống của YouTube từ những ngày đầu nó được thành lập".
Nhìn rộng ra, ta sẽ thấy một mảng lớn liên quan tới ngành game sẽ lên nền tảng đám mây, bất cứ hãng ngành game nào – Microsoft, Sony, NVIDIA, Valve hay thậm chí là Amazon – sẽ đều chung xu thế. Khi bước chuyển mình tới, Google sẽ đổi mặt với những vấn đề chưa từng xuất hiện: cách game thủ chia sẻ các đoạn video cho cộng đồng sẽ khác nhiều.
Đối thủ của Google đã và đang tiến hành những bước quan trọng đầu tiên: cả người chơi trên Xbox và PlayStation đều đã có thể chia sẻ nội dung game thông qua hệ thống có sẵn trong máy. Microsoft và Sony đã tính tới bước loại bỏ YouTube của Google ra khỏi thị trường vốn vẫn tồn tại chục năm nay.
Khi Google quảng bá Stadia trên sâu khấu của GDC, họ đưa lên YouTuber nổi tiếng MatPat. Anh chàng trẻ liên tục diễn thuyết về sự tuyệt vời của Stadia, ca ngợi nền tảng cho phép người làm nội dung trên YouTube tương tác dễ dàng hơn với khán giả của mình, phông nền của toàn bộ quá trình tương tác sẽ chính là game. Theo The Verge, đây chính là mục đích của Stadia.
Matpat không phải là streamer, anh tìm và viết ra những giả thuyết hay liên quan tới game, để chia sẻ cho những người muốn tìm hiểu về tựa game ưa thích.
Không có nghĩa công nghệ đứng đằng sau Stadia kém phần ấn tượng, hay cách thức chơi game mới sẽ làm cả ngành game thao thức, nhưng nhận định The Verge đưa ra vẫn xoay quanh việc: YouTube mới chính là trọng tâm của Stadia.
Bản thân tay cầm chơi game Stadia cũng nói lên mục đích của Google
Mặt dưới của tay cầm là dòng mã Konami huyền thoại: ↑↑↓↓←→←→BA, khiến game thủ thích thú. Nhưng hãy chú ý tới mặt trên, nơi có một nút kích hoạt trợ lý ảo Google Assistant và một để chụp quay màn hình.
So với tay cầm chơi game của Xbox và PlayStation, nó có thêm 3 nút: gọi trợ lý ảo, quay lại màn hình và nút liên kết thẳng tới dịch vụ Stadia.
Nút quay màn hình, chức năng hiển nhiên là để quay lại những gì có trên màn hình, sẽ cho phép game thủ chia sẻ video lên YouTube dễ dàng hơn bao giờ hết. Nút gọi trợ lý ảo sẽ để game thủ dựa dẫm lúc gặp trở ngại khó vượt qua trong game, nó sẽ cho người chơi trải nghiệm xuyên suốt, không bị ngắt quãng khi phải lên Google để tra tư liệu liên quan tới game.
Rất nhiều câu hỏi với đại ý "tại sao Google lại làm thế" có thể được trả lời theo kiểu rất cùn mà thật: "Tại vì Google có thể làm thế".
- Họ đã có cơ sở nền tảng đám mây mạnh mẽ, chỉ có hai đối thủ thực sự là AWS của Amazon và Azure của Microsoft.
- Họ đang từng bước cố gắng hoàn thiện trợ lý ảo Google Assistant. Nhiều khả năng đây sẽ là trợ thủ đắc lực của game thủ tương lai.
- Họ sở hữu công cụ tìm kiếm Google, cho phép game thủ tìm bất cứ thứ gì liên quan tới game đang chơi.
- Và hiển nhiên nhất, họ sở hữu YouTube, nền tảng video lớn nhất thế giới.
Có thể tưởng tượng ra viễn cảnh Stadia sẽ được quảng bá rầm rộ ra sao, khi Google sở hữu tới ba đại lộ quảng cáo lớn: Google Ads, YouTube và Google Search.
Google giỏi đi đánh chiếm địa bàn hơn là bắt tay hợp tác
Lý do để The Verge tin Stadia là điểm tựa cho YouTube tiếp tục bứt lên: các đối thủ của Google đang ngày một lớn mạnh. Twitch đang ngày một phát triển với số giờ xem tăng ngày một nhiều, và mục đích "đưa mọi thứ lên mây" chắc chắn có trong dự định tương lai của các hãng công nghệ lớn. Cách đưa game tới người dùng là một phần, còn cách người dùng muốn cho toàn thế giới xem cách mình chơi game lại là một phần riêng biệt. Sẽ không bao giờ tồn tại được một YouTube thứ hai nữa, nhưng điều đó không có nghĩa những nguồn nội dung phát triển cho YouTube không thể tự bay cao, bay xa tới những nơi ở mới.
The Verge nêu lên ví dụ của Facebook mua lại WhatsApp và Instagram, cả hai thứ đều không ảnh hưởng tới mô hình kinh doanh của Facebook, vẫn đưa người dùng tới một nơi khác xa với Facebook.
Trong quá khứ, đã có lúc Google lấy YouTube ra làm thứ vũ khí lợi hại nhất của mình.
- Đối đầu với Microsoft, Google chặn việc phát triển ứng dụng YouTube trên nền tảng Windows Phone, ngăn đối thủ của hệ điều hành Android phát triển từ trong trứng nước. Ta đều biết kết cục cuộc chiến ra sao.
-Đối đầu với Amazon, Google chặn YouTube trên loa thông minh Echo Show, nhưng rồi cũng phải mở lại.
Chắc chắn khi Amazon hay Microsoft tung ra sản phẩm chơi game trên nền tảng đám mây của mình, Google sẽ tận dụng tối đa tầm ảnh hưởng của YouTube.
Những người yêu thích công nghệ chúng ta đã quen thuộc với quá khứ chinh chiến của Google: bản thân là một công ty cung cấp dịch vụ tìm kiếm, họ tạo ra Chrome để thoát khỏi Internet Explorer của Microsoft, tạo ra Android và Chrome OS cho cả hai thị trường hệ điều hành di động và máy tính cá nhân. Điều tương tự sẽ tiếp diễn với YouTube và Stadia.
Tương lai của game trên nền tảng đám mây đang tới, và thay vì hòa nhập với cộng đồng những kẻ dẫn đầu, họ tự tin bước lên với tham vọng trở thành bá chủ. Bởi lẽ con quái vật sinh lời YouTube cần được bón cho ăn.