Giai thoại ly kỳ về quỷ thánh Xương Cuồng và tục hiến tế của người Việt cổ

DS  - Theo Trí Thức Trẻ | 13/05/2020 11:04 AM

Xương Cuồng là yêu quái thời thượng cổ xuất hiện trong tập ‘Lĩnh Nam Chích Quái’.

Không giống như chuột tinh hay hồ tinh, vốn là những loài yêu quái do động vật sống lâu mà thành và thường giả dạng người để bày trò quấy nhiễu, Xương Cuồng là yêu quái thời thượng cổ xuất hiện trong tập ‘Lĩnh Nam Chích Quái’. Xương Cuồng không cần phải giả dạng ai, yêu quái này ngang nhiên sát hại cả người lẫn vật, khiến cho dân chúng phải lập đền thờ và hiến tế người sống mỗi năm.

Giai thoại ly kỳ về quỷ thánh Xương Cuồng và tục hiến tế của người Việt cổ - Ảnh 1.

Truyền thuyết về Xương Cuồng

Nguồn gốc của Xương Cuồng được ghi lại trong ‘Lĩnh Nam Chính Quái’. Tương truyền thời thượng cổ ở đất Phong Châu có một cây chiên đàn lớn, cao đến hơn ngàn trượng, cành lá xum xuê, che rợp một vùng đến mấy ngàn trượng. Chim hạc hay bay đến đó làm tổ nên đất ngày còn gọi là đất Bạch Hạc (ngày nay là Tam Giang – Bạch Hạc). Cây chiên đàn này sống lâu thành cổ thụ, trải qua nhiều năm khô héo dần rồi hóa thành mộc tinh. Với sức mạnh kinh hồn, hung hãn, mộc tinh có thể sát hại cả người lẫn vật.

Giai thoại ly kỳ về quỷ thánh Xương Cuồng và tục hiến tế của người Việt cổ - Ảnh 2.

Thuở ấy, Kinh Dương Vương nghe tiếng xấu của mộc tinh, bèn tìm đến rồi dùng thần nhạc đánh thắng yêu quái. Tuy nhiên, mộc tinh vẫn chưa thuần phục hẳn, chỉ chịu nhún nhường đôi chút song vẫn chứng nào tật nấy thường nay đây mai đó bày trò hóa hiện, bắt người ăn thịt. Dân chúng rất sợ hãi nên lập đền thờ, mỗi năm đúng ngày 30 tháng chạp phải dâng người sống lên mới được yên thân. Người dân gọi mộc tinh này là thần Xương Cuồng.

Sau đó, con trai Kinh Dương Vương là Lạc Long Quân cũng có lần giao chiến với Xương Cuồng nhưng cũng không ngăn được yêu quái này. Đành phong ấn làm giảm sức mạnh của Xương Cuồng.

Thờ thần Xương Cuồng và tục hiến tế người sống

Tục dâng người sống cho Xương Cuồng kéo dài qua nhiều thế hệ người Việt cổ. Thời Hùng Vương, mỗi năm vua đều sai bắt dân man tộc ở Bà Lô (nay là Diễn Châu, Nghệ An) hay sống trên núi cao đem đến cúng cho Xương Cuồng. Đến thời Tần Thủy Hoàng, Nhâm Ngao được cử làm quan lệnh ở Long Xuyên. Nhâm Ngao biết có lệ tế người bèn cấm dân tuân theo lệ đó. Ý định bãi bỏ lệ cúng người của Nhâm Ngao khiến Xương Cuồng nổi giận nên vật chết Nhâm Ngao, người dân biết vậy càng thờ cúng cẩn thận hơn.

Giai thoại ly kỳ về quỷ thánh Xương Cuồng và tục hiến tế của người Việt cổ - Ảnh 3.

Pháp sư Du Văn Tường hàng phục Xương Cuồng

Thời vua Đinh Tiên Hoàng, có một vị pháp sư phương bắc tên Văn Du Tường tìm đến nước ta. Ông này là pháp sư đức hạnh cao thâm, lại đã từng đi qua nhiều nước khác nhau, biết nói nhiều tiếng và học được thuật phép biến hóa. Khi sang nước Nam, Du Tường được vua Đinh Tiên Hoàng đón tiếp trọng thị, hết mực tôn kính.

Sau khi biết chuyện Xương Cuồng quấy nhiễu dân chúng, Du Văn Tường bèn bày mưu giúp vua trừ yêu quái này. Ông ta dạy nghề tạp kỹ mua vui cho sáu người có tên: Thượng Kỵ, Thượng Can, Thượng Hiểm, Thượng Đát, Thượng Toái, Thượng Câu. Hàng năm cứ đến tháng 11 lại dựng lầu Phi Vân cao 20 thước, rồi đám người học tạp kỹ lên làm những trò lạ mắt. Hội diễn cứ vậy khua chiêng trống inh ỏi, ca múa ầm ĩ.

Giai thoại ly kỳ về quỷ thánh Xương Cuồng và tục hiến tế của người Việt cổ - Ảnh 4.

Xương Cuồng nghe thấy có trò vui liền mò đến để xem. Không ngờ rằng pháp sư Du Văn Tường đã chờ sẵn trong hội, dùng mật chú trấn áp hắn rồi lấy kiếm ra chém. Cả Xương Cuồng lẫn đám thuộc hạ đều bị tiêu diệt, không thể trở thành yêu quái được nữa. Từ đó dân chúng mới bỏ tục hiến người sống cho Xương Cuồng.