Giải mã thói quen crack game của người Việt - Phần 1: Tại sao người ta lại crack game?

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 14/08/2016 06:01 PM

Một cái nhìn toàn thể về những người tải lậu game crack - Họ là ai, và tại sao họ lại làm vậy?

Chuyện crack và tải lậu game, thoạt nghe thì có vẻ đơn giản, phải không? Bạn down game ở trên mạng về chơi chùa mà không phải trả tiền, thế đâu có khác gì ăn cắp? Mà ăn cắp thì là sai rồi? Nhưng không, câu chuyện crack game không đơn giản như vậy - trái lại, nó còn là một trong những vấn đề phức tạp và bị lôi ra tranh cãi nhiều nhất trong ngành công nghiệp game. Hầu như bất cứ cuộc tranh luận nào về "chuyện crack game" cũng sẽ bắt đầu "lấn sân" sang nhiều lĩnh vực khác nhau nữa - từ chính sách kinh tế quốc tế, chuyện "quyền sở hữu" và "luật bản quyền", đến việc lưu giữ game, và cả chuyện máy vi tính như một nền tảng công nghệ không giới hạn nữa.

Trong khoảng 2-3 năm trở lại đây, giữa sự phát triển ngày một nhiều của các nhà phát triển độc lập, cùng sự thống trị của Steam trong lĩnh vực phân phối game, câu chuyện về vi phạm bản quyền cũng theo đó trở nên phức tạp hơn rất nhiều so với ngày trước. Về mặt pháp lý, việc phân phối phần mềm không bản quyền vẫn không khác gì chuyện in sao băng đĩa lậu của ngày xưa. Nhưng đối với vấn đề đạo đức, hay câu chuyện về động cơ thúc đẩy việc vi phạm bản quyền, lại khác trước rất nhiều.

Tỉ lệ vi phạm bản quyền

Một trong những lý do biến việc tải và chơi lậu game trở thành một vấn đề hết sức phức tạp, nằm ở việc không có bất cứ cách nào để định lượng chính xác vấn đề này. Số liệu chính thức về vấn đề này không tồn tại. Cũng sẽ chẳng bao giờ có một cơ quan nào đứng ra để lập một danh sách về việc game bị down lậu bao nhiêu lần, những ai down nó, v...v... cho tất cả các game. Và, "tang chứng vật chứng" rõ ràng cũng vậy, tuyệt nhiên không có.

Ấy vậy mà, giữa tình cảnh "thiếu thốn thông tin" như vậy, một số nhà phát triển game lại có thể tung ra được những số liệu "khó tin" đến lạ thường. Nổi tiếng nhất, có lẽ là tuyên bố của CEO Ubisoft Yves Guillemot vào năm 2012, rằng phải tới 93% người chơi game trên máy tính là "cướp biển": "Trên PC, tính ra sẽ chỉ có khoảng 5-7% số người chơi chịu trả tiền cho game, còn lại là down lậu hết". Cũng theo Guillemot, chính vì tỉ lệ down lậu game quá cao, mà Ubisoft quyết định chuyển sang phát triển thêm cả những tựa game miễn phí và thu lợi từ cửa hàng trong game.


Người chơi chơi game crack - Ác mộng của các hãng sản xuất game (Ảnh trong game Game Dev Tycoon)

Người chơi chơi game crack - Ác mộng của các hãng sản xuất game (Ảnh trong game Game Dev Tycoon)

"Lúc bấy giờ, các thông tin nghiên cứu từ trong và ngoài công ty chúng tôi cho thấy, với những tựa game PC nổi tiếng, tỉ lệ bị tải lậu lên tới 93-95%" - Chris Early, phó chủ tịch bộ phận Digital Publishing của Ubisoft cho biết. Một số nhà phát triển khác cũng đưa ra con số ủng hộ Ubisoft: cha đẻ tựa game "Game Dev Tycoon" hồi năm 2013 cũng công bố rằng, tựa game này chỉ ngay sau ngày ra mắt, đã có tới tận 93,6% số người chơi tải lậu game về.

Tất nhiên, những lời được Guillemot công bố chỉ nói đến những tựa game nổi tiếng, chứ không đại diện cho toàn thể người chơi game PC nói chung. Ngoài ra, những công bố ban đầu cũng khẳng định rằng "Con số người chơi tải lậu không đại diện cho phần doanh thu bị mất, hay tình trạng tương tự chưa chắc đã diễn ra với tất cả mọi tựa game, ở mọi quốc gia".

Trái ngược với Ubisoft về vấn đề bản quyền, hãng phát triển dòng game nổi tiếng The Witcher - CD Projekt RED lại có cách suy nghĩ khác. Và chính hướng tiếp cận tập trung vào "củ cà rốt" thay vì "cây gậy"(tập trung vào quyền lợi thay cho sự trừng phạt), đã biến nhà đồng sáng lập Marcin Iwinski trở thành người hùng trong mắt rất nhiều người.

CD Projekt RED là một hãng game nổi tiếng với việc không áp dụng DRM cho tựa game của mình
CD Projekt RED là một hãng game nổi tiếng với việc không áp dụng DRM cho tựa game của mình

"Chỉ cần vẫn còn rào cản, sự khó chịu, vấn đề về hiệu năng, hay bất cứ điều gì gây bất tiện cho người chơi game, thì chúng tôi vẫn sẽ chọn phương án không sử dụng DRM để bảo vệ game", Iwinski chia sẻ. "Chúng tôi muốn người chơi mua game của mình vì họ thực sự muốn thế, chứ không phải vì họ không tải lậu được nên mới phải mua. Quan điểm của chúng tôi là luôn cố gắng để tạo ra nhiều giá trị hơn cho người chơi, từ đó thuyết phục họ mua sản phẩm của mình".

Về vấn đề số liệu, Iwinski cho biết không có cách nào để có thể đưa ra con số cụ thể để so sánh giữa người mua game và người chơi lậu. Trong khi Witcher bán được khoảng 20 triệu bản, ông ước tính số bản game bị tải lậu trên mạng gấp khoảng 3 đến 4 lần như thế. Tuy nhiên, ông nhận xét về điều này như sau: "Tôi không nghĩ những con số không nói lên được điều gì khi đem so sánh với những lời nhận xét tích cực về tựa game. Không gì khiến tôi vui hơn khi nhận được phản hồi của người chơi rằng, họ đã từng tải lậu game của chúng tôi, nhưng do hãng game vẫn tiếp tục đối xử công bằng với tất cả người chơi - thông qua việc đem lại trải nghiệm tốt nhất cùng với những bản mở rộng tuyệt vời - mà họ quyết định mua game."

Và mặc dù không có con số rõ ràng cho việc có bao nhiêu bản game trên PC bị tải lậu về, thì có một điều chắc chắn rằng, con số đó không phải 93%. Sau phát ngôn của Guillemot vào năm 2012, Matt Ployhar - nhân viên làm việc tại Intel, đã công bố một bản số liệu khổng lồ về tỉ lệ vi phạm bản quyền, cùng với số bản game thực tế được bán ra. Bằng việc phân tích số liệu của 5 tựa game nổi tiếng nhất trên các trang tải torrent, và đem chúng so sánh với doanh thu của game trên mọi hệ máy khác nhau, Ployhar đưa ra dự đoán rằng, có khoảng 17,6 triệu bản game bị tải lậu - chiếm khoảng 14,65% thị phần game máy tính.

Đồng thời, Ployhar cũng phân tích bản khảo sát người dùng của Steam lúc bấy giờ, trong đó, có cả danh sách những phần mềm thường xuyên được sử dụng. Bản khảo sát này cho thấy, có khoảng 30-35% số lượng máy tính được khảo sát có cài phần mềm tải torrent. Giả định rằng, ai cài phần mềm torrent cũng đều tải lậu game, thì khi kết hợp với suy đoán của Ployhar, chúng ta sẽ có khoảng 15-35% người chơi game máy tính là "cướp biển".

Công ty nghiên cứu Marketing Tru Optik lại đưa ra những con số khác hoàn toàn. Bằng việc theo dõi các lượt tải torrent trong nhiều năm, công ty này đưa ra báo cáo rằng, chỉ trong năm 2014, có tới 2,4 tỉ bản game được tải về, và phần lớn trong số đó là game cho máy tính. Con số này cao gấp 136 lần so vói phỏng đoán được Ployhar đưa ra.

Tuy vậy, điều này không có nghĩa chắc chắn rằng tỉ lệ được Ployhar dự đoán thông qua bản khảo sát của Steam là sai. Rất có thể, con số 30-35% số người chơi game máy tính này, trong một năm tải lậu rất, rất nhiều tựa game khác nhau.

KickassTorrents bị tiêu diệt như một nỗ lực nhằm hạn chế vấn đề vi phạm bản quyền
KickassTorrents bị "tiêu diệt" như một nỗ lực nhằm hạn chế vấn đề vi phạm bản quyền

Kể từ năm 2012 đến nay, doanh thu trong thị trường game máy tính đã tăng từ 18,6 tỉ USD lên hơn 30 tỉ USD. Và trải qua thời gian, các giải pháp DRM để bảo vệ bản quyền game cũng ngày càng phát triển mạnh hơn trước. Các nhà hành pháp cũng liên tục có nhiều động thái "mạnh tay" để ngăn chặn vấn đề vi phạm bản quyền, với việc đánh sập rất nhiều trang chia sẻ torrent khác nhau, mà hai nạn nhân gần đây nhất là KickassTorrents và Torrentz. So sánh với năm 2012. và nếu đặt trong giả định rằng việc tải lậu game ảnh hưởng nặng nề đến doanh thu, thì có lẽ trong mấy năm vừa qua tỉ lệ tải lậu game đã giảm đi rất nhiều.

"Tôi nghĩ không sớm thì muộn, những tranh cãi về vấn đề DRM sẽ chẳng còn quan trọng nữa" - ông Marcin Iwinski chia sẻ. "Ngày nay, tầm quan trọng của DRM có lẽ còn nhỏ hơn nhiều so với nhiều năm trước. Bởi lẽ, tiềm năng của các tính năng online trong game là rất lớn - nếu làm tốt - sẽ đem lại rất nhiều giá trị trỉ nghiệm cho người chơi. Lúc đấy, việc tải lậu game cũng đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận bỏ qua những trải nghiệm cộng đồng tuyệt vời mà bạn có thể có được khi chơi game."

Tại sao người ta lại tải lậu game?

Vậy là chúng ta đã có được những con số - dù vẫn còn tương đối mơ hồ - về số lượng người chơi tải lậu game. Vậy họ là những ai, và tại sao họ lại làm vậy?

Reddit có một cộng đồng riêng dành cho những người chuyên crack và tải lậu game - r/CrackStatus. Có khoảng 15.000 người thường xuyên ra vào nơi đây để đọc và thông báo xem, khi nào thì tựa game mới bị Crack, hay họ Crack một tựa game nào đó như thế nào. Overkill - một sinh viên ngành Công nghệ thông tin tại Bulgaria vừa tốt nghiệp - đã chia sẻ câu chuyện của mình, rằng chuyện tải lậu game, thực ra chỉ là vấn đề rất đơn giản về mặt kinh tế.

"Tại nước của tôi, giá bán một số tựa game còn cao hơn rất nhiều so với thế giới, trong khi mức lương tối thiểu thì chẳng đáng là bao. Tôi nghĩ, lý do mà nhiều người tải lậu game, cũng chỉ bởi vì họ không có đủ tiền." Overkill cho hay. "Nhất là đặt trong bối cảnh, năm vừa rồi có quá nhiều tựa game được port lên PC, nhưng chất lượng thì sơ sài, qua loa, chẳng ra đâu vào đâu. Tôi không có ý định bỏ ra một đống tiền để mua một tựa game chẳng ra gì, hoặc một tựa game bị port quá tệ".

Sự thật là, "bỏ ra một đống tiền mua game" theo lời Overkill, hoàn toàn không phải nói quá. Những nền tảng phân phối game trực tuyến như GOG hay Steam đã giúp cho thị trường game thế giới tăng trưởng rất nhiều, nhưng đồng thời cũng cho chúng ta thấy được những khác biệt về điều kiện cơ sở vật chất cũng như kinh tế, ảnh hưởng tới người chơi game trên thế giới như thế nào. Đối với một số quốc gia, giá game thậm chí quá cao so với điều kiện thu nhập của người dân. Đặc biệt với các vùng kinh tế nhỏ, cũng như những nước vừa trải qua chiến tranh, người chơi game ở đây sẽ là những người chịu thiệt thòi nhất.

Tại Bulgaria, mức lương tổi thiểu rơi vào khoảng 340 Leva một tháng. Một tựa game mới ra, trong ngày ra mắt, sẽ có giá khoảng 120 Leva, tức là bằng khoảng 1/3 tháng lương tối thiểu tại quốc gia này. Nếu so sánh với Mỹ, điều này đồng nghĩa với việc một tựa game bom tấn mới có giá khoảng 400 USD. Nghe có vẻ điên rồ, đúng không? "Vấn đề là, nhiều lúc, các hãng game cứ mặc định rằng, ở quốc gia nào người ta cũng không ngần ngại bỏ ra 50 USD, trong khi sự thật không phải như vậy, bởi lẽ nền kinh tế và mức lương ở các nước trên thế giới khác nhau hoàn toàn." - Overkill chia sẻ. Các hình thức giải trí khác, như phim ảnh, không gặp phải tình trạng này, bởi tiền vé xem phim thường được định giá bởi rạp phim trong nước, và cân đối theo nền kinh tế quốc gia, trong khi game thì được định giá bởi các nhà phát hành - những người lấy USD hay Euro làm tiêu chuẩn.

Vậy nên, nếu tạm thời bỏ qua những tranh luận về vấn đề đạo đức, thì việc người chơi game tải lậu game về vì giá bán tại quốc gia của họ quá đắt, bỗng trở nên dễ hiểu và dễ thông cảm hơn rất nhiều - ít nhất là khi so sánh với những người chơi game tải lậu vì họ không muốn chi tiền. Tất nhiên, những đối tượng như vậy cũng không hể nhỏ - theo thống kê từ Tru Optik - những tên "cướp biển" hoạt động mạnh nhất đến từ Mỹ, Brazil, và Anh.

Tuy nhiên, Overkill còn chia sẻ thêm rằng - sau khi tải lậu game, nếu thích nó, anh ta sẽ mua nó vào đợt đại hạ giá của Steam. Đối với những người giống như Overkill, Summer Sale hay Winter Sale của Steam luôn là cơ hội tuyệt vời để họ có thể sở hữu những tựa game bản quyền với mức giá phải chăng.

Đối với Overkill, việc tải lậu game giống như một hình thức né tránh rủi ro khi mua hàng. Nếu như bạn không thể tin được vào các bài review game, cũng như không tin vào chất lượng port game của hãng sản xuất, thì việc tải lậu game trước khi mua có lẽ là cách tốt nhất để tránh việc tốn tiền vô ích.

Có cầu thì ắt hẳn sẽ có cung, để có thể giúp những người muốn chơi lậu game vượt qua được rào cản từ DRM, luôn luôn tồn tại những nhóm chuyên bẻ khóa game. Trong phần sau của bài viết, chúng tôi sẽ đi sâu hơn về cuộc chiến giữa các nhóm crack và công nghệ bảo vệ bản quyền game, cũng như việc một số nhà phát triển game độc lập lại coi đây như một hình thức quảng bá miễn phí game của mình.

Theo GenK/Trí Thức Trẻ