- Theo Trí Thức Trẻ | 08/10/2021 11:59 PM
Chiều ngày 08/10, cộng đồng LMHT xứ Trung được một phen rúng động. Huyền thoại của họ - “Thần Rừng” Mlxg tuyên bố đâm đơn kiện công ty quản lý của mình. Đặc biệt, công ty này đồng thời cũng là “anh em một nhà” với Royal Never Give Up - đội tuyển cũ của Mlxg. Theo cựu tuyển thủ, công ty quản lý đã có sự gian dối trong những thương lượng với anh, đồng thời, theo nhiều dân mạng bình luận bên dưới bài đăng của cựu tuyển thủ, công ty này đã có nghi vấn giam tiền lương thưởng khi stream của Mlxg và khiến cuộc sống của anh trở nên vô cùng khó khăn.
Những bản “hợp đồng nô lệ” nổi tiếng làng LMHT
Từ chuyện của Mlxg, người ta ngay lập tức nhớ ngay 1 trường hợp khác gần gũi với Mlxg không kém: Xạ Thủ huyền thoại Uzi. Dù có thể cuộc sống của Uzi khá khẩm hơn Mlxg, nhưng anh cũng đang trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi dính phải những điều khoản ràng buộc khắc nghiệt với RNG, kể cả ở hiện tại, Uzi đã giải nghệ.
Uzi cũng bị trói buộc bởi những điều luật khắc nghiệt trong hợp đồng
Cụ thể, trường hợp của “Xạ Thủ quốc dân” chính là trong thời gian còn thi đấu, lẽ dĩ nhiên, RNG cũng ký những hợp đồng ràng buộc về việc quản lý stream của Uzi, chuyện chuyển nhượng, v.v… Nhưng điều khiến cộng đồng LMHT xứ Trung và fan của Uzi phẫn nộ chính là, ngay khi hợp đồng của Uzi chuẩn bị kết thúc, bạn gái của Xạ Thủ kỳ cựu đã thông tin trên MXH Weibo là RNG đã “tranh thủ” bán một phần hợp đồng của Uzi cho bên thứ 3. Đáng chú ý, một trong những điều khoản của hợp đồng này quy định: Uzi chỉ được thi đấu cho riêng RNG, và bất kỳ đội nào khác muốn chiêu mộ anh sẽ phải bỏ ra một khoản tiền khổng lồ giải phóng hợp đồng.
Bạn gái Uzi từng tiết lộ hợp đồng của Uzi bị RNG bán ngay khi gần hết hạn
Kết quả: Uzi bây giờ chỉ có thể livestream qua ngày và chứng kiến những tuyển thủ cùng thời, các đàn em tiếp tục chinh phục các vinh quang mới. Không một đội nào muốn (hay sẵn sàng) bỏ ra khoản tiền lớn để chiêu mộ một tuyển thủ mà hạn sử dụng chỉ còn khoảng 1 - 2 năm là tối đa. Nhưng, đối với một tuyển thủ khao khát chức vô địch CKTG như Uzi, anh thực sự cảm thấy không thể chịu đựng nổi. Chưa kể, việc stream của Uzi cũng không quá suôn sẻ. Anh nổi tiếng, nhưng anh không phải là 1 người phù hợp để làm những content câu view. Anh chỉ có những buổi stream thuần chuyên môn, hoàn toàn không thể thu hút bằng Faker hay Doinb và Uzi còn không có một ekip hỗ trợ tới nơi tới chốn như 2 người đồng nghiệp nổi tiếng. Ở Uzi bây giờ, ngoài danh xưng “Xạ Thủ huyền thoại” thì anh chẳng còn gì nữa sau khi kết thúc sự nghiệp tại RNG.
Uzi bây giờ chỉ còn có thể ngậm ngùi nhìn các đồng nghiệp, đàn em thi đấu
Ở khu vực đối địch với LPL, có lẽ nhiều fan LMHT lâu năm sẽ biết mối quan hệ giữa Kanavi và Griffins. Cách đây hơn 2 năm, sự kiện “bản hợp đồng nô lệ” của Kanavi khiến cả Quốc hội Hàn Quốc phải vào cuộc. Riot Trung Quốc, Riot Hàn Quốc và Hiệp hội Thể thao điện tử Hàn Quốc phải nhanh chóng lập tổ điều tra. Còn tuyển thủ đi rừng tài năng của JD từng phải trải qua thời gian thất nghiệp, phải ở nhờ nhà của Dopa trước khi được về với gia đình.
Thời gian Kanavi ở Griffin là ác mộng của tuyển thủ trẻ này
Tuy sự việc sau đó đã được giải quyết với việc Kanavi trở thành tuyển thủ tự do, cả Griffin và JDG đều lãnh án phạt. Nhưng một số nội dung (nghi là của bản hợp đồng) đã được tung lên MXH, và không ít trong số đó là những điều luật ngặt nghèo như “Tuyền thủ sẽ bị đơn phương chấm dứt hợp đồng khi nhập viện trong 30 ngày liên tiếp vì các lý do ngoài chuyên môn.” (khoản 7 điều 16) hay “Tuyền thủ sẽ bị đơn phương chấm dứt hợp đồng khi mắc một căn bệnh nghiêm trọng hay một chấn thương nguy hiểm đến tính mạng.” (khoản 8 điều 16) khiến cộng đồng LMHT vô cùng phẫn nộ và xót xa cho Kanavi.
Một số điều khoản trong bản hợp đồng nghi là của Kanavi được tung lên MXH cách đây 2 năm
Một điều giúp Kanavi đỡ hơn 2 người đàn anh ở LPL là anh còn rất trẻ khi sự việc bị phanh phui và Kanavi vẫn còn nhiều thời gian để xây dựng lại mọi thứ. Kết quả là ở hiện tại, Kanavi đầu quân cho JDG, trở thành một trong những người đi rừng hàng đầu LPL hiện nay.
Quay trở lại ở khu vực VCS, chuyện “hợp đồng nô lệ” không phải không có nhưng cũng chỉ dừng ở mức tin đồn và nghi vấn. Chính là mối quan hệ giữa GAM Esports với Zeros, EasyLove. Cụ thể, sau khi EasyLove thông báo rời GAM, thì Zeros cũng đăng đàn tố đội tuyển cũ chuyện trả đồng lương “chết đói” cho tuyển thủ. Thậm chí, cựu đường trên SBTC Esports còn cho biết thêm là EasyLove đề nghị tăng lương thì mới được nâng lên mức 7 triệu.
Zeros khui chuyện EasyLove chỉ lãnh lương 5 triệu ở GAM
Tuy rằng sau đó EasyLove đã đích thân lên tiếng khẳng định không có chuyện GAM ép lương mình. Anh còn cho biết, chính bản thân nhìn thấy hợp đồng và rằng anh cảm thấy mình không nhiều đóng góp nên đồng ý với mức lương mà GAM đề nghị. Nhưng cách trả lời lấp lửng của EasyLove khi Zeros hỏi dồn "Lương 5 triệu là thật mà phải không?" là "Biết rồi còn hỏi." tiếp tục khiến dân tình đoán già đoán non.
Cái kết của đời tuyển thủ LMHT
Có một sự thật là đa phần các tuyển thủ Esports đều có đường học vấn không được trọn vẹn, chỉ một số ít trong đó là có cơ hội học hành đến nơi đến chốn. Chưa kể, ngay từ khi còn trẻ, ở giai đoạn bắt đầu học hỏi từ môi trường xung quanh và hình thành tính cách, những tuyển thủ này đã phải vào gaming house ăn tập, cả ngày chỉ xoay quanh các trận đấu và những đồng đội. Không ít các tuyển thủ, dù đã chinh chiến nhiều năm nhưng vẫn chưa thể trả lời phỏng vấn một cách mạch lạc, trọn vẹn hay đủ kinh nghiệm sống để sẵn sàng cho một ngày không thể thi đấu được nữa.
Đời tuyển thủ Esports ngắn, mà bản thân các tuyển thủ cũng không được trang bị nhiều về kiến thức, kỹ năng sống
Ngày nay, không thể phủ nhận các đội đang tích cực hơn nữa trong việc bổ sung thêm cho tuyển thủ những kiến thức văn hóa, những bài tập rèn luyện kỹ năng sống nhưng với việc môi trường xung quanh chỉ bao gồm ăn - ngủ - game, thật khó để các tuyển thủ này tự bảo vệ mình. Như trong trường hợp của Uzi hay Mlxg, họ đã phải chịu đến ngưỡng không thể chấp nhận được mới quyết định phản kháng lại đội tuyển chủ quản nhưng đến giờ này thì có thể xem là đã hơi muộn.
Tuổi nghề của tuyển thủ ngắn ngủi, với vô số chấn thương, bệnh tật. Nhưng một khi kết thúc sự nghiệp, họ gần như chỉ có thể làm những công việc vẫn xoay quanh game như streamer, phân tích viên, huấn luyện viên… Nhưng xuyên suốt vỏn vẹn vài năm kể từ khi debut đến lúc giải nghệ, họ lúc nào cũng sẽ phải đối diện với nguy cơ "bóc lột" ngay từ "mái nhà thứ 2" của mình. Gặp đội tuyển nào đó chuyên nghiệp, minh bạch thì xem như may mắn, nếu không thì... Chuyện trở thành “mồi ngon” cho các “hợp đồng nô lệ” là chuyện hiển hiện trước mắt và cho đến tận bây giờ, những tuyển thủ vẫn không có cách nào để tự bảo vệ bản thân trong môi trường Esports đầy rẫy cạm bẫy này.