Giải mã bí mật đằng sau tên gọi Half-Life và những tựa game nổi tiếng khác trong lịch sử (p1)

Real Madrid  - Theo Helino | 03/05/2019 11:50 PM

Có rất nhiều game có những cái tên khó hiểu và dường như chẳng ăn nhập gì với nội dung cả, nhưng vì quá quen thuộc, nên đôi khi chúng ta cũng chẳng để tâm tới điều đó.

Giống như con người, cái tên được những hãng sản xuất đặt cho game của mình dù có kì lạ đến đâu cũng đều ẩn chứa những hàm ý nhất định. Có rất nhiều game có những cái tên khó hiểu và dường như chẳng ăn nhập gì với nội dung cả, nhưng vì quá quen thuộc, nên đôi khi chúng ta cũng chẳng để tâm tới điều đó. Sau đây là danh sách những tựa game như vậy, cùng lí do mà nhà phát triển chọn những cái tên “dị” để đặt cho đứa con cưng của mình.

Half-Life

Giải mã bí mật đằng sau tên gọi Half-Life và những tựa game nổi tiếng khác trong lịch sử (p1) - Ảnh 1.

"Half-Life" là một thuật ngữ khoa học nói về lượng thời gian cần thiết để một loại chất hóa học nào đó (thường là những nguyên tố phóng xạ) phân hủy một nửa khối lượng ban đầu của nó. Ngoài ra, thuật ngữ này còn dùng để chỉ sự "phân hủy theo hàm mũ", hay nói đơn giản là một sự giảm số lượng với một tỉ lệ ổn định không thay đổi, như từ 8 về 4, 4 về 2, 2 về 1,….

Ở trong các công thức khoa học thì sự phân hủy này được kí hiệu bằng kí tự Lamđa (λ) – một chữ cái Hy Lạp đã quá quen thuộc với các fan của Half Life rồi. Theo giám đốc của Valve – Gabe Newell – thì cái tên này được chọn vì nó cũng khá phù hợp với cái nền của game: những thảm họa khoa học và sự suy thoái theo từng ngày của thế giới.

Sleeping Dogs

Giải mã bí mật đằng sau tên gọi Half-Life và những tựa game nổi tiếng khác trong lịch sử (p1) - Ảnh 2.

Cái tên này được xuất phát từ thành ngữ "Let sleeping dogs lie", có hàm ý là "Hãy quên đi những chuyện tiêu cực đã xảy ra trong quá khứ, cũng đừng có những hành động đáp trả chúng vì như vậy chỉ làm hiện tại tồi tệ thêm".

Cũng chưa rõ ràng lăm là câu nói này có mối liên quan trực tiếp nào đến chuyến phiêu lưu của Wei Shen hay không. Có nhiều fan đã suy luận rằng câu này ám chỉ sự quay về với thế giới ngầm của anh để trả thù cho chị gái mình – Mimi. Wei đã để hận thù ăn quá sâu vào tâm trí, vì thế nhiều lần anh đã đặt bản thân cùng những người bạn của mình vào nơi nguy hiểm. Giả thiết này càng tỏ ra hợp lý khi người khởi nguồn cho sự tha hóa của Mimi được nhắc đến với biệt danh "DogEyes"

Beyond Good & Evil

Giải mã bí mật đằng sau tên gọi Half-Life và những tựa game nổi tiếng khác trong lịch sử (p1) - Ảnh 3.

Tựa game đình đám này của Ubisoft ban đầu vốn được đặt tên là "Between Good & Evil", ám chỉ những khó khăn của nhân vật chính trong việc đối đầu với những thử thách trong game. Michel Ancel, giám đốc phát triển tựa game, định dùng cái tên này để nói lên tình trạng của con người khi đứng giữa hai thái cực trái ngược của đạo đức, sự lựa chọn giữa cái tốt và cái xấu.

Nói là vậy, thế nhưng chẳng hiểu sao bộ phận marketing của game này sau đó lại đổi "Between" thành "Beyond", và lấy lí do rằng cái tên mới phản ánh tốt hơn cái nhìn của game. Mặc dù có cùng tên với cuốn tiểu thuyết nổi tiếng " Beyond Good & Evil" của Fredrich Nietzsche nhưng nội dung của game là chẳng có một tí nào liên quan đến tác phẩm này cả.

Devil May Cry

Giải mã bí mật đằng sau tên gọi Half-Life và những tựa game nổi tiếng khác trong lịch sử (p1) - Ảnh 4.

Cha đẻ của series này, họa sĩ Hideki Kamiya, đã từng cho biết rằng ông định chọn cái tên "Devil May Care", một thuật ngữ chỉ những người vô tư lự và liều lĩnh, những tính cách điển hình của nhân vật chính của series – Dante. Đáng tiếc, thời điểm đó có một bộ phim cùng tên nhưng nội dung không liên quan được phát hành, vì vậy Kamiya buộc phải thay đổi một chút lựa chọn của mình.

Cái tên chính thức " Devil May Cry " ám chỉ những nhân vật tiêu biểu trong game - vốn ít nhiều đều mang dòng máu quỷ dữ lại có nhân cách cao đẹp hơn rất nhiều con người độc ác. Chàng thợ săn quỷ đã từng khóc sau khi tự tay đẩy anh trai song sinh xuống Địa Ngục đấy thôi.

(Còn tiếp)