Giải mã quốc gia kỳ lạ Monaco, nơi các triệu phú cũng phải vật lộn tìm "mảnh đất cắm dùi"

Linh Anh  Nhịp Sống Kinh Tế | 08/06/2022 11:23 PM

Công quốc nhỏ bé Monaco có số lượng triệu phú trên đầu người cao nhất thế giới và đó chính là lý do khiến những người có tiền cũng phải vật vã để có một ngôi nhà.

Thỏi nam châm hút giới siêu giàu

Có những điều không tưởng, chắc chỉ có thể xảy ra ở Monaco. Ở đây, người ta không chỉ vất vả tìm nơi ở cho con người mà còn phải tranh nhau chỗ đỗ cho các siêu du thuyền đắt đỏ. Mọi khoảnh đất trống đều được tận dụng để xây nhà và sự khan hiếm cũng chính là lý do khiến bạn có tiền nhưng chưa chắc đã tìm được một nơi ở ưng ý.

Monaco là quốc gia nhỏ trên bờ biển, nằm giữa thị trấn Èze và Menton của Pháp. Vùng đất rộng chưa đầy 2km vuông này là một nơi đặc biệt với luật pháp và nhà nước riêng. Có 38.000 người sống ở Monaco và 30% trong số đó là triệu phú.

Giải mã quốc gia kỳ lạ Monaco, nơi các triệu phú cũng phải vật lộn tìm mảnh đất cắm dùi - Ảnh 1.

Nơi đây có tỷ lệ sở hữu máy bay phản lực cá nhân và du thuyền đặc biệt cao. Dù nhỏ nhưng quốc gia này cũng có đường đua Công thức 1 và những sòng bạc nổi tiếng thế giới. Nhiều bộ phim được lấy bối cảnh ở Công quốc này.

Trái ngược với diện tích "khiêm tốn", Monaco trở nên đặc biệt hấp dẫn với giới siêu giàu vì chính sách thuế vô cùng ưu đãi của nó. Thậm chí, người ta còn gọi nó là thỏi nam châm hút giới siêu giàu. Kể từ khi Nhà Grimaldi (Hoàng gia Monaco) thành lập công quốc hơn 700 năm trước, họ có quyền không tính thuế thu nhập đối với bất cứ ai sống trên đất nước của họ.

Các doanh nghiệp làm ăn có lãi không phải trả thuế với khoản lãi đó ở Monaco. Cư dân cũng không phải trả thuế tài sản hay thậm chí là thuế cho phần lãi từ các khoản đầu tư của họ. Tuy nhiên, nếu chuyển tài sản ra khỏi công quốc này, người ta sẽ phải chịu mức thuế 33%.

Tuy nhiên, người dân ở đây vẫn phải trả thuế VAT theo quy định của nước Pháp với tất cả các hàng hóa lưu hành tại công quốc. Cư dân Pháp tại Monaco tiếp tục phải tuân thủ các quy định về thuế của Pháp hoặc phải từ bỏ quốc tịch của mình, điều không ít người vẫn làm.

Một quốc gia đang hết đất

Chính sự hấp dẫn của Monaco khiến nhiều người muốn chuyển tới đây để sống. Các nhà quy hoạch của thành phố ước tính sẽ có thêm khoảng 2.700 người trở thành cư dân Monaco trong 10 năm tới, tương đương mức gia tăng dân số hơn 7%.

Vì hiếm mặt bằng nên giá bất động sản ở Monaco bị đẩy lên cao ngất ngưởng. Đây chính là nơi có giá nhà đắt nhất thế giới. Giá bất động sản ở đây vào khoảng 100.000 USD/m2. Tuy nhiên, ngay cả khi có tiền, việc tìm kiếm một căn nhà ưng ý cũng là điều không hề dễ dàng.

Giải mã quốc gia kỳ lạ Monaco, nơi các triệu phú cũng phải vật lộn tìm mảnh đất cắm dùi - Ảnh 2.

Còn đối với chính quyền Monaco, việc xây thêm nhà mới cũng là bài toán khó. Sau khi xây nhà trên sườn núi và đào xuống đất sâu hết mức có thể, người ta đã triển khai các dự án mở rộng ra biển nhằm có thêm đất. Được điều hành bởi công ty Pháp Bouygues Travaux Public, một dự án lấn biển sẽ bổ sung thêm 6,07 ha đất cho Monaco vào năm 2026. Nó bao gồm hơn 120 ngôi nhà và 30 bến tàu mới. Đây cũng không phải lần đầu tiên công quốc này mở rộng ra biển. Theo BBC, quốc gia này đã tăng khoảng 20% diện tích kể từ năm 1861 đến nay.

Tuy nhiên, cũng có những tiếng nói quan ngại về môi trường nổi lên xung quanh các dự án lấn biển của Monaco. Việc lấn biển buộc người ta phải đưa các cấu kiện khổng lồ, chứa đầy bê tông và được bị kín để kéo ra biển. Sau đó, chúng sẽ được đánh chìm xuống vị trí đã định trước khi lấp cát lên để tạo ra một vùng đất nhân tạo. Điều này sẽ phá hủy hệ sinh thái dưới biển.

Chính vì thế, nhà phát triển Bouygues đang có kế hoạch di rời thảm động thực vật dưới đáy biển tới một khu vực khác thông qua những rạn san hô nhân tạo. Dẫu vậy, tác động thực sự của những biện pháp này đến với môi trường là điều không ai có thể tính toán hết.

Đối với Hoàng tử Albert II, người lãnh đạo Công quốc Monaco, đây là quyết định khó khăn. Ông là người đã quyên góp hàng triệu USD tài sản cá nhân cho các quỹ từ thiện vì môi trường. Trong vai trò một nhà lãnh đạo, ông sẽ buộc phải cân nhắc giữa rủi ro với môi trường và lợi ích kinh tế tiềm năng, điều mang ý nghĩa sống còn với một quốc gia nhỏ bé như Monaco.

Kinh tế Monaco chủ yếu dựa vào du lịch. Dịch vụ ngân hàng và các sòng bạc được thành lập từ năm 1862. Chính sách thuế quan ưu đãi thu hút các công ty nước ngoài. Các ngành công nghiệp gồm có: chế tạo mĩ phẩm, hóa chất, điện tử, đóng tàu, xây dựng... Monaco hoàn toàn hợp nhất thuế quan với Pháp để thu và giảm thuế mậu dịch, đồng thời tham gia vào hệ thống thị trường EU qua liên minh thuế quan với Pháp.

Dịch vụ du lịch và thu thuế từ các sòng bạc là nguồn thu nhập chủ yếu của Monaco (25% PIB). Ngành ngân hàng-tài chính phát triển mạnh và đều. Ngành công nghiệp tập trung chủ yếu vào công nghiệp nhẹ, không huỷ hoại môi trường và có hàm lượng giá trị gia tăng cao chiếm 8% nguồn thu nhập ngân sách. Tuy chưa là thành viên chính thức của EU nhưng Monaco có quan hệ mật thiết với tổ chức này thông qua Hiệp định chung về thuế quan với Pháp. Đồng tiền của Monaco cũng là đồng euro.

https://cafef.vn/giai-ma-quoc-gia-ky-la-monaco-noi-cac-trieu-phu-cung-phai-vat-lon-tim-manh-dat-cam-dui-20220607112314389.chn