Razer Kraken Chroma 7.1
Giống như Blackwidow Ultimate Chroma và Death Adder Chroma, chiếc tai nghe Kraken Chroma 7.1 chỉ được trang bị thêm Led đổi màu. Còn lại các chi tiết thiết kế và linh phụ kện vẫn giữ y hệt như phiên bản cũ.
Kraken Chroma 7.1 vẫn gây ấn tượng đặc biệt và thậm chí là khác biệt so với phần lớn các tai nghe chơi game còn lại. Thay vì cố gắng nhấn vào các chi tiết vô nghĩa thì Kraken 7.1 Chroma mang lại âm bass cực kỳ mạnh mẽ, phù hợp với phần đông người dùng phổ thông, nó dễ nghe, dễ chấp nhận, tuy đôi lúc có hơi quá đà. Người sử dụng sẽ phải vào Synapse tùy chỉnh giảm bớt âm trầm đi một chút vì mặc định đã rất khủng khiếp rồi.
Với chất âm kiểu này thì các chi tiết ở dải cao bị kéo tụt lại, bắt đầu từ high mid trở lên. Tuy nhiên khi chơi game thì người dùng chủ yếu nghe hiệu ứng cháy nổ, tiếng bom đạn, tiếng chân và nó chủ yếu nằm ở dải thấp nghĩa là thuộc bass và âm trung nên Kraken vẫn thể hiện được. Cộng với khả năng tái tạo âm thanh 7.1, Kraken cho người dùng khả năng xác định vị trí khá ổn, nếu không phải dạng game thủ hard core yêu cầu cực cao thì có lẽ Kraken sẽ làm thỏa mãn bạn đến mức tối đa, cả phim, game và nhạc.
Roccat Kave 5.1 Analog
Roccat đã chính thức giới thiệu bộ đôi tai nghe chơi game cao cấp, phiên bản nâng cấp của Kave 5.1, lấy tên Kave XTD 5.1 Analog và Digital. Thay vì sử dụng soundcard giả lập, thì vẫn còn đó hệ thống driver đa kênh và đống jack kết nối đồ sộ, phục vụ những người khó tính nhất trong những tựa game như CS:GO hoặc nhu cầu xem phim âm thanh vòm. Chiếc tai nghe phiên bản Analog cũng chính là sản phẩm được chúng tôi thử nghiệm trong bài viết này.
Một ưu điểm mà Kave vượt hẳn hơn so với những sản phẩm tái tạo âm thanh vòm khác chính là việc hoạt động mà không cần tới driver cài đặt. Tuy nhiên để làm được điều này, máy tính của người sử dụng cũng cần có đủ những cổng kết nối cho các kênh âm thanh giống như trên những dàn loa 5.1 thông dụng.
Chính vì thế, nếu máy tính của bạn không có đủ những cổng tín hiệu với màu sắc tương ứng, ví như đen hoặc da cam, bên cạnh những cổng xanh lá cây (line out) và hồng (micrphone in) vốn có. Điều này mặc nhiên đòi hỏi bạn phải sở hữu một mainboard có đủ những cổng lineout phục vụ những bộ loa 5.1. Dĩ nhiên nếu là một mainboard được nhà sản xuất tạo ra phục vụ cộng đồng game thủ, thì điều này không có nhiều vấn đề cho lắm, khi họ luôn tích hợp đầy đủ những cổng xuất tín hiệu cần thiết.
Ngay trên chiếc tai nghe, người sử dụng có thể tinh chỉnh âm lượng của các kênh, cũng như âm lượng tổng để tạo ra trải nghiệm âm thanh chính xác nhất trong những tựa game, đặc biệt là những FPS, vốn yêu cầu chất lượng âm thanh cao.
Bộ điều khiển được tích hợp card sound đa kênh, tách biệt khỏi máy tính nên âm thanh không bị nhiễu hoặc bị gián đoạn. Lợi ích của việc này là tránh được các vấn đề phổ biến khi sử dụng card sound đi kèm máy tính, chúng thường cho âm thanh bị rè, ồn. Với chiếc sound card chất lượng đỉnh cao, Kave XTD 5.1 Analog đảm bảo bạn chỉ nghe thấy những gì mình muốn nghe, âm thanh của games, vì vậy tiếng bước chân đối thủ sẽ không bị nhiễu bởi tiếng ồn không mong muốn.
SteelSeries Siberia 650
Siberia 650 thuộc dòng tai nghe dành riêng cho game thủ với chất âm khá, kiểu dáng đẹp cùng thiết kế đóng (close-back) ôm trọn vành tai giúp ngăn tiếng ồn bên ngoài, mang đến một không gian âm thanh riêng để tăng sự trải nghiệm của người dùng. Tuy vậy, sản phẩm khá “nặng ký” do khung vòm chụp làm từ thép không gỉ, thiết kế không có khớp xoay giảm lực nên ít nhiều tác động đến vành tai người nghe, cần một quãng thời gian dài sử dụng để không còn cảm giác gò bó, làm đau tai.
Kế thừa những ưu điểm của mẫu tai nghe Siberia Elite, ấn tượng đầu tiên về sản phẩm mới Siberia 650 là thiết kế mang đậm chất game thủ bởi hệ thống đèn LED đa sắc màu bắt mắt, có thể tùy chỉnh theo cá tính qua bộ tiện ích hỗ trợ SteelSeries Engine 3 . Củ tai lớn với lớp mút dày, bọc bên ngoài là lớp da nhân tạo mềm mại ôm trọn tai người nghe nhằm mang lại sự thoải mái và giảm bớt tiếng ồn với môi trường bên ngoài. Phần khung treo củ tai được làm bằng thép không gỉ có khả năng chịu lực tốt, độ bền lâu dài so với chất liệu nhựa.
Tuy nhiên điểm đáng tiếc là thiết kế sản phẩm chưa thật tối ưu trong việc giảm áp lực tác động đến người dùng do khung treo không có các khớp động. Sức ép từ vòm chụp chính tác động đáng kể lên phần xương đầu và vành tai, nhất là với người dùng có cỡ đầu lớn nên khó có thể sử dụng liên tục trong quãng thời gian dài.
Siberia 650 cũng đi kèm bộ sound card được thiết kế tối ưu cho sản phẩm, tạo sự khác biệt với các tai nghe khác. Kết hợp cùng tiện ích SteelSeries Engine 3 mang lại một số tùy chỉnh mở rộng như hỗ trợ công nghệ âm thanh Dolby 7.1, khả năng lọc tiếng ồn cho micro và cả việc thiết lập các profile âm thanh khác nhau tùy theo môi trường giải trí.
Kingston HyperX Cloud II
Từ trước tới nay, tôi, một người khá mê những chiếc tai nghe cao cấp cùng những hệ thống âm thanh ở mức tương đối, vẫn thường coi những chiếc headset chơi game chỉ đáp ứng được một nhu cầu duy nhất: Thưởng thức game, và nghe nhạc xem phim ở mức tương đối tạm chấp nhận.
Thế nhưng những gì mà Cloud II thể hiện trong suốt 2 tuần tôi sử dụng liên tục sản phẩm này đã phần nào thay đổi định kiến của bản thân về gaming headset.
Hãy bắt đầu với âm nhạc. Một cách ngắn gọn, Cloud II khiến tôi không thể không nghĩ tới một chiếc tai nghe audiophile từng rất được yêu thích, Beyerdynamic DT880. Nếu như những chiếc tai nghe chơi game thường được chia thành hai loại: Một loại không có chút bass nào, loại kia thì bass lấn hết tất cả mọi thứ còn lại trong một bài nhạc.
Với những bản nhạc jazz, thứ “tinh tế” gần nhất để đánh giá khả năng trình diễn âm thanh của một chiếc tai nghe, bass của Cloud II xứng đáng được xếp vào hàng những chiếc tai nghe chuyên game tốt nhất tôi từng thưởng thức. Bass dĩ nhiên không nhiều về lượng, nhưng độ sâu cùng độ dày của từng tiếng contrabass bập bùng đầy thỏa mãn.
Trong khi đó với những bản nhạc Việt, từ cũ đến mới, giọng ca ngọt ngào của ca sỹ luôn được đẩy lên phía trước đôi chút, tạo ra âm thanh ngọt ngào, đặc biệt là khi thưởng thức thông qua soundcard (dĩ nhiên không kích hoạt chế độ giả lập âm thanh vòm 7.1) hoặc cắm chay trên điện thoại di động.
Tuy nhiên thứ khiến cho tôi nhớ lại DT880 cũng như DT990 trước đây từng sở hữu lại chính là dải âm cao chói chang, đôi khi hơi “nóng bỏng”, chói tai của Cloud II. Điều này khiến một vài game thủ sẽ phải làm quen đôi chút với Cloud II, điều chỉnh âm lượng để không ảnh hưởng đến thính giác của bản thân.