- Theo Trí Thức Trẻ | 18/02/2016 05:09 PM
Trong thời gian qua, bên cạnh những cỗ máy chơi game mới mẻ và cao cấp như Xbox One hay PS4, hoặc những cỗ máy tính chơi game với cấu hình khủng được nhiều game thủ Việt sắm sửa trong thời gian qua, thì gần đây, một phong trào mới đã rộ lên.
Thay vì việc bỏ tiền triệu để mua những máy console đắt tiền, nhiều người trẻ tuổi có vẻ như lại muốn trở về với "tuổi thơ dữ dội" với những thiết bị đã có tuổi, những cỗ máy đầy tính hoài cổ, dù đôi lúc xuất hiện từ thời kỳ nhiều người trong số chúng ta còn chưa ra đời.
Một lợi thế không thể nào chối bỏ của những cỗ máy chơi game cũ như SNES, PlayStation 1 hoặc 2, hay GameBoy chính là mức giá của chúng. Không chỉ giới trẻ Việt Nam, mà ngay cả những bậc phụ huynh cũng đang quan tâm tới nhiều máy chơi game đã có tuổi đời hoặc thậm chí là mua đồ cổ cho con em mình vì tiêu chí giá cả.
Ấy là chưa kể, trong mắt nhiều ông bố, thậm chí là cả bà mẹ đã từng có quá khứ với nhiều huyền thoại như Sonic, Mario cùng những cỗ máy một thời cũng muốn con cái họ thưởng thức những tựa game đó, dù rằng hình ảnh không mấy lôi cuốn như những "bom tấn" thời gian qua trên nền tảng PS3 hay PS4.
Một lý do nữa cho việc máy chơi game cổ lên ngôi chính là tâm lý hoài cổ, thích sưu tập của một bộ phận game thủ Việt. Sở hữu những máy chơi game mới, những tựa game hiện đại thật sự quá đỗi đơn giản, chỉ cần đủ tiền là xong. Thế nhưng việc sở hữu lại những băng game cổ, những máy chơi game đã có 20 đến 30 năm tuổi đời nhưng vẫn hoạt động hoàn hảo dù bề ngoài có vẻ cũ kỹ lại là ước mơ của không ít người.
Trong khi đó, nhiều vị phụ huynh cũng đang tìm cho con cái mình những chiếc máy chơi game rẻ tiền, nhỏ gọn vì đã ra mắt từ lâu như Gameboy Advance SP, PSP đời 2 hoặc 3, hay Nintendo DS. Đối với nhiều ông bố bà mẹ, việc đầu tư cho con cái của mình một chiếc máy chơi game cầm tay với mức giá dễ chịu cùng những tựa game ngộ nghĩnh luôn hợp lý hơn so với việc mua một cỗ máy cồng kềnh, đắt tiền nhưng không có nhiều tựa game phù hợp với con em của họ.
Đây cũng là một lựa chọn tương đối ổn khi không muốn con em của mình đắm chìm vào những tựa game trên mobile hay máy tính bảng, thứ mà thời gian qua đã gây ra không ít phiền toái và rắc rối cho nhiều vị phụ huynh.
Nếu xét lại quá khứ, chúng ta hoàn toàn có thể đồng ý với nhau một điều rằng, game hay không nhất thiết phải là một game có đồ họa quá mức khủng khiếp, sát phần cứng một cách hết sức có thể. Thay vào đó, ở thời điểm phần cứng có hạn chế riêng do tiến bộ của công nghệ chưa thể so bì được với thời điểm hiện tại, thì một tựa game được đánh giá là hay khi nó có được lối chơi cuốn hút người thưởng thức, và đem lại những phút giây giải trí cho không chỉ một người mà là cả gia đình với chế độ chơi multiplayer.
Với tâm tưởng như vậy, nhiều bậc phụ huynh hoặc những game thủ đã có tuổi đã tìm mua những cỗ máy chơi game cũ với giá chỉ vài trăm nghìn Đồng, quá rẻ so với những iPad, những máy tính để bàn, nhưng niềm vui mà chúng mang lại là tương đương, thậm chí đôi khi còn có phần hơn khi cả gia đình có thể cùng thưởng thức game thay vì để con em của họ ru rú ở một góc với chiếc smartphone và máy tính bảng.
Trên Facebook, một người bạn học của tôi, nay đã lập gia đình và có một cậu con trai thì cho biết, không phải bắt con cái chịu khổ cùng, vì phải chơi game xấu, game cũ, mà là muốn hướng con em mình đến với một cách thưởng thức game có ý thức hơn, không phải một mình một cõi, mà cùng cả gia đình, với anh em bạn bè chơi game. Điều này vừa có ích trong việc giáo dục con cái, vừa cho phép những game thủ già... đào tạo một thế hệ kế cận biết thưởng thức game với tinh thần đồng đội hơn.
Có thể kết luận rằng, với trào lưu này, nhiều bậc phụ huynh đã có thể cùng lúc làm hai công việc, đó là dứt được thói quen cho con em mình chơi game trên điện thoại và máy tính bảng, vừa hại mắt, vừa khó giao tiếp với người khác, cùng lúc đó tạo một thói quen thưởng thức game có ý thức hơn ngay từ khi những cô bé cậu bé sinh ra trong thế kỷ XXI, vốn được bao bọc bởi hàng loạt công nghệ hiện tại vẫn còn rất nhỏ.